Bắc Mê (Hà Giang): Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Những năm qua, huyện Bắc Mê (Hà Giang) luôn quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay tư duy làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân trong huyện.
Điểm sáng từ làm kinh tế nông nghiệp
Bắc Mê là huyện nghèo 30a, gồm 18 dân tộc cùng chung sống. Huyện có 12 xã, 1 thị trấn, trong đó có đến 10 xã thuộc khu vực III - xã đặc biệt khó khăn. Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đầu năm 2022, toàn huyện có 5.107 hộ nghèo, chiếm 46,83% tổng số hộ và 2.086 hộ cận nghèo, chiếm 18,49%.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bắc Mê đã tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động từ xã hội để đầu tư cho công tác giảm nghèo.
Trong đó, huyện chú trọng tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế; đẩy mạnh liên kết hàng hóa theo chuỗi, phát huy thế mạnh của nông nghiệp, làm kinh tế một cách chuyên nghiệp. Qua đó, tạo động lực để thu hút doanh nghiệp về đầu tư cùng người dân, hợp tác xã.
Một trong những mô hình liên kết tiêu biểu ở huyện Bắc Mê là Hợp tác xã dược liệu Phiêng Luông cùng một công ty về dược liệu, Trung tâm Bảo tồn và phát triển cây thuốc Việt Nam, Viện Dược liệu thuộc Bộ Y tế đã vận động người dân xã Phiêng Luông chuyển đổi từ đất trồng ngô không hiệu quả sang trồng ý dĩ. Sản phẩm sản xuất đến đâu được doanh nghiệp thu mua đến đó phục vụ chế biến. Nhờ đảm bảo bao tiêu đầu ra cho bà con nên các hộ dân tin tưởng, đồng ý chuyển đổi.
Mô hình này đã giúp cho người dân phát huy được nguồn lực về đất đai, sức lao động để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Chính quyền địa phương cũng cùng hợp tác xã đứng ra làm vai trò cầu nối, bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân liên kết với doanh nghiệp, tránh những khó khăn, vướng mắc phát sinh nếu có.
Huyện Bắc Mê còn thu hút được nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi giá trị hàng hóa như mô hình trồng chuối tại thôn Tạm Mò, xã Yên Định của Công ty cổ phần Phát triển nông, lâm nghiệp Hà Giang; mô hình nuôi cá chiên, cá lăng của Hợp tác xã Thượng Tân, thị trấn Yên Phú; mô hình trồng dâu nuôi tằm của Hợp tác xã Thiên Ân, xã Yên Cường… Đây đều là những mô hình kinh tế hàng hóa mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho người dân so với sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ.
Nổi tiếng với mô hình trồng dâu nuôi tằm, các thành viên tham gia Hợp tác xã Thiên Ân, xã Yên Cường được hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm tằm, trồng dâu… và bao tiêu sản phẩm đầu ra, giá thu mua ổn định. Nhiều hộ thành viên trước đây chủ yếu trồng cây hoa màu nhưng thu nhập bấp bênh, không đủ chi phí đầu tư, từ khi chuyển sang nghề trồng dâu nuôi tằm đã hoàn toàn thoát nghèo, ổn định kinh tế.
Lợi thế của mô hình này là chi phí đầu tư trồng cây dâu không cao, một lần trồng có thể thu hoạch 3 - 5 năm. Cây dâu lại không kén đất, có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau. Sau 3 tháng trồng, cây dâu đã có thể cho thu hoạch lá. Ngoài sản phẩm chính là lá dâu nuôi tằm, hợp tác xã còn thu được nhiều sản phẩm phụ từ việc trồng xen các loại rau, đậu, cây hoa, dược liệu.
Hay Dự án trồng chuối xuất khẩu tại thôn Tạm Mò, xã Yên Định đã khẳng định hiệu quả kinh tế của mô hình liên kết trồng chuối theo chuỗi hàng hóa, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
Ngày trước, cuộc sống của người dân thôn Tạm Mò phụ thuộc vào 2 loại cây trồng chính là lúa và ngô. Tuy nhiên, thu nhập hàng năm từ 2 loại cây này thường thấp. Năm 2015, Công ty cổ phần Phát triển nông, lâm nghiệp Hà Giang đã liên kết với các hộ dân có đất lâm nghiệp tại thôn Tạm Mò thực hiện Dự án trồng 150 ha chuối xuất khẩu với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; sử dụng giống mới, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, bón phân cân đối nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thời điểm này, tính theo giá thu mua hiện tại, 150ha chuối sẽ cho thu trên 10 tỷ đồng. Những hộ dân có đất cho doanh nghiệp thuê được tuyển vào làm nhân công trồng, chăm sóc chuối với mức thu nhập tốt khoảng 4 – 5 triệu đồng/tháng, đảm bảo đời sống sinh hoạt, cải thiện kinh tế gia đình.
Những mô hình phát triển kinh tế hàng hoá này đã giúp người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo nâng cao nhận thức, có ý chí vươn lên. Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm bình quân 2,22%/năm.
Hướng đến giảm tỷ lệ hộ nghèo 6%/năm
Để hướng tới mục tiêu thoát khỏi tình trạng huyện nghèo vào năm 2030, Bắc Mê đang phấn đưa đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6%/năm trở lên. Đến cuối năm 2025, đưa số đơn vị cấp xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn còn 7/13 xã, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 42,0 triệu đồng.
Để làm được điều này, huyện Bắc Mê sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả 7 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 nhằm khơi dậy được ý chí tự lực tự cường và nội lực trong nhân dân để thoát nghèo bền vững.
Cùng với đó, lãnh đạo huyện tiếp tục chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương bằng hình thức liên kết sản xuất nhằm hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo luồng sinh khí mới giúp nông nghiệp khởi sắc.
Chính quyền huyện cũng sẽ thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, HTX và người dân nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn trong liên kết đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Bắc Mê tiếp tục nghiên cứu để có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư, tạo điều kiện hình thành các chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp bền vững.
Cùng với việc quan tâm đa dạng hóa các mô hình, sinh kế giảm nghèo bền vững huyện Bắc Mê cũng rất chú trọng tới công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ đó cũng đã góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện.