Xã hội

Chợ Đồn (Bắc Kạn): Mô hình nuôi dê thoát nghèo

Bảo Hà 28/06/2024 - 16:02

UBND huyện Chợ Đồn đã tiến hành triển khai thực hiện dự án “Đa dạng kế sinh hóa” giúp hộ nghèo trên địa bàn huyện thoát nghèo.

d.png
Được sự quan tâm của chính quyền, chương trình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước phát huy hiệu quả.

Xã Yên Thịnh là một trong những xã có nhiều đồng bào dân tộc với nhiều hộ nghèo. Được sự quan tâm của chính quyền, chương trình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước phát huy hiệu quả. Chương trình đã tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân và góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Gia đình ông Hoàng Văn Vĩnh, thôn Bản Cậu, xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn, là hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo của thôn, cả gia đình chỉ trông chờ vài sào ruộng. Năm 2022, gia đình ông Vĩnh được chính quyền quan tâm hỗ trợ 10 con dê cái sinh sản và 1 con dê đực, đến nay cuộc sống của gia đình ông cũng ổn định và có thêm thu nhập.

Ông Vĩnh vui vẻ chia sẻ, cảm ơn nhà nước đã giúp gia đình tôi cũng như bao gia đình có hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi. Nhờ có cán bộ tận tình chỉ bảo về kinh nghiệm nuôi, đến nay, đàn dê đã sinh trưởng thành 40 con, dê nuôi trên núi đá chủ yếu ăn cây cỏ, lại leo trèo nhiều nên thịt chắc, giàu dinh dưỡng được thương lái mua với giá cao.

Tương tự, ông Trần Văn Nam, thôn Nà Dài, cũng là hộ cận nghèo của xã. Vào năm 2022 ông Nam cũng được nhận hỗ trợ 7 con dê cái và 1 con dê đực. Đến nay, đàn dê sinh trưởng được 26 con, ông Nam khấn khởi nói: “Dê rất dễ nuôi, thức ăn là loại cây có sẵn ở trong vườn và phụ phẩm nông nghiệp như thân ngô, lạc… Hơn nữa, nuôi dê chỉ cần bảo đảm chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát thì sẽ tránh cho dê bị lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài. Ngoài ra, nguồn phân dê có thể dùng để bón cho cây. Dê con nuôi 6 tháng thì có thể xuất chuồng. Nhờ có đàn dê mà gia đình tôi có thêm động lực vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, đến nay gia đình tôi đã thoát hộ cận nghèo”.

d3.png
Phong trào nuôi dê ở xã Yên Thịnh đang phát triển mạnh.

Ông Nam chia sẻ thêm, để nuôi dê thành công phải bảo đảm môi trường chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phải phun tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ và tiêm phòng một số loại vacxin để phòng trừ dịch bệnh. Thức ăn cho dê phải khô ráo, sạch và không bị ẩm mốc. Nếu dê ăn cỏ còn dính sương đêm dễ bị bệnh chướng bụng, đầy hơi. Vì vậy, khi chăn thả dê không nên thả sớm mà chỉ nên thả khi cỏ đã khô sương, người dân ở đây thường chỉ thả dê vào buổi chiều.

Với lợi thế diện tích rừng lớn, vài năm trở lại đây, phong trào nuôi dê ở xã Yên Thịnh đang phát triển mạnh với quy mô từ vài chục đến vài trăm con, góp phần không nhỏ giúp xóa đói giảm nghèo cho các hộ nông dân trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nông Đình Huế – Chủ tịch xã Yên Thịnh cho biết: Mô hình “Đàn dê thoát nghèo” đang phát huy hiệu quả tích cực, giúp tận dụng các sản phẩm phụ từ trồng trọt và giải quyết tốt vấn đề về vốn làm ăn cho nông dân nghèo, đối với chính quyền địa phương cũng phối hợp với các ban, thôn và các đoàn thể chính trị xã hội để rà soát các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và những đối tượng thoát nghèo để hỗ trợ về con giống, vật tư để bà con thoát nghèo bền vững. Từ đó, địa phương cũng tiến hành rà soát thực hiện tốt nhằm mục đích đem lại quyền lợi cho bà con, cũng như có thu nhập để bà con có cuộc sống ổn định hơn.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Chợ Đồn được phân bổ hơn 26,492 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Riêng năm 2023, huyện được phân bổ 10,894 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương hơn 10,677 tỷ đồng (chuyển tiếp năm 2022 sang 2023 là 260 triệu đồng), ngân sách tỉnh 311 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng ngân sách huyện. Nguồn kinh phí thực hiện các dự án, nhất là dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được huyện bố trí kịp thời, đúng người. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 13,04%.

d2.png
Mô hình nuôi dê góp phần không nhỏ giúp xóa đói giảm nghèo cho các hộ nông dân trên địa bàn.

Theo phòng Lao động thương binh xã hội huyện Chợ Đồn, đến thời điểm này, tổng kết công tác giảm nghèo năm 2023, toàn huyện đạt 13,04%, giảm 3,01% so với năm 2022. Có được kết quả đó là sự quan tâm của Huyện ủy, UBND và cả hệ thống chính trị. Năm 2024, tổng nguồn vốn được phân kể cả vốn Trung ương, tỉnh, huyện là trên 10,595 tỷ đồng, huyện đã phân bổ cho các xã, thị trấn ngay từ đầu năm và đang đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân. Nguồn vốn này rất quan trọng trong xóa đói giảm nghèo của huyện.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần cải thiện và nâng cao cuộc sống của người dân. Các hộ nghèo, cận nghèo còn được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên có động lực vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo, có thu nhập ổn định mà còn trở thành hạt nhân tích cực trong phát triển kinh tế ở địa phương.



Bảo Hà