Môi trường

Phát triển năng lượng tái tạo - nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế

Minh Hạnh 28/06/2024 14:59

Ngày 28/6, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo “Phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới”, TS. Phí Vĩnh Tường – Quyền Viện trưởng, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới, cho biết: Việt Nam đang trên hành trình thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong nỗ lực chuyển dịch nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng và vai trò thiết yếu của ngành năng lượng tái tạo.

Trong Quy hoạch điện VIII, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhấn mạnh vai trò của hạ tầng năng lượng nói chung và hạ tầng năng lượng sạch đối với sự phát triển kinh tế. Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu đảm bảo năng lượng tái tạo chiếm 15-20% nhu cầu sử dụng điện đến năm 2030; đến 2050 đảm bảo 80-85% năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng cung cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế Việt Nam.

nang-luong-tai-tao-4.jpg
TS. Phí Vĩnh Tường – Quyền Viện trưởng, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới - phát biểu tại hội thảo

Qua nghiên cứu, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới nhận thấy năng lượng tái tạo đóng vai trò then chốt trong ứng phó biến đổi khí hậu và nỗ lực hiện thực mục tiêu net-zero không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Do đó, nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc đã xây dựng các kế hoạch, chiến lược và chính sách chuyển dịch nền kinh tế theo hướng năng lượng sạch. Bởi vậy, việc nghiên cứu sự phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới sẽ cung cấp cho Việt Nam những kinh nghiệm và bài học cần thiết để thúc đẩy lĩnh vực này.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Linh Đan - Viện Kinh tế và Quản lý Đại học Bách Khoa Hà Nội - nhận định: Từ năm 2000-2022, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong nguồn điện tăng đã tăng đáng kể trên thế giới và đặc biệt tại châu Á xu hướng này phần lớn nhờ vào sự phát triển của Trung Quốc.

nang-luong-tai-tao-1.jpg
TS. Nguyễn Linh Đan - đến từ Viện Kinh tế và Quản lý Đại học Bách Khoa Hà Nội - trình bày tham luận

Dù vậy, tỷ trọng điện sản xuất từ nhiên liệu hoá thạch vẫn ở mức tương đối cao, chiếm 60-80%. Do đó, các quốc gia đang thúc đẩy việc giảm thải các-bon trong ngành điện, hướng tới cắt giảm và loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hoá thạch.

Đối với Việt Nam, dù không phải nước đi sau trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhưng trong quá trình chuyển đổi, phát triển và triển khai năng lượng tái tạo, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu và học hỏi các kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Theo đó, tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận về kinh nghiệm, chính sách phát triển năng lượng tái tạo ở các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Thái Lan, Bangladesh; Vấn đề huy động tài chính cho năng lượng tái tạo ở Đức và Ấn Độ; Cơ hội và thách thức với Việt Nam và sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi kép “xanh và số”… qua đó, cung cấp đánh giá và đề xuất định hướng cho Việt Nam.

nang-luong-tai-tao-2.jpg
Quang cảnh hội thảo

Bình luận về các vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Phương - Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch (Bộ Công thương) – cho biết Việt Nam đã có giai đoạn phát triển thần kỳ trong thời gian năm 2018-2021 đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trong đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo đã tăng nhanh chóng từ mức xấp xỉ 0% lên 27% chỉ trong 3 năm.

Tuy nhiên, đến nay, mức độ phát triển của năng lượng tái tạo Việt Nam đang có phần chậm lại. Dù có trữ lượng và tiềm năng lớn, song năng lượng tái tạo cũng là ngành có sự biến thiên lớn, trong đó công suất và sản lượng phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết.

Để giải quyết thách thức này, ông Nguyễn Xuân Phương cho rằng Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào hệ thống nguồn điện, với 2 công nghệ dự kiến sẽ thành xu hướng phát triển trong 5-10 năm tới là: Hệ thống lưới điện thông minh và Hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS).

Tiếp lời ông Nguyễn Xuân Phương, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đánh giá cao các bài tham luận được trình bày tại hội thảo.

Phát triển năng lượng tái tạo là lĩnh vực quan trọng, đóng góp rất lớn vào chuyển đổi cơ cấu mô hình kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn lực về tài chính, nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo còn phụ thuộc vào công nghệ. Nỗ lực phát triển ngành này cũng cần được đặt trong bối cảnh chuyển đổi cơ cấu và chuyển đổi công nghệ.

Đến nay, Việt Nam đã ban hành chiến lược, kế hoạch và đề án thúc đẩy chuyển đổi xanh, bao gồm Kế hoạch Tăng trưởng xanh, đề án Phát triển Kinh tế thị trường, Chiến lược về Phát triển năng lượng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, Chiến lược Phát triển Hydrogen… Tuy nhiên, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn lưu ý thời gian tới, Việt Nam cần nâng cao hơn nữa năng lực để triển khai hiệu quả những kế hoạch và chiến lược trên.

Đồng thời, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng là một phần không thể thiếu trong nỗ lực “xanh hoá” và “số hoá” của ViệtNam. Để đảm bảo sự tham gia của doan nghiệp, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh cần có hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, chuyển giao công nghệ trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

nang-luong-tai-tao-3.jpg
Ông Vũ Tiến Dũng - Đại diện Công ty Vũ Phong Energy Group - phát biểu tại hội thảo

Đến nay, các doanh nghiệp cũng đã nhận thức được tầm quan trọng và cai trò của việc chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lực xanh. Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Dũng - Đại diện Công ty Vũ Phong Energy Group – chia sẻ nền tảng hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp chính là bộ công cụ ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị).

Trong đó, ESG sẽ là thước đo thị trường, cung cấp dữ liệu để công ty, doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hoạt động và mức độ tác động tới môi trường. Việc triển khai ESG sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe trong nước và thế giới, tiến tới đóng góp vào nỗ lực hiện thực hoá mục tiêu net zero năm 2050.

Minh Hạnh