Tư vấn pháp luật

Xẻ đá trong khu dân cư bị xử lý thế nào?

Báo TN&MT 28/06/2024 - 09:45

(TN&MT) - Gia đình anh Long (hàng xóm nhà tôi) hiện đang kinh doanh cắt xẻ đá tại nhà riêng trong khu dân cư. Xưởng cắt xẻ đá này hoạt động suốt ngày đêm gây đảo lộn cuộc sống của người dân sống xung quanh khu vực.

Hiện tại các thành viên của gia đình tôi đang bị mắc bệnh về đường hô hấp do hít phải bụi đá. Được biết, gia đình anh Long tự xây dựng xưởng sản xuất, sử dụng đất không đúng mục đích phá vỡ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Xin Quý báo tư vấn, theo quy định của pháp luật, hành vi của gia đình anh Long sẽ bị xử lý như thế nào?

Bùi Thị Hạnh (Phù Cừ, Hưng Yên)

Vấn đề bạn hỏi, Văn phòng Luật sư tư vấn như sau:

Theo Văn bản hợp nhất Luật bảo vệ môi trường các dự án đầu tư được phân loại thành các nhóm khác nhau dựa theo tiêu chí: Quy mô, công suất, loại hình sản xuất doanh, diện tích sử dụng đất, các yêu tố nhạy cảm về môi trường. Với mỗi nhóm, pháp luật yêu cầu hồ sơ về môi trường khác nhau như Đánh giá tác động môi trường; Giấy phép về môi trường; Đăng ký về môi trường. Nhưng nội dung bạn cung cấp chưa thể hiện các thông tin cụ thể về loại hình, quy mô sản xuất kinh doanh cắt đá của gia đình anh Long nên Luật sư không thể tư vấn cụ thể đối các giấy tờ về môi trường bắt buộc khi gia đình anh Long thực hiện hoạt động cắt, xẻ đá.

Nhưng theo điều 53 Văn bản hợp nhất Luật Bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất kinh doanh nói chung phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Trường hợp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có hành vi ô nhiễm môi trường thì có thể bị xử phạt hành chính và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tùy theo mức độ hành vi vi phạm theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/07/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trường hợp đủ căn cứ cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Từ thông tin bạn đọc cung cấp, cơ sở sản xuất kinh doanh của gia đình ông Long “hoạt động suốt ngày đêm gây đảo lộn cuộc sống của người dân sống xung quanh khu vực”. Theo quy định tại Điều 53 Văn bản hợp nhất Luật bảo vệ môi trường, cơ sở sản xuất kin doanh “Có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người” phải đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư. Khoản 6 Điều 15 Nghị định 45/2022, cơ sở không di dời cơ sở để bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư theo lộ trình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định có thể phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng và buộc phải phá dỡ công trình.

Việc cơ sở hoạt động suốt ngày đêm có vượt chuẩn về tiếng ồn. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn (QCVN 26:2010/BTNMT) được ban hành theo Thông tư 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nguồn gây ra tiếng ồn do hoạt động sản xuất tại khu vực thông thường không được vượt quá giá trị giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn. Cụ thể, từ 6 giờ đến 21 giờ không vượt quá 70 dBA ; từ 21 giờ đến 6 giờ không vượt quá 55 dBA. Trường hợp cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm tiếng ồn có thể bị xử phạt hành chính với mức tối đa lên tới 160.000.000 đồng và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn theo quy định tại Điều 22 Nghị định 45/2022 của Chính phủ.

Đối với nội dung gia đình anh Long sử dụng đất không đúng mục đích, phá vỡ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thì bạn cần xem xét hồ sơ địa chính, bản đồ quy hoạch tại cơ quan địa chính ở địa phương để xác định gia đình ông Long có sử dụng phù hợp với mục đích sử dụng đất, quy hoạch mà địa phương phê duyệt không? Trong trường hợp các căn cứ xác định gia đình ông Long sử sụng đất vào mục đích khác không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì có thể bị xử phạt hành chính và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả căn cứ theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ.

Báo TN&MT