Xã hội

Si Ma Cai (Lào Cai): Giữ rừng để làm giàu bằng du lịch cộng đồng

Đà Giang – Nhật Lam 27/06/2024 - 19:03

Là huyện vùng cao, diện tích đất tự nhiên chủ yếu là đồi núi đá, địa hình phức tạp, nên việc trồng rừng không được thuận lợi như một số địa phương khác, có tỷ lệ rừng thấp nhất tỉnh Lào Cai. Nhưng nhờ sự nỗ lực, đổi mới tư duy của người dân và sát sao của các cơ quan chức năng, đến nay huyện Si Ma Cai đã nâng độ che phủ lên gần 40% diện tích, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và tạo sinh kế ổn định cho người dân trên địa bàn. Điều khác biệt là người dân trồng rừng, bảo vệ rừng và tạo ra các sản phẩm du lịch từ rừng đem văn hóa cộng đồng làm du lịch, mang lợi ích cho người dân.

lcai-simacai.jpg
Người dân trồng cây quế vừa phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Vừa làm kinh tế bằng chính rừng

Trồng rừng, phát triển hàng năm

Trao đổi với phóng viên, Ông Lê Xuân Hữu, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Si Ma Cai cho biết: Diện tích trồng rừng hàng năm trên địa bàn huyện Si Ma Cai tăng lên hàng năm. Trong công tác trồng và bảo vệ rừng, đơn vị cũng đã phân công kiểm lâm địa bàn xuống từng xã hướng dẫn các hộ chọn cây giống, hạt giống gieo ươm, kỹ thuật trồng và chăm sóc đối với từng loại cây giống để sớm đưa ra trồng ở môi trường tự nhiên.

lcai-tuan-rung.jpg
Giữ được những cánh rừng nguyên sinh quý giá là nhờ nhận thức của người dân và sự tuần tra không mệt mỏi của lực lượng kiểm lâm và các cấp cấp chính quyền

Theo báo cáo nông nghiệp của huyện Si Ma Cai, năm 2023, toàn huyện đã trồng mới thêm được hơn 100 ha rừng sản xuất, 122.000 cây phân tán. Công tác trồng rừng được thực hiện ở các xã nằm ven sông Chảy như Lùng Thẩn, Bản Mế, Nàn Sín, Sán Chải, Thào Chư Phìn có thổ nhưỡng phù hợp với cây quế, mỡ nên vận động bà con trồng loại cây này. Còn các xã Cán Cấu, Nàn Sán, Quan Hồ Thẩn, Sán Chải, Thào Chư Phìn, Sín Chéng có đất hợp với các loại cây trẩu, xoan nên chuyển sang trồng trẩu, thông mã vĩ, xoan.

Chia sẻ về kinh nghiệm công tác bảo vệ rừng, một cán bộ kiểm lâm huyện Si Ma Cai cho biết: để bảo vệ được rừng, công tác phối kết hợp giữa người dân và cán bộ phải có sự gắn kết. Ví dụ như cánh rừng thôn Lùng Sán, xã Lùng Thẩn. Ở đây vẫn còn nguyên cả cánh rừng nguyên sinh. Còn nhiều loại cây gỗ quý như nghiến, sến, trai, sồi… nên công tác bảo vệ càng phải quán triệt. Bên cạnh đó, phải biết vận dụng phong tục, tập quán giữ rừng của người đồng bào vào việc bảo vệ môi trường, có thế người dân sẽ không đi vào rừng chặt phá nữa.

lcai-le-hoi-cung.jpg
Phong tục cúng rừng đã giúp người dân ý thức hơn về rừng. Nhờ những lễ cúng này, nhiều khách du lịch sẽ đến thăm và đi trải nghiệm nhiều hơn với thiên nhiên, bản làng, cộng đồng. Giúp người dân có nguồn kinh tế nhờ các dịch vụ khác, phục vụ du khách.

Được biết, Huyện Si Ma Cai hiện có hơn 10.863 ha rừng, trong đó có hơn 6.173 ha rừng tự nhiên, 4.690 ha rừng trồng. Để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và tiếp tục mở rộng diện tích rừng trồng, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình lâm nghiệp bền vững cấp huyện, cấp xã; duy trì tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở 59 thôn của 10 xã, thị trấn nên công tác bảo vệ và trồng rừng được coi là khá “vững chắc”.

lcai-le-cung-rung.jpg
Mâm cơm dâng "thần rừng" theo tập tục của đồng bào

Du lịch cộng đồng, bảo tồn bản sắc

Theo kế hoạch của chính quyền địa phương đến năm 2025, huyện Si Ma Cai phấn đấu xây dựng 3 sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với các di tích lịch sử, văn hóa và nông nghiệp trải nghiệm. Các mô hình du lịch cộng đồng không chỉ góp phần giới thiệu không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao nơi đây, mà còn giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn, ông Hảng Seo Toán cho biết: Để làm giàu từ rừng qua con đường du lịch, chính quyền địa phương đã xác định phải dựa vào cộng đồng. Từ đó, các thôn tự bàn và thống nhất ban hành các quy định, quy ước của từng thôn, trong đó có mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến công tác giữ rừng ở cộng đồng. Bởi vậy, xã Lùng Thẩn có hơn 1.400 ha rừng, trong đó hơn 1.000 ha rừng tự nhiên, gần 396 ha rừng trồng. Trong 5 năm trở lại đây, Lùng Thẩn không xảy ra cháy rừng và luôn duy trì được diện tích rừng ổn định, phát triển. Hàng năm, cứ đến mùa “cúng thần rừng” là du khách khắp nơi đổ về chơi, thăm quan nên bà con người dân lại mang tất cả những sản vật làm ra được bán cho du khách cũng có nguồn thu đáng kể hoặc cho bà con lưu trú tại các nhà dân để trải nghiệm cuộc sống. Sau những lần vậy, bà con cũng có nguồn thu.

lcai-simacai-san-vat-tu-rung-3-.jpg
Những cây cảnh được người dân ươm trồng và mang ra chợ bán

Ông Tô Văn Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Si Ma Cai cho biết: Du lịch đã giúp người dân địa phương tiêu thụ nông sản và có thêm thu nhập. Nhiều hộ đang hướng tới làm giàu từ mô hình du lịch nông nghiệp.

z5570575699638_8ebaf51e170e71026797de05f50538b5.jpg
Những căn nhà trình tường cũng thu hút du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, du lịch cộng đồng huyện Si Ma Cai mới dừng lại ở mức tiềm năng, bởi nguồn nhân lực làm công tác quản trị, khai thác du lịch, dịch vụ, lữ hành chưa có. Bên cạnh đó, tại Si Ma Cai hiện nay, nhất là tại các thôn, bản chưa có cơ sở lưu trú để “níu” chân du khách khi đến mảnh đất này. Để đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng, huyện Si Ma Cai đã xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2025 sẽ xây dựng 2 làng du lịch văn hóa cộng đồng, 1 làng du lịch gắn với di tích lịch sử và 3 làng du lịch gắn với trải nghiệm nông nghiệp.

Thời gian qua, huyện tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn những nét văn hóa truyền thống, cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu và tích cực vệ sinh môi trường nông thôn. Như tại thôn Mào Sao Phìn (xã Sín Chéng), hiện nay cơ bản các hộ cam kết bảo tồn nhà truyền thống và giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo không gian “xanh - sạch - đẹp” để thu hút khách. Thôn Mào Sao Phìn được ví như ngôi làng cổ hàng trăm năm tuổi, vẫn còn giữ nguyên bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông từ tập quán sinh hoạt đến văn hóa dân ca, dân vũ, đặc biệt là kiến trúc nhà ở truyền thống.

lcai-simacai-san-vat-tu-rung-1-.jpg
Những sản vật dưới tán rừng là các loại sâm, cây dược liệu được người dân khai thác và mang bán cho du khách.

Điển hình nhất là căn nhà của ông Giàng A Ly với 2 tầng, gồm 4 dãy nhà nối tiếp, vuông góc nhau. Khung nhà được làm bằng gỗ, xung quanh được bao bọc bởi lớp tường trình đất dày, mái lợp ngói âm dương trong đó 1 dãy là không gian chính để ở, 3 dãy còn lại dùng để chứa nông cụ và lương thực. Phải mất rất nhiều năm gia đình ông mới hoàn thành căn nhà này. Không đơn giản là nơi sinh hoạt thường ngày của gia đình ông Ly, căn nhà còn là nơi tổ chức công việc chung trong thôn và các hoạt động dịp lễ, tết, ngày hội đại đoàn kết.

lcai-simacai-san-vat-tu-rung-2-.jpg
Những chợ phiên hàng tuần, giúp người dân bán được các sản vật từ dưới tán rừng.
z5570565912306_d095529113fba07bd8e6d57d5cf57f2f.jpg
Chợ trâu bò Cán Cấu

Hay chợ phiên Cán Cấu được tổ chức vào ngày thứ Bảy hằng tuần. Không gian chợ được chia thành nhiều khu như bán thổ cẩm, nông sản, nông cụ, vật nuôi… Đặc biệt, chợ Cán Cấu còn được coi là “sàn giao dịch” trâu lớn nhất khu vực miền Bắc, mỗi phiên chợ có hàng trăm con trâu từ khắp các thôn, bản vùng cao các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, thậm chí từ huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) và các thương lái từ nhiều tỉnh trong nước mang đến giao thương. Điều này mang lại sự đậm đà bản sắc dân tộc địa phương và từng bước thoát nghèo của người dân địa phương.

Đà Giang – Nhật Lam