Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản
(TN&MT) - Chiều 26/6 tại Hà Nội, Cục Địa chất Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch thực hiện 6 tháng cuối năm 2024.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT: Cục Khoáng sản Việt Nam, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia.
Về phía Cục Địa chất Việt Nam, có ông Trần Bình Trọng, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam và các Phó Cục trưởng: Nguyễn Văn Nguyên, Lê Quốc Hùng, Trần Mỹ Dũng.
Dự hội nghị còn có các đồng chí là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Cục; Lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Liên đoàn, các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Cục.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT, Cục đã khẩn trương triển khai toàn diện và đồng bộ các nhiệm vụ được giao. Đến thời điểm hiện nay, các nhiệm vụ đang được thực hiện đúng tiến độ và chất lượng, đạt được những kết quả nhất định.
Liên quan đến các nhiệm vụ này, ông Lê Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, Cục Địa chất Việt Nam đã phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam (đơn vị chủ trì) và các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thành dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Đến nay, dự thảo Luật đã được Quốc hội đưa ra thảo luận lấy ý kiến của thành viên Quốc hội tại Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV. Cục Địa chất Việt Nam đang phối hợp với đơn vị chủ trì tiếp thu, giải trình.
Về công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, trong 6 tháng đầu năm, Cục đã tập trung triển khai thực hiện 3 đề án Chính phủ: Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội; Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam.
Đơn vị cũng đã triển khai các đề án đề xuất mở mới gồm: Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền) và thăm dò một số diện tích có triển vọng; Điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng đồng bằng sông Cửu Long; Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Bắc Trung Bộ phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội.
Về công tác hợp tác quốc tế, trong 6 tháng đầu năm, Cục đã triển khai tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế chiến lược trong lĩnh vực địa chất; phối hợp với Cục Tài nguyên năng lượng Hoa Kỳ tổ chức buổi thảo luận về phương pháp tiếp cận quản lý chuỗi nguyên liệu thô để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam; phối hợp với Đại Sứ quán Hà Lan tổ chức Hội đàm chuyên đề “Khai thác cát ngoài khơi bền vững”.
Ngoài ra, tổ chức đoàn công tác tại Hoa Kỳ để trao đổi kinh nghiệm chuyên môn về điều tra cơ bản địa chất, kinh tế địa chất và các phương pháp định giá trữ lượng tài nguyên khoáng sản và Australia để khảo sát, học tập kinh nghiệm về quản lý hoạt động khoáng sản.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Cục trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, Cục sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Nghị định, Thông tư hướng dẫn (phần Địa chất) và các văn bản quy phạm pháp luật đã đăng ký năm 2024; hoàn thành công tác tổng kết, trình phê duyệt và nộp lưu trữ 13/26 báo cáo đề án thành phần (còn lại) và 1 Báo cáo tổng hợp Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, Cục hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ TN&MT để phê duyệt 5 đề án, nhiệm vụ mở mới; hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Cục trong việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; hướng dẫn các đơn vị triển khai thi công các đề án, nhiệm vụ và triển khai các đề án mở mới năm 2024; triển khai thực hiện có hiệu quả và nghiệm thu các nhiệm vụ được giao.
Cục cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, địa chất môi trường, tai biến địa chất; tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoáng sản đã được ký kết với các đối tác; ưu tiên điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam...
Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo các Liên đoàn, các phòng chuyên môn nghiệp vụ đã trao đổi những kết quả đạt được của các nhiệm vụ được giao, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Các ý kiến liên quan đến tạo điều kiện cấp vốn để triển khai công tác mở mới; chế độ cho người lao động ngành địa chất, cơ chế và chế độ chính sách ưu đãi nghề; tăng cường công tác đào tạo để cán bộ trẻ thêm yêu ngành yêu nghề, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh chuyển đổi số đặc biệt là hệ thống cơ sở dữ liệu ngành địa chất và khoáng sản; tăng cường hợp tác trong nước, đặc biệt giữa Cục Địa chất Việt Nam với Cục Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và các đơn vị liên quan.
Năm 2023, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, Cục Địa chất Việt Nam đã quan tâm triển khai về công tác đảm bảo an ninh, trật tự; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo chỉ đạo của Bộ Công an. Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng chia sẻ niềm vui và vinh dự của đơn vị vì trong năm 2023, Cục Địa chất Việt Nam đã đạt thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023 và đạt Tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự năm 2023". Cục đã được tặng Bằng khen và Giấy khen của lãnh đạo Bộ Công An.