Điện Biên khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt
(TN&MT) - Nhiều năm qua, người dân các xã vùng cao của tỉnh Điện Biên vật lộn với cảnh thiếu nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Ðể khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp đầu tư xây mới, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ bồn, téc nước cho người dân; tăng cường tuyên truyền người dân bảo vệ nguồn nước, không chặt phá rừng.
Tủa Chùa là một trong những huyện thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt. Một trong những nguyên nhân do thiếu công trình nước sinh hoạt, hoặc đã được đầu tư nhưng xuống cấp, hư hỏng, không phát huy hiệu quả. Hiện nay toàn huyện có 113 công trình nước sinh hoạt (111 công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 2 công trình nước sạch).
Tuy nhiên, hầu hết là công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy; nguồn nước không ổn định, thường chỉ giải quyết được một khoảng thời gian trong mùa khô. Việc quản lý vận hành các công trình nước sinh hoạt sau đầu tư cũng chưa được người dân quan tâm, vì vậy nhiều công trình chưa phát huy được hiệu quả.
Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, cho biết: Tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đã diễn ra trong nhiều năm qua trên địa bàn huyện. Toàn huyện còn khoảng 17.000 người dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 82,32% (không thường xuyên). Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn toàn huyện chỉ đạt 2,4%.
Hiện nay, tổng số hộ dân nông thôn trên địa bàn huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 10.358/12.243 hộ (chiếm 84,6%). Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung chiếm 63,6%. Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước quy mô nhỏ lẻ 21%.
Nguyên nhân do nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, không phát huy hiệu quả. Cùng với đó, mô hình quản lý còn nhiều hạn chế (UBND xã, cộng đồng thôn, bản quản lý). Công tác quản lý chưa được quan tâm thường xuyên; không có kinh phí quản lý và sửa chữa hệ thống công trình bị hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp; nước ở các khe suối ngày càng cạn kiệt; một số bản nằm trong khu vực cát tơ nên không có nước mặt hoặc có nhưng ít.
Ðể khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân, huyện Tủa Chùa quan tâm đầu tư các công trình nước sinh hoạt, hỗ trợ các bồn, téc nước cho người dân, nhất là ở những nơi khan hiếm nguồn nước, hoặc chưa được đầu tư các công trình nước sinh hoạt. Trong năm qua, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, huyện Tủa Chùa đã cấp phát 1.694 téc nhựa chứa nước (dung tích 1.000 lít/téc) cho hộ nghèo, khó khăn về nước sinh hoạt trong toàn huyện.
Cùng với đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung, thời gian qua các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động thiết thực, được cộng đồng dân cư tích cực tham gia để bảo vệ nguồn nước, như: Ra quân nạo vét, vớt rác lòng sông, khơi thông dòng chảy, trồng rừng bảo vệ nguồn nước…
Năm 2023, Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa phối hợp với Chương trình vùng Tủa Chùa tổ chức truyền thông thay đổi hành vi duy trì và bảo vệ các công trình cấp nước năm 2023, thuộc Dự án “Nước sạch cho người dân huyện Tủa Chùa” tại các thôn bản mục tiêu xã Mường Báng và Xá Nhè với hàng nghìn người tham dự. Người dân được giới thiệu tổng quan về hệ thống nước; hướng dẫn quản lý, vận hành và duy tu các công trình cấp nước; hướng dẫn sử dụng một số thiết bị sửa chữa hệ thống ống dẫn, trữ nước; hướng dẫn lọc nước, xử lý và dự trữ nước an toàn hộ gia đình.