Sức khỏe

Bỏ thuốc lá - điều kiện tiên quyết để phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Lan Chi 24/06/2024 - 19:07

(TN&MT) - Thuốc lá không những gây ung thư phổi mà còn gây ra nhiều bệnh phổi khác như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (bệnh COPD), hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp,… Đáng lo ngại, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện nay và nếu bệnh lý này kéo dài, có thể gây nhiều biến chứng nặng, dẫn đến tử vong.

Thuốc lá ảnh hưởng lớn đến bệnh nhân COPD

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hút thuốc lá là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Chia sẻ về căn bệnh này, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới. Tại Việt Nam, tần suất mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trung bình và nặng đứng cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khá cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với số bệnh nhân mắc bệnh chiếm tỷ lệ 7,1% ở nam và 1,9% ở nữ từ 40 tuổi trở lên.

benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-5-17009037750011442694012.jpg
Các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai triển khai hoạt động khám, tư vấn miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho người dân có yếu tố nguy cơ

Theo số liệu sơ bộ của điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2020 do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Tổng cục thống kê triển khai, có tới 3,1% số người trưởng thành (từ 18 - 69 tuổi) từng được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tại địa phương, theo thống kê của Bệnh viện Phổi tỉnh Hưng Yên, có đến gần 80% người mắc COPD đang được quản lý và điều trị tại đây đều có thời gian sử dụng thuốc lá trước đó. Qua đó chứng tỏ khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã khuyến cáo những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc COPD cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Người hút thuốc lá mà thường xuyên làm việc tiếp xúc với các chất hóa học, khói bụi càng có nguy cơ cao mắc bệnh COPD.

Chẩn đoán sớm để ngăn chặn bệnh COPD phát triển

PGS.TS Đào Xuân Cơ nhấn mạnh việc chẩn đoán và điều trị sớm giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phòng ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đồng quan điểm, PGS. TS. BS Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi Hội Hô hấp TP.HCM cho rằng chẩn đoán sớm rất quan trọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của bệnh này.

Theo bác sĩ Ngọc, hầu hết, các bệnh viện lớn có khoảng 30% số bệnh nhân trong Khoa Hô hấp mắc bệnh COPD, trong số này thì có khoảng 50% bệnh nhân tử vong. Đây là một gánh nặng rất lớn cho gia đình, xã hội. Vì vậy, việc quản lý, chẩn đoán điều trị theo dõi bệnh nhân lâu dài là điều cần thiết. Đồng thời, chẩn đoán sớm rất quan trọng, đặc biệt là những người hút thuốc lá. Với 90% bệnh nhân COPD có liên quan đến thuốc lá, do đó, câu chuyện giáo dục thanh thiếu niên không hút thuốc lá, không nghiện thuốc lá là cần thiết, quan trọng. Điều này sẽ ngăn ngừa được nhiều bệnh nhân mắc bệnh.

benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-1-1700903774717272836029.jpg
Các đại biểu đạp xe hưởng ứng chương trình truyền thông phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bác sĩ Ngọc cũng cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không lây. Tuy nhiên, người mắc bệnh này có thể nhiễm lao, tăng gấp đôi so với người không mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khi có triệu chứng nghi ngờ COPD, bệnh nhân phải đến bác sĩ ngay, như đang hút thuốc lá mà ho đàm kéo dài; phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu điều trị khá đơn giản. Thậm chí, chỉ ngưng hút thuốc lá, bệnh sẽ không tiến triển nữa.

Người mắc COPD trong giai đoạn nặng sẽ có nhiều đợt cấp do vi rút, vi khuẩn những tác nhân đó lây cho người trong gia đình. Đôi khi, người khỏe mạnh trong gia đình bị cúm… lây cho người bệnh phỗi tắc nghẽn mạn tính. Do vậy, bác sĩ Ngọc khuyến cáo, trong gia đình có người mắc COPD nên tiêm chủng phòng tránh lây nhiễm, đặc biệt người già.

Khi chẩn đoán sớm mắc COPD đặc biệt với người hút thuốc lá, các bác sĩ khuyên bệnh nhân phải bỏ hút thuốc lá là tiên quyết. Tiến triển của bệnh sẽ chậm lại, giảm đợt cấp, điều trị tối ưu hóa với mục đích bệnh nhân dễ thở, giảm tử vong. Về thuốc điều trị bệnh COPD hiện có đầy đủ. Tuy nhiên, bệnh nhân phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ là quan trọng, trở lại thăm khám khi triệu chứng nặng lên; bệnh này điều trị suốt đời.

Đồng thời, điều trị không dùng thuốc cũng không kém phần quan trọng. Đó là phải bỏ hút thuốc lá, tiêm ngừa cúm, viêm phổi, tập vật lý trị liệu, thể dục thể thao vừa với sức khỏe. Nếu duy trì các biện pháp này đều đặn, tuổi thọ bệnh nhân sẽ kéo dài, chất lượng cuộc sống đảm bảo và giảm các đợt cấp nặng.

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay công tác điều trị bệnh COPD chỉ là giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, kiểm soát các triệu chứng và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng. Do đó, từ bỏ thuốc lá là cách duy nhất để không làm các triệu chứng của bệnh COPD nặng nề hơn. Hơn nữa, người nghiện thuốc lá thực hiện từ bỏ thuốc lá không những làm giảm nguy cơ mắc bệnh COPD cho bản thân mình, mà còn giảm nguy cơ mắc đối với người thân trong gia đình, khi thường xuyên phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người hút.

Các chuyên gia nhấn mạnh, những người trên 40 tuổi và có ít nhất một trong 6 yếu tố nguy cơ sau nên được khám tầm soát, phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Người hút thuốc lá, thuốc lào đã trên 10 năm; người trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm; người phải tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp; có dấu hiệu khó thở nặng dần theo thời gian; ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm; thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng.

Lan Chi