Khó khăn về môi trường khi xây dựng điểm du lịch cộng đồng ở Mường Báng (Tủa Chùa)
(TN&MT) - Xã Mường Báng là một xã nằm ở cửa ngõ huyện Tủa Chùa, (tỉnh Điện Biên) là một trong những xã có nhiều điều kiện thuận lợi về giao thông, khí hậu, dân trí và sự quyết tâm của lãnh đạo xã khi thực hiện ý tưởng xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại bản Tiên Phong. Tuy nhiên, vì vấn đề môi trường và tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm sát nhà nên xã Mường Báng vẫn còn nhiều trăn trở, khó khăn mà chưa thế đưa bản Tiên Phong thành điểm du lịch cộng đồng để phục vụ du khách khi đến với huyện Tủa Chùa.
Huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên được biết đến với chuỗi hang động Khó Chua La, động Thẩm Khến, Xá Nhè… và cao nguyên đá Tủa Chùa với nhiều cánh đồng đá mọc như chông. Cùng với đó là địa danh gắn với gần 400 cây chè di sản, chè cổ thủ cây cao trên 300 tuổi; cánh đồng lúa bản Puka và suối Lạng Giang, mâm ngọc, mâng vàng tại cánh đồng Háng Khúa. Chợ phiên vào tối thứ 7 hàng tuần và còn rất nhiều sản phẩm du lịch khác hấp dẫn mà thiên nhiên ban tặng nơi đây.
Ngoài ra, khí hậu ở Tủa Chùa mát mẻ quanh năm. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cách biệt 5 – 7 độ, nhiệt độ trung bình trong năm dao động từ 5 đến 26 độ. Nhất là mùa đông, ở Tủa Chùa thường xảy ra hiện tượng băng tuyết. Chính vì vậy mà sản phẩm Chè Shan tuyết Tủa Chùa được ví như một thức quả quê ngon thượng hạng. Tuy nhiên, cũng chính vì là một huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên nên cơ sở lưu trú cho khách du lịch tại khu vực thị trấn, trung tâm huyện Tủa Chùa còn nhiều hạn chế.
Trước thực tiễn đó, xã Mường Báng là một xã nằm ngay cửa ngõ của huyện Tủa Chùa. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Mông. Trong đó có một số bản có nhiều điều kiện, cơ hội có thể trở thành các điểm du lịch cộng đồng để đón du khách khi đặt chân lên đất Tủa Chùa như: bản Tiên Phong, bản Nong Hua…
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, cho biết: Chúng tôi cũng đã tính đưa mấy bản cạnh đường, có giao thông thuận lợi, có diện tích đất canh tác nông nghiệp gần bản vào để phát triển các bản đó, trong đó có bản Tiên Phong làm du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Tiên Phong và các bản khác là vấn đề về môi trường. Diện tích đất ở của hộ hẹp, tập quán nuôi trâu bò, gia cầm ngay sát nhà đã tồn tại từ rất lâu. Chính vì vậy mà rất khó để có thể phát triển thành điểm du lịch cộng đồng. Hệ thống rãnh thoát nước, đường làng thôn xóm có thể khắc phục được. Nhưng muốn đưa toàn bộ số trâu, bò của các hộ ra khỏi khu vực nhà ở là rất khó.
Chúng tôi cũng có chủ trương vận động người dân bản Tiên Phong đưa toàn bộ gia súc, gia cầm ra khỏi khu vực nhà ở, bố trí một quỹ đất cuối bản để bà con xây chuồng trại nhưng bà con lại e ngại vấn đề mất cắp. Chính vì vậy mà vấn đề môi trường đang là vấn đề khó nhất của chúng tôi.
Ông Sơn cũng cho biết thêm: Hiện nay, bản Tiên Phong có khoảng hơn 100 hộ, chủ yếu là người Thái. Bản cũng đã có nhiều hộ đăng ký kinh doanh du lịch Homestay nhưng vì vấn đề môi trường mà chúng tôi chưa thể triển khai được. – Ông Sơn nói.