Môi trường

Khu DTTN Mường Nhé: Phát huy hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng

Hoàng Châu 24/06/2024 - 11:32

(TN&MT) - Việc thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác chăm sóc bảo vệ và phát triển rừng, giúp Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên (DTTN) Mường Nhé thực hiện tốt mục tiêu quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng chống cháy rừng. Góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, cải thiện cuộc sồng cho người dân tham gia bảo vệ rừng.

Trong những năm qua, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, tạo sinh kế bền vững cho người dân trên địa bàn 5 xã vùng đệm là việc triển khai và thực hiện tốt chính sách chi trả DVMR.

Ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban quản lý Khu DTTN Mường Nhé, cho biết: Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai, công tác quản lý bảo vệ rừng của khu dự trữ có nhiều chuyển biến rõ rệt. Thông qua chính sách chi trả DVMTR, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các thành viên hộ nhận khoán bảo vệ rừng từng bước được nâng cao. Giảm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép về cả số vụ và mức độ thiệt hại. Đặc biệt, chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

st1.jpg
Cán bộ Tổ chuyên trách bảo vệ rừng đặc dụng Sín Thầu – Kiểm lâm địa bàn – Nhóm nhận khoán phối hợp tuần tra bảo vệ rừng

Hiện nay, diện tích khoán bảo vệ rừng của khu dự trữ năm 2023 là: 31.208,14 ha; chiếm tỷ 86,39%. Diện tích đơn vị tự bảo vệ là: 4.918,21 ha, chiếm tỷ lệ 13,61%. Thành viên tham gia nhận khoán bảo vệ rừng của các nhóm nhận khoán cộng đồng là: 1.970 thành viên là đại diện các hộ gia đình sinh sống tại bản vùng đệm đảm bảo tiêu chí, điều kiện tham gia nhóm nhận khoán bảo vệ rừng.

Trong năm qua, Ban quản lý Khu DTTN Mường Nhé đã thanh toán tiền cho các nhóm nhận khoán, bảo vệ rừng năm 2022 với tổng số tiền trên 19.851 tỷ đồng, thực hiện thanh toán tạm ứng tiền công bảo vệ rừng đợt 1 cho các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng năm 2023 với đơn giá tạm ứng: 360.000 đồng/ha; tổng số tiền thanh toán tạm ứng đã chi trả là: 11.223.835.200 đồng

Đồng thời, đơn vị tổ chức thực hiện kiểm tra việc quản lý và sử dụng tiền, tổ chức các buổi tuyền truyền, phổ biến, pháp luật về lâm nghiệp và các văn bản liên quan đến chính sách chi trả DVMTR, thực hiện nghiệm thu diện tích cung ứng DVMTR năm 2023.

a2.jpg
Ban Quản lý khu DTTN Mường Nhé tổ chức lớp tập huấn về công tác bảo vệ rừng cho người dân

Việc triển khai chính sách chi trả DVMTR đã từng bước thay đổi nhận thức bảo vệ rừng của người dân. Trước đây, không ít trường hợp bà con vào rừng đặc dụng khai thác lâm sản hay lấn chiếm đất rừng làm nương nhưng từ khi được giao quản lý, bảo vệ rừng thì tình trạng đó gần như không còn. Ngoài ra, việc chi trả DVMTR còn tạo điều kiện cho người dân gắn bó mật thiết với rừng, bà con đã coi rừng như một nguồn thu nhập đáng kể, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình. Ðiều đó giúp việc quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn rất nhiều.

Có thể thấy, việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả DVMTR đã và đang giúp hàng nghìn hộ dân sống bằng nghề rừng, sống nhờ rừng ngày càng được cải thiện. Chính sách chi trả DVMTR không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về vai trò và tác dụng của rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống.

Hoàng Châu