Xã hội

Nông dân huyện Tiền Hải (Thái Bình): Đa dạng hóa các mô hình sản xuất nông nghiệp

Mai Anh 21/06/2024 - 23:31

(TN&MT) - Trong những năm qua, nhiều hội viên nông dân huyện Tiền Hải (Thái Bình) đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả và đa dạng hóa các mô hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Có được kết quả này là nhờ sự hỗ trợ, đồng hành của hội nông dân các cấp, cũng như sự chủ động tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của chính các hội viên nông dân.

Những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi

Trên địa bàn huyện Tiền Hải, có nhiều tấm gương điển hình nông dân làm giàu từ nghề chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp. Trong đó phải kể đến hội viên nông dân Phan Văn Quang, xã Đông Xuyên. Sau khi không thành công với mô hình nuôi lợn thịt do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, ông Quang đã mạnh dạn chuyển đổi sang phát triển mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm.

Được biết, từ năm 2020, gia đình ông Quang bắt đầu nuôi ốc nhồi với 4 ao có tổng diện tích trên 3.000m2. Khi bắt tay vào làm, ông gặp rất nhiều khó khăn do ít kinh nghiệm; thời tiết thay đổi, môi trường nuôi chưa bảo đảm khiến ốc chết nhiều. Qua 2 vụ nuôi ốc, ông bị thiệt hại khoảng 65 triệu đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, nhờ sự đồng hành của hội nông dân, mô hình của gia đình đã ổn định và được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Trong năm 2023, ông xuất bán sản phẩm cho nhiều nhà hàng trong khu vực miền Bắc với sản lượng hơn 2 tấn ốc nhồi, thu lãi trên 100 triệu đồng.

637988778456236525.jpg
Vịt biển ở xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải - Sản phẩm OCOP tiêu biểu

Tương tự, đối với hội viên nông dân Nguyễn Đốc Ngữ, xã Đông Cơ, đã quen với nghề đi biển nên anh rất am hiểu về các loại cá. Khi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện, anh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất cấy lúa nằm trong vùng úng trũng rộng 4ha để đào ao nuôi cá.

Nhận thấy việc nuôi cá đối thuần nước ngọt có hiệu quả kinh tế cao, tôi đã liên hệ nhiều nơi để mua giống, nuôi thử trên 1ha. Mặc dù anh chỉ thả cá giống 1 lần nhưng thu hoạch được cá thương phẩm trong 2 năm. Gia đình chủ yếu bán cá theo đơn hàng với sản lượng khoảng 2 tấn/năm.

Bên cạnh làm giàu từ nuôi cá, anh Ngữ còn có thêm thu nhập từ vườn cây ăn quả. Với mô hình sản xuất nông nghiệp, mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Ngoài những tấm gương làm giàu kể trên, huyện Tiền Hải còn có nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả, giúp nông dân ngày càng phát triển kinh tế, như: mô hình nuôi ếch của gia đình anh Đặng Văn Giáp, mô hình nuôi chim yến của anh Bùi Ngọc Điệp ở xã Đông Hoàng và mô hình nuôi tôm, cá song công nghệ cao của ông Đặng Huy Thiêm ở xã Đông Minh. Đây đều là những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu, mang lại hiệu quả cao, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Hội nông dân các cấp đồng hành, hỗ trợ hội viên làm giàu

Theo số liệu của Hội Nông dân huyện Tiền Hải, hiện nay, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện trên 27.800ha, giá trị sản xuất ngành trồng trọt ước đạt trên 1.000 tỷ đồng; sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt trên 800 tỷ đồng; diện tích nuôi trồng thủy sản trên 5.100ha, giá trị ước đạt trên 1.800 tỷ đồng.

Toàn huyện có 23 trang trại quy mô vừa và lớn và 1 hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp. Các làng nghề tiếp tục được duy trì và phát triển với những sản phẩm như: móc sợi, mây tre đan, làm nón, dệt chiếu... góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển đa dạng mô hình kinh tế nông nghiệp, các cấp hội đã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức trên 300 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 29.500 hội viên tham dự. Đồng thời, triển khai tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực.

Hội nông dân các cấp đã hướng dẫn cán bộ, hội viên khai thác tính hữu dụng của smartphone xây dựng fanpage, nhóm zalo để triển khai công việc và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Thông qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã, hội viên nông dân quảng bá rộng rãi hàng hóa nông sản, cập nhật kịp thời về giá cả thị trường, hướng dẫn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân huyện cũng tín chấp với các ngân hàng, tăng cường các nguồn vốn cho gần 10.000 lượt hội viên vay gần 640 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Nhờ đó, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả của nông dân.

638000903489506121.jpg
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải

Theo ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiền Hải, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phát triển mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả, tập trung vào đối tượng là các nhóm hộ tham gia sản xuất cùng một mặt hàng và vay vốn thông qua tổ chức hội.

Hội sẽ vận động hội viên nông dân tham gia các hình thức hợp tác, phát triển nghề, làng nghề truyền thống và tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm tại chỗ; tăng cường liên kết “5 nhà”, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, dạy nghề, vay vốn; tiếp tục hướng dẫn hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi xây dựng thương hiệu sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Ngoài ra, Hội đẩy mạnh thực hiện phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển chăn nuôi tập trung.

Hàng năm, Hội Nông dân huyện Tiền Hải có 85% hội viên đăng ký thực hiện phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, qua bình xét có trên 70% hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thương mại.

Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiền Hải

Mai Anh