Đất đai

Thanh Hóa: Hiệu quả từ tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

Thanh Tâm 21/06/2024 - 23:30

Sau 5 năm thực hiện chính sách tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP, nông nghiệp công nghệ cao tạo nên doanh thu, sức cạnh tranh ở nhiều địa phương.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa “Về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã tạo bước chuyển biến lớn trong ngành nông nghiệp, từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ vào trồng trọt. Từ đó đem lại hiệu quả và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của Thanh Hóa.

Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được chú trọng. Giai đoạn 2019 - 2023, trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 12 giống lúa, 06 giống mía; trồng 10.900 ha ngô biến đổi gen, 6.900 ha lúa sản xuất thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, 5.200 ha rừng tập trung bằng cây nuôi cấy mô; ứng dụng các công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, nuôi tuần hoàn tiết kiệm nước trong nuôi trồng thủy sản với diện tích 170 ha.

Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, liên kết để tổ chức sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao, chuỗi giá trị được đẩy mạnh. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 1.328 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có 07 doanh nghiệp thu mua chế biến lúa gạo; 25 doanh nghiệp thu mua chế biến rau quả; 72 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn; 58 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản; hơn 80 doanh nghiệp tham gia chế biến thủy sản.

Trong giai đoạn 2019 - 2023, tổng diện tích đất đai trên địa bàn tỉnh được tích tụ, tập trung tăng thêm 39.328,1 ha. Trong đó lĩnh vực trồng trọt tăng 17.418,6 ha, chăn nuôi tăng 3.500,1 ha, nuôi trồng thủy sản tăng 1.621,4 ha, lâm nghiệp tăng 16.788,1 ha; có thêm 2.856,1 ha được tích tụ đạt tiêu chuẩn công nghệ cao.

anh-1(1).jpg
Hiệu quả từ tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn ở Thanh Hóa

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung được 49.807,5 ha để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân theo tiêu chuẩn công nghệ cao trong trồng trọt đạt 450 triệu đồng/ha/năm; chăn nuôi đạt 550 triệu đồng/ha/năm; nuôi trồng thủy sản đạt 4.500 triệu đồng/ha/năm. Tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp hàng năm giai đoạn 2019-2023 đều đạt mục tiêu đề ra (trên 3%).

Đặc biệt, trong năm 2023 tăng trưởng 4,16%, cao nhất từ trước đến nay. Quy mô tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2023 theo giá thực tế đạt 66.280 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước.

Đơn cử như huyện Yên Định đã tích tụ tập trung được 1.468 ha đất nông nghiệp, để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao (đạt 73,4% chỉ tiêu đề ra trong cả nhiệm kỳ); trong đó, có nhiều mô hình nổi bật như: mô hình 32ha trồng dưa vàng, dưa leo, ứng dụng công nghệ cao tại các xã Định Hoà, Yên Lâm, Định Bình, Định Thành, Quý Lộc mô hình 35ha sản xuất lúa hữu cơ tại các xã Định Long, Định Tiến, Quý Lộc, hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5 lần so với trồng lúa thương phẩm;

Ngoài ra, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi 2.025 ha đất lúa kém hiệu quả, sang nuôi trồng thuỷ sản và trồng cây ăn quả; chuyển đổi trên 700ha đất trồng cây vụ đông tại các xã Định Hưng, Định Long, Yên Thái, Yên Phú, sang trồng ớt xuất khẩu, kết hợp với việc gắn mã vùng sản phẩm, đã mang lại thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha/năm... Giá trị thu nhập bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện năm 2023, ước đạt 169 triệu đồng/ha, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra 160 triệu đồng/ha/năm.

anh-2.jpg
Người nông dân đã có tư duy tích tụ đất đai, chuyên canh trong sản xuất

Trong quá trình tích tụ đất đai, các địa phương vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, như: việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản còn hạn chế; hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi, cơ sở sản xuất, dịch vụ, chế biến, bảo quản nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Tỷ lệ diện tích đất đai được tích tụ, tập trung để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, các cấp, các ngành cần tích cực tuyên tuyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để chuyển từ sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, không bền vững, hiệu quả thấp sang sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng hàng hóa, công nghệ cao, đạt năng suất, hiệu quả cao hơn và bền vững hơn.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT cần khẩn trương tham mưu ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nhân dân tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Thanh Tâm