Xã hội

Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Hà Giang: Điểm tựa vững chắc cho nông dân thoát nghèo

Lan Chi 21/06/2024 - 23:29

(TN&MT) - Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Hơn nữa, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã trở thành điểm tựa vững chắc cho nhà nông xây dựng và nhân rộng những mô hình hiệu quả giúp nông dân nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Trong sản xuất nông nghiệp, các cấp Hội Nông dân Hà Giang đã tích cực vận động nông dân mở rộng diện tích thâm canh trên 2 loại cây lương thực chủ yếu là lúa và ngô. Trong năm 2023, diện tích lúa thâm canh của tỉnh đã đạt 91,4% trên tổng diện tích 36.217,09ha lúa của toàn tỉnh, tăng 850,29ha so với năm 2022. Nhờ đó, đã góp phần làm tăng tổng sản lượng lương thực trên địa bàn của tỉnh đạt 357.528,7 tấn, tăng 27.018 tấn so với năm 2022. Trong quá trình chăn nuôi, trong năm 2023, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tiêm phòng được 1.030.983 liều vắc xin cho các loại gia súc, gia cầm...

Bên cạnh đó, phong trào nông dân giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo đã được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Từ đó, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với các ngành chức năng chỉ đạo, xây dựng, thực hiện hiệu quả các mô hình và các phong trào phát triển kinh tế, xã hội và xóa đói, giảm nghèo.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được xem là phong trào có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của chương trình giảm nghèo ở địa phương. Trung bình mỗi năm có hơn 11 nghìn hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Hàng năm, các cấp hội nông dân đã giúp đỡ được trên 8.000 lao động có việc làm làm tại chỗ; giúp đỡ vốn; giống cây, con giống và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 9.000 lượt hộ nông dân; giúp hơn 5.000 hộ nông dân thoát được nghèo và vươn lên làm ăn khá giả.

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các gia đình thực hiện tốt phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Cùng với đó, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Khuyến nông mở được 1.300 lớp tập huấn kỹ thuật nông lâm nghiệp cho 53.000 lượt hội viên nông dân; hướng dẫn và hỗ trợ các hội viên nông dân xây dựng 433 mô hình thâm canh mẫu về lúa, ngô, trồng rừng kinh tế và phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

112_20230821152917-1-.jpg
Hàng năm, các cấp hội nông dân đã giúp đỡ được trên 8.000 lao động có việc làm làm tại chỗ

Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân đã chỉ đạo thực hiện tốt việc củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Kết quả, đã duy trì tốt 972 tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện quản lý 31.894 hộ với tổng dư nợ 446.343 triệu đồng. Với số vốn trên đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển các làng nghề truyền thống. Cho đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã có 35.811 hộ đạt tiêu chí sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, tổ chức Hội Nông dân các cấp đã phát huy rõ nét vai trò và hiệu quả hoạt động, trở thành nơi tập hợp đoàn kết, hỗ trợ hội viên trong phát triển kinh tế, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, đóng góp và tạo nhiều dấu ấn quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thúc đẩy phát triển từ những mô hình có tính khả thi cao

Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp, tỉnh Hà Giang còn tiếp vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để giúp bà con làm kinh tế từ những mô hình làm du lịch, trồng trọt và chăn nuôi.

Theo ông Trần Xuân Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang, để quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ban Thường vụ, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã sâu sát, cụ thể, tuân thủ các quy định của điều lệ quỹ và pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt các khâu từ lựa chọn mô hình đầu tư, hộ vay, thẩm định dự án, giải ngân cho vay; kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án tại cơ sở; đặc biệt là phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho Hội cấp dưới và các cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ vậy, hầu hết các hộ hội viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả đồng vốn.

anh-quy-htnd-1698313082400520603759.jpg
Nông dân xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) phát triển mô hình “Nông dân làm du lịch”. Ảnh: Biện Luận

Các mô hình tiêu biểu phải kể đến như: Trồng và chăm sóc cam theo hướng VietGAP tại các xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang); xã Yên Hà, Hương Sơn (huyện Quang Bình); chăn nuôi trâu tại các xã Vĩ Thượng, thị trấn Yên Bình (huyện Quang Bình); trồng "na núi đá" phường Quang Trung (TP. Hà Giang); mô hình "Nông dân làm du lịch" - nhà nghỉ homestay xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn).

Mô hình nông dân làm du lịch, dịch vụ homestay ở xã Du Già, huyện Yên Minh, Hà Giang là điểm sáng phát triển kinh tế ở địa phương. Lãnh đạo Hội Nông dân xã Du Già cho biết: Từ tháng 4/2021, Hội Nông dân xã Du Già được vay 600 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh của tỉnh, huyện để đầu tư phát triển du lịch, nhà nghỉ homestay với 9 hộ tại các Chi hội Cốc Pảng, Làng Khác A, Lũng Dầm, Nà Liên tham gia. Đến nay hoạt động dịch vụ và du lịch trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tính đến cuối năm 2023, toàn xã Du Già có gần 30 hộ nông dân tham gia làm du lịch cộng đồng (mô hình nhà nghỉ homestay) theo kiến trúc nhà sàn có đầy đủ tiện nghi, đáp ứng tiêu chuẩn đón khách và phục vụ lưu trú cho trên 1.000 - 2.000 lượt du khách/ngày đêm. Hàng năm, nhờ làm du lịch đã mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 100 - 150 triệu đồng/mỗi hộ gia đình.

Cùng với đầu tư nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình du lịch, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang còn đầu tư nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển các mô hình cây, con đặc sản ở địa phương. Trong đó, gia đình anh Lý Văn Thuần, thôn Ngàm Đăng Vài 1, xã Ngàm Đăng Vài, huyện Hoàng Su Phì được vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã đầu tư chăn nuôi lợn đen thương phẩm. Với tổng đàn duy trì từ 30 - 50 con/lứa, hàng năm gia đình anh có thu nhập ổn định, đời sống đã khá giả hơn trước...

Lan Chi