Thạch An (Cao Bằng): Triển khai đồng bộ các dự án giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từng bước giúp người dân cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Thạch An (Cao Bằng) đã huy động mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Triển khai 24 dự án đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo
Thạch An là huyện miền núi, biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng với 13 xã, 1 thị trấn, trong đó có 11 xã và 1 thị trấn thuộc khu vực III, 69/95 xóm đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 5 dân tộc sinh sống gồm Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh với dân số 31.518 người, 3.720 hộ nghèo, chiếm 46,7%. Do địa bàn huyện bị chia cắt phức tạp, dân cư phân tán, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều do đó đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Thời gian qua, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từng bước giúp người dân cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững, lãnh đạo UBND huyện đã tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với những mục tiêu sát với thực tiễn, nhu cầu, bức thiết cần giải quyết xã, xóm, bản đặc biệt khó khăn.
Theo đó, UBND huyện Thạch An đã ban hành quyết định, kế hoạch, công văn giao nhiệm vụ, hướng dẫn đôn đốc các phòng, ban, xã, thị trấn thực hiện chương trình một cách căn cơ, bài bản và tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị triển khai công tác giảm nghèo bền vững.
Bà Nông Thị Chuyền, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch An cho biết, bằng những nỗ lực đồng bộ, đến nay trên địa bàn đã được đầu tư 135 tỷ đồng thực hiện 7 dự án. Nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn như: Trọng Con, Thụy Hùng, Vân Trình, Lê Lai đã được phân bổ trên 109 tỷ đồng đầu tư 25 dự án xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu về giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, điện lưới, trạm y tế, nhà văn hóa, duy tu bảo dưỡng các công trình dân sinh...
Bên cạnh đó, UBND huyện phân bổ trên 9,6 tỷ đồng đầu tư 24 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo từ trồng cây thạch đen, lê, hồi, chè hữu cơ chất lượng cao, bí xanh thơm; 17 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp cải thiện dinh dưỡng như khoai tây, lạc, đỗ, ngô ngọt…
Ngoài ra, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện còn phối hợp với các ban, ngành, xã, thị trấn rà soát nghèo đa chiều, có 36.000 lượt người thuộc diện trong hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh, sinh viên được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội về y tế, giáo dục, hỗ trợ tiền điện, tín dụng chính sách phát triển mô hình kinh tế, lao động, học tập… Trong đó, có trên 2.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên diện hộ nghèo được tiếp cận vay hơn 130 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội đầu tư các mô hình sinh kế phù hợp, đi học chuyên nghiệp, học nghề tạo việc làm, xuất khẩu lao động.
Bên cạnh chính sách tín dụng, bà con hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội khác. Trên 23.000 lượt bà con dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí; trên 2.600 học sinh được miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp gần 1 tỷ đồng. Với 7 chính sách an sinh xã hội được đưa đến đúng địa chỉ, đối tượng, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống là điểm sáng trong chương trình giảm nghèo bền vững ở huyện Thạch An.
Theo ông Nông Thế Phúc, Chủ tịch UBND huyện Thạch An, trong năm 2023, trên cơ sở nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững được giao, UBND huyện tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, trong đó tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đến 12/2023, huyện đã giảm 512 hộ nghèo, đạt 6,31%; giảm 103 hộ cận nghèo, đạt 1,26%.
Huy động nguồn lực, thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo
Phát huy kết quả đạt được, năm 2024, theo ông Nông Thế Phúc, huyện Thạch An tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương; ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện nhiều mô hình, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững; tăng cường huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn.
Lãnh đạo UBND huyện cũng tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, xã, thị trấn khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thiện hồ sơ trình; mua sắm vật tư, con giống cấp phát cho nhân dân. Thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để có sự điều chỉnh kịp thời.
Cùng với đó, huyện tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự tham gia, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cũng như lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình khác tạo nguồn lực đủ mạnh thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Huyện cũng sẽ tập trung hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp thoát nghèo bền vững. Thực hiện các phong trào thi đua giảm nghèo, khích lệ ý chí vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng của người dân. Tiếp tục triển khai hiệu quả tiểu dự án giảm nghèo về thông tin, trong đó, chú trọng tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông cơ sở.