Đắk Lắk: Thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo
(TN&MT) - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được tỉnh Đắk Lắk triển khai bằng những chính sách thiết thực như hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi... Qua đó, đã tạo được những chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo.
Kế hoạch cụ thể, mục tiêu phù hợp
Theo nội dung Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg, mục tiêu về xóa đói giảm nghèo đến năm 2030 của tỉnh Đắk Lắk là giảm tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) hàng năm 1,5% - 2%; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3% - 4%/năm trong cả thời kỳ 2021-2030.
Theo đó, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ người dân có sinh kế bền vững thông qua đào tạo, chuyển đổi việc làm, nâng cao dân trí. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công và thân nhân theo quy định. Tăng cường công tác trợ giúp và bảo trợ xã hội; phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đa dạng, đủ năng lực.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành những chủ trương, chính sách, nghị quyết thiết thực, có giá trị thực tiễn cao. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đưa ra chỉ tiêu giảm hộ nghèo từ 1,5% - 2%/năm. Bên cạnh đó, HĐND Đắk Lắk ban hành các nghị quyết như Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 24/8/2022 về chỉ tiêu, kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 05 năm (2021 - 2025) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 quy định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025....
Theo Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk, tính đến tháng 4/2024, trên địa bàn toàn tỉnh không có huyện, thị xã, thành phố xảy ra thiếu đói. Hiện nay các huyện, thị xã, thành phố, đang tiếp tục rà soát các hộ thiếu đói trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ trong các tháng tiếp theo nếu có phát sinh thiếu đói.
Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm
Báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk tại buổi làm việc với Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội vào ngày 19/7/2023 về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cho thấy: Qua gần 3 năm (2021-2023) triển khai thực hiện, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 10,94%, giảm 1,85% so với cuối năm 2021.
Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo (M’Drắk, Ea Súp) còn 39,26%, giảm 5,67% so với cuối năm 2021. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với 10 dự án được triển khai thực hiện ở các lĩnh vực đã giúp tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 23,08% (35.982 hộ), giảm 3,66% (5.533 hộ) so với cuối năm 2021.
Tổng vốn ngân sách Nhà nước giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gần 700 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này, Công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được đẩy mạnh.
Ngày 17/11/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2569/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Đắk Lắk (gồm 2 huyện Ea Súp, M’Drắk) thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng số hộ được hỗ trợ là 4.542 hộ (2.897 hộ xây mới và 1.645 hộ sửa chữa) thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025.
Trong công tác đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, giai đoạn 2021 - 2023 toàn tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư xây mới 17 công trình giao thông, cầu, công trình giáo dục; duy tu bảo dưỡng 29 công trình đường giao thông, thủy lợi để phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các huyện nghèo Ea Súp và M’Drắk.
Về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, năm 2023 toàn tỉnh Đắk Lắk đã đào tạo nghề cho 1.361 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, thu nhập thấp; giải quyết việc làm cho khoảng 30.170 người lao động; hỗ trợ hơn 47.300 lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi, với tổng số tiền hơn 2.086 tỷ đồng.
Đối với việc thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trong giai đoạn từ 2021 - 2023 toàn tỉnh Đắk Lắk đã triển khai 87 dự án đa dạng hóa sinh kế. Trong đó có 84 dự án chăn nuôi, 2 dự án trồng trọt, 1 dự án hỗ trợ công cụ sản xuất với 1.753 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được thụ hưởng.
Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều chung toàn tỉnh Đắk Lắk giảm xuống còn 9,15/% (giảm 1,79%). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 19,7% (giảm 3,38%); tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 34,45% (giảm 4,81%). Cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện và nâng lên về mọi mặt.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk đang nỗ lực khắc phục những khó khăn về công tác thông tin tuyên truyền, công tác giao đất cho đồng bào thiểu số, công tác đãi ngộ đối với cán bộ chuyên trách.... Đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu như: Tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc thực hiện giảm nghèo bền vững; tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo để nhân rộng những mô hình phù hợp, có hiệu quả và chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót.