Xã hội

Đổi thay ở “vương quốc” trái cây Phong Điền

Lê Hùng 21/06/2024 - 23:25

(TN&MT)- Về với huyện nông thôn mới (NTM) Phong Điền, Cần Thơ trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận từ trung tâm huyện cho đến các xã, thị trấn nơi đây đang không ngừng đổi thay bừng lên sức sống mới. Điều dễ nhận thấy đó là những vườn cây ăn trái trĩu quả; những ngôi nhà tường mọc lên san sát bên dòng sông Cần Thơ hiền hòa; những con đường nhựa rộng thênh thang, phẳng lì,…như báo hiệu cho sự đổi thay, bứt phá vươn lên mạnh mẽ của vùng đất được mệnh danh là “vương quốc” các loại trái cây của miền Tây sông nước này.

a1-phong-dien.jpg
Một góc huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ

Từ trung tâm TP. Cần Thơ, chúng tôi len lỏi qua dòng người tấp nập trên các cung đường Trần Hoàng Na rồi quẹo trái qua đường Nguyễn Văn Cừ khoảng chừng 10km để đến với huyện Phong Điền. Tuy cách trung tâm TP. Cần Thơ không xa, nhưng Phong Điền vẫn giữ cho mình vẻ đẹp của một miền quê sông nước hữu tình, những con sông, vạt cây ăn trái trãi dài tít tắp. Về với Phong Điền lần này, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay, đất đai trù phú mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này. Đứng trên cầu Tây Đô mới đưa vào sử dụng, phóng tầm mắt bao quát, huyện Phong Điền nằm giữa những vườn cây ngút ngàn mầu xanh và căng tràn sức sống mới.

a5-phong-dien.jpg
Do đất đai trù phú, giá cả ổn định... nên diện tích trồng sầu giêng ở huyện Phong Điền đang không ngừng tăng lên

Vì là đến sớm hơn thời gian đã hẹn với lãnh đạo địa phương, nên chúng tôi chạy xe vòng quanh các cung đường đã thảm nhựa, bê tông phẳng lì của huyện Phòng Điền để tìm hiểu sâu hơn về phương thức sản xuất cũng như đời sống kinh tế của người dân nơi đây.

Đến ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa chúng tôi bắt gặp các cô, chú nông dân đang chăm chú lắng nghe cán bộ Hội Nông dân của xã hướng dẫn những kỹ thuật chăm sóc sầu giêng; lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho vườn cây,….Đang loay hoay thị phạm cho các cô, chú dễ hình dung cách cắt tỉa cành, để trái sầu giêng,… gặp chúng tôi, qua vài câu xã giao, anh Tư Hiếu (Huỳnh Thanh Hiếu), Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền chỉ tay về những khoảnh đất đang được phủ lên một mầu xanh mướt của những cây sầu giêng, măng cụt, vú sữa…phấn khởi cho biết, vài năm trở lại đây cũng nhờ có các loại cây trồng này mà thu nhập của người dân nơi đây không ngừng nâng lên, mỗi năm thu lợi hàng trăm triệu đồng. Theo anh Tư Hiếu, giá trị kinh tế của mỗi hecta đất trồng sầu giêng đang mang lại mỗi năm cho người dân lên đến hàng tỉ đồng, cao gấp rất nhiều so với các loại cây trồng khác.

Chính nhờ giá trị mà cây sầu giêng, măng cụt,…mang lại mà khoảng 5 năm trở lại đây hầu hết diện tích đất trồng lúa của người dân trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa cũng như của huyện Phong Điền đã được chuyển đổi qua trồng cây ăn trái, từ đó giúp cho đời sống của người dân không ngừng nâng lên. Đi sâu vào tìm hiểu, hiện nay chuyện làm giàu, thu nhập tiền tỉ mỗi năm từ vườn cây ăn trái đang trở nên phổ biến đối với người dân ở vùng này.

a6-phong-dien.jpg
Trong thời gian qua, giá thành trái sầu giêng luôn ở mức cao và thị trường ổn định đã giúp cho người dân ở huyện Phong Điền trở thành tỉ phú từ loại trái cây này

Theo nhiều người dân cho biết, chỉ cần chăm chỉ, quyết tâm trong lao động, chọn mô hình sản xuất có giá cả, đầu ra ổn định, đáp ứng được thị hiếu của thị trường thì làm giàu không khó. Theo họ, mấy năm nay nhờ giá cả, đầu ra của trái sầu riêng tương đối ổn định, bởi vậy mà trên địa bàn huyện lại có thêm nhiều tỉ phú mới nhờ các loại trái cây này.

Để hiểu rõ hơn về sự hỗ trợ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của huyện nhằm phát triển kinh tế, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền. Mở đầu câu chuyện ông Thắng vui vẻ cho biết, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, miền quê trù phú Phong Điền đã có bước phát triển nhanh, toàn diện trên các lĩnh vực.

Năm 20023, giá trị sản xuất đạt 1.280 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 75 triệu đồng/năm; toàn huyện có 24 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhiều nông sản của địa phương đã được xây dựng sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị kinh tế. Huyện Phong Điền còn tận dụng các vườn cây ăn trái để phát triển hơn 30 điểm du lịch sinh thái miệt vườn mỗi năm thu hút hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm.

Với hơn 8.500ha vườn trồng nhiều loại cây ăn trái hiện có, Phong Điền đang là địa phương của TP. Cần Thơ có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp gắn với các loại hình du lịch miệt vườn mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái;…và như để nâng cao giá trị, thương hiệu vườn cây ăn trái, huyện Phong Điền đang tập trung phát triển theo hướng tập trung, chuyên canh nhằm đảm bảo năng xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường thông qua đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép; thu gom, xử lý bao bì sau sử dụng góp phần xây dựng một nền nông nghiệp chất lượng cao, thân thiện với môi trường.

a3-phong-dien.jpg
Ngoài sầu giêng, nhãn cũng là một trong những cây trồng chủ lực và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Phong Điền

Huyện Phong Điền còn thường xuyên quan tâm triển khai các giải pháp cải thiện môi trường sống thông qua tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người dân; phát động phong trào vệ sinh môi trường, phân loại rác thải, trồng cây xanh, hoa kiểng… tạo diện mạo sáng, xanh, sạch, đẹp trên các tuyến đường, khu dân cư, điểm vui chơi công cộng, từ đó giúp huyện Phong Điền củng cố, nâng chất bền vững tiêu chí môi trường trong xây dựng huyện NTM nâng cao.

a4-phong-dien.jpg
Một tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp ở huyện Phong Điền

Giờ đây, “vương quốc” trái cây Phong Điền đang khoác lên mình chiếc áo mới, bộ mặt từ trung tâm huyện cho đến các xã, thị trấn nơi đây đang không ngừng đổi thay. Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được trên bước đường xây dựng huyện NTM, NTM nâng cao, hiện nay các cấp, các ngành và người dân Phong Điền đang tập trung khai thác những tiềm năng, thế mạnh, chuyển đổi cấu phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết, nâng cao chuỗi giá trị hướng đến mục tiêu xây dựng huyện Phong Điền là đô thị sinh thái, là trung tâm sản xuất ra các loại trái cây có quy mô cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Tới đây, khi các chương trình, dự án của thành phố về phát triển đô thị sinh thái Phong Điền tiếp tục triển khai thực hiện thành công sẽ là đòn bẩy giúp cho Phong Điền- vùng đất được mệnh danh là “vương quốc” các loại trái cây của miền Tây sông nước "cất cánh".

Lê Hùng