Bình Phước: Ưu tiêu đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhằm chủ động giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…những năm qua tỉnh Bình Phước đã chủ động triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách… để ưu tiên đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi với mục tiêu giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và làm 1.000km đường giao thông nông thôn mỗi năm.
Nguồn vốn "cứu cánh" cho dân nghèo
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách mà gia đình chị Chung Thị Nhâm ở thôn 2, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Nhâm cho biết, trước đây gia đình thuộc diện khó khăn nhất, nhì trong thôn do không có đất sản xuất và không việc làm ổn định. Năm 2019, được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư nuôi bò. Từ 2 con bò ban đầu dần phát triển lên 6 con. Năm 2022, thu nhập từ nuôi bò và tiền công làm thuê của hai vợ chồng, gia đình chị Nhâm mua thêm mảnh đất trị giá gần 100 triệu đồng và chính thức thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp các gia đình thoát nghèo mà còn hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng. Gia đình ông Lương Văn Phòng ở thôn 2, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng đã vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng huyện Bù Đăng để chuyển đổi 0,5ha điều già cỗi sang trồng sầu riêng. Nhờ được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, bón phân kịp thời vụ nên vườn sầu riêng hơn 2 năm tuổi của gia đình ông phát triển tốt.
Tương tự, gia đình anh Điều Y La, trú cùng xã với chị Nhâm cũng một trong những hộ có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây khi tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ xoá đói giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số nên gia đình anh đã dùng số tiền vay được từ ngân hàng chính sách hơn 100 triệu đồng để đầu tư mua 1 cặp bò, trồng và chăm sóc 1000 cây cà phê. “Gia đình đến nay, đàn bò anh đã được 5 con cùng hơn 4 tấn cà phê mỗi năm nên gia đình đã có cái ăn, cái mặc có của để cho con đi học kiếm con chữ sau này kiếm việc làm nuôi sống bản thân”. Anh Y La vui mừng chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bù Đăng, phát triển vùng dân tộc dân tộc thiểu số, miền núi có những khó khăn, phức tạp và đặc thù riêng nên trong công tác lãnh đạo, tổ chức triển khai đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của các chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc, miền núi; phải hiểu sâu sắc đặc điểm văn hóa của từng dân tộc, từng cộng đồng; phải kiên trì, sâu sát cơ sở... qua đó đề ra các giải pháp phù hợp. Nhờ đó từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã xóa được được 1.118 hộ nghèo dân tộc thiểu số.
Nâng cấp hạ tầng
Để rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và miền núi, Bình Phước ưu tiên phát triển hệ thống đường giao thông kết nối liên vùng; phát triển hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã. Nhờ đó toàn tỉnh đã có hơn 2.855 tuyến đường, với tổng chiều dài là 9.110km, trong đó các tuyến giao thông huyết mạch và các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã đã được nhựa hóa gần 100%.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước, triển khai thực hiện đề án kết nối vùng nhằm bảo đảm tính đồng bộ kết nối giữa các vùng và khu vực, trong giai đoạn 2021-2025, Bình Phước triển khai 34 dự án, trong đó ưu tiên 1 là 20 dự án; ưu tiên 2 là 7 dự án; ưu tiên 3 là 7 dự án. Một số dự án trọng điểm đang triển khai thi công như: Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn ngã ba Lộc Tấn đến cửa khẩu Hoa Lư; Dự án xây dựng đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành-Hoa Lư; Dự án nâng cấp ĐT 756 (kết nối thị xã Chơn Thành với huyện biên giới Lộc Ninh và Bù Đốp). Ngoài ra, một số dự án trọng điểm đang hoàn thiện thủ tục như: Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)…
Theo đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông giúp cho quá trình giao thương của tỉnh có những đổi thay. Từ đó, người dân có điều kiện phát triển kinh tế ngày một ổn định và hiệu quả hơn. Trong đó, ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số có cơ hội tiếp cận với việc mua bán, thâm nhập được các thị trường ở khu vực đô thị để giúp sản phẩm canh tác làm ra có cơ hội bán với giá cao để tăng thu nhập.
Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, thực hiện lồng ghép các chương trình, nguồn vốn cũng như huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân… đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực có đông đồng bào sinh sống cũng như miền núi ở Bình Phước. Song song với đó, Bình Phước ưu tiên đầu tư và phát triển các nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh đào tạo lao động, giải quyết việc làm; hỗ trợ đồng bào ứng dụng công nghệ thông tin... đã tạo động lực, khơi dậy ý chí vươn lên của người dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo, cận nghèo.