Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật quyền con người
(TN&MT) – Chiều 21/6, tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở Thông tin và Truyền thông khu vực phía Nam; cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại, thông tin báo chí - xuất bản thuộc TP.HCM và các phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT cho biết: Hội nghị tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về quyền con người năm 2024 được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kỹ năng viết bài cho báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên về quyền con người và chính sách, pháp luật về quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
Theo ông Hồ Hồng Hải, vai trò của truyền thông, báo chí là vô cùng quan trọng bởi truyền thông và báo chí không chỉ là cầu nối đưa thông tin đến công chúng, mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp nâng cao nhận thức, giáo dục về nhân quyền và phản ánh tình hình thực tế về việc thực thi về các quyền con người.
Sự tham gia tích cực của truyền thông và báo chí sẽ giúp tăng cường sự minh bạch, thúc đẩy sự hiểu biết và ủng hộ từ cộng đồng, đồng thời tạo sức ép để các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả hơn.
Trong thời đại số, truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội trở thành những nền tảng quan trọng, giúp thông tin về nhân quyền được lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi. Điều này không chỉ giúp người dân nắm bắt kịp thời các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền con người, mà còn tạo điều kiện để họ tham gia vào các hoạt động bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Tại Hội nghị, PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày chuyên đề: “Thành tựu bảo đảm quyền con người trong thời kỳ đổi mới và phát huy vai trò của truyền thông, báo chí trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam”.
Theo đó, Hiến pháp năm 2013 gồm có 120 điều, đã dành trọn vẹn 36 điều để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Các quy định về quyền con người, bảo đảm quyền con người, quyền công dân còn được quy định ở nhiều chương khác của Hiến pháp. Trên cơ sở các nguyên tắc hiến định, hàng loạt luật, bộ luật chuyên ngành được ban hành đã cụ thể các quy định của hiến pháp về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý toàn diện cho việc bảo đảm quyền con người về dân sự, chính trị; các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.
Cũng theo PGS.TS Tường Duy Kiên, truyền thông, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực thi quyền con người. Trong đó, báo chí cũng góp phần nhận diện các luận điệu truyên truyền xuyên tạc về quyền con người ở Việt Nam