Môi trường

Những người gác rừng dưới chân núi Tà Đùng

Phạm Hoài 21/06/2024 - 15:26

(TN&MT) - Bằng tình yêu và sự trung thành với đất rừng những người Mạ sống dưới chân núi Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) xem việc bảo vệ rừng không chỉ là nhiệm vụ hay công việc mà đó còn là một trọng trách hết sức thiêng liêng và cao cả vì rừng như một phần máu thịt đã gắn bó, chở che giúp nuôi lớn bao thế hệ.

Rừng như linh hồn

Về với Vườn Quốc gia Tà Đùng vào những ngày đầu mùa mưa và ngồi nghe các anh Kiểm lâm kể về huyện thoại người Mạ quên thân mình để giữ rừng bao đời, đã làm tôi tò mò muốn tìm hiểu. Theo chân một cán bộ Kiểm lâm đi qua nhiều ngọn đồi để tìm đến ngồi làng đồng bào Châu Mạ nằm dưới chân núi như những người lính gác cửa, ngày đêm canh rừng giữ đất.

Vườn Quốc gia (VQG) Tà Đùng được hình thành trên cơ sở chuyển hạng từ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Đùng theo Quyết định số 185/QĐ-TTg ngày 08/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Với tổng diện tích tự nhiên hơn 20.000ha, VQG Tà Đùng nằm trong khu vực Tây Nguyên, có đặc trưng rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, đây là các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng nguyên sinh hiếm có của vùng cao nguyên. Tà Đùng có giá trị đa dạng sinh học cao với 1.406 loài thực vật bậc cao; hệ động vật có 574 loài thuộc 38 bộ, 124 họ, trong đó có 34 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 37 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN, 3 loài thú đặc hữu Việt Nam.

VQG Tà Đùng là địa chỉ bảo tồn quan trọng thuộc khu vực bảo tồn cảnh quan lưu vực sông Đồng Nai, Nam Trường Sơn và là một phần của khu vực chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt - một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam và một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới. VQG Tà Đùng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, lý tưởng cho khách du lịch. Với khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiều nét văn hóa đặc trưng, nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ như: Thác Granite (là một trong những điểm thuộc Di sản Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông); thác mặt trời, suối Đắk Rteng, Đắk Plao...

Theo Già làng KHô (buôn B'Tổng, xã Đắk P'Lao, huyện Đắk G'Long), đã bao đời nay, đồng bào Mạ vẫn hát kể cho nhau nghe những sử thi về núi Tà Đùng hùng vĩ, sự tích cái tên của từng con suối, ngọn đồi và truyền dạy con cháu rằng việc giữ rừng đại ngàn là bảo vệ sinh mệnh sống của dân làng vì núi rừng Tà Đùng đã chở che, bao bọc và nuôi lớn bao thế người Mạ nơi đây.

Theo lời kể của già làng KHô, thời xa xưa có một cộng đồng người Châu Mạ lập làng, sinh sống phồn thịnh trên đỉnh núi Tà Đùng và gắn bó với đất rừng nơi đây. Do đó, theo truyền thống, ngày nay đồng bào người Mạ tiếp tục gắn bó và tham gia nhận khoán để bảo vệ rừng. “Những ngày lễ tết, khi mọi người được nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình, cộng đồng người Mạ dưới chân núi Tà Đùng vẫn chia ca vào rừng túc trực, canh gác cả ngày lẫn đêm mà không quản ngại khó khăn vì rừng Tà Đùng như mái nhà chung của cả làng nên ai cũng phải có trách nhiệm canh giữ”, Già làng KHô khẳng định.

Nói thêm về câu chuyện nay, Già làng KHô cho biết, những năm trước, khi còn là xã Đắk P'lao cũ, người dân sống tập trung dưới chân núi nên cây rừng thường xuyên bị lâm tặc đốn hạ, cộng đồng người Mạ phải họp bàn với nhau thành lập tổ để bảo vệ rừng. Mỗi đêm, làng lại cử một nhóm người lên rừng ngủ, nếu có kẻ phá hoại sẽ đánh chiêng, đốt lửa báo hiệu. Sau này, khi có cán bộ Kiểm lâm, đồng bào Mạ xung phong đi theo chân cán bộ, tiếp tục công việc giữ rừng.

Ông K'Sriu là một trong những thành viên tích cực của Tổ bảo vệ rừng vì gần cả cuộc đời gắn với ngọn núi thiêng, đối với ông rừng Tà Đùng cũng thân thiết, gần gũi như anh em của mình. Theo ông K'Sriu, người dân ở đây ai cũng có ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, cả làng chia làm 5 tổ để luân phiên nhau đi tuần tra, trong đó tổ của ông có tất cả 10 thành viên. "Ngày trước thì chúng tôi tự cắt cử để trông coi rừng. Mấy năm nay thì hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với Nhà nước, mỗi tháng được hỗ trợ mấy trăm ngàn, gọi là có thêm thu nhập ngoài làm rẫy. Từ khi nhận công việc này, trách nhiệm của chúng tôi đối với khu rừng của cộng đồng càng to lớn hơn. Bất kể mưa gió hay đêm tối, nếu nhận được thông tin rừng bị phá, chúng tôi sẽ chạy đi kiểm tra ngay", ông K'Sriu chia sẻ.

Luôn đồng hành để giữ rừng

Theo ông Khương Thanh Long - Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Tà Đùng, VQG bao gồm núi và hồ Tà Đùng, quản lý gần 20.000ha rừng đặc dụng. Bên trong khu rừng là dòng suối Đắk Nteng chảy qua, tạo thành hai ngọn thác hấp dẫn, kỳ bí. Đứng trên cao nhìn xuống những sườn dốc là các buôn làng thuộc xã Đắk Plao, Đắk Rmăng, Đắk Som, nơi lưu giữ nhiều giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc. Hiện, VQG Tà Đùng còn nhiều gỗ, động vật quý hiếm nên rừng Tà Đùng là miếng mồi ngon hấp dẫn lâm tặc khắp nơi nhòm ngó, chực chờ xẻ thịt. Lực lượng Kiểm lâm ít người nên quản lý không xuể nên sự góp sức, chung tay của những người Mạ đang sinh sống dưới chân núi Tà Đùng đã giúp cho đơn vị quản lý, bảo vệ rừng và động vật ngày một tốt và hiệu quả hơn rất nhiều.

a2.-kiem-lam-va-nguoi-ma.jpg

“Bắt đầu từ năm 2011 đã có 52 hộ sống trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Đùng - nay là VQG Tà Đùng - nhận khoán bảo vệ rừng, mỗi hộ nhận 30ha. Hàng ngày, người dân trong các tổ cùng cán bộ Kiểm lâm đi tuần tra rừng nên đã hạn chế được tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng. Đặc biệt, trong 5 năm qua, đồng bào và Kiểm lâm đã ngăn chặn được nhiều vụ lâm tặc đến khai thác rừng. Đơn vị hiện đang giao khoán hơn 6.000ha rừng cho 201 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng. Các hộ dân tập trung chủ yếu ở xã Đắk Som, Đắk R'măng (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông); xã Phi Liêng, Đạ K'Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng)”, ông Khương Thanh Long chia sẻ thêm.

Ông KPhương (36 tuổi, xã Đắk Som, một trong những chủ hộ nhận khoán bảo vệ rừng Tà Đùng) cho biết, các hộ nhận khoán chia tổ, phân công lịch tuần tra rất rõ ràng, mỗi hộ tham gia tuần tra 3 - 4 lần/tháng. Mỗi chuyến đi ở lại rừng vài ngày nên phải chuẩn bị các loại dụng cụ, thuốc men phòng côn trùng cắn, hút máu. “Ban ngày, cả đoàn đi tuần tra, tối ở đâu giăng bạt, dựng lều ở đó. Trong rừng sương mù xuống dày đặc, muỗi bay vo ve khắp lán, nhiều đêm lạnh không ngủ được”, ông KPhương cho hay.

Lâm tặc ngày càng manh động, hung hãn chúng sẵn sàng tấn công trả thù những người cản trở con đường làm ăn phi pháp của chúng. Công việc canh rừng vất vả, thù lao không được bao nhiêu. Nếu đơn thuần chỉ kiếm việc làm thêm tăng thu nhập, người Tà Đùng có thể làm nhiều việc khác nhẹ nhàng, đỡ nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Nhưng họ vẫn chọn việc giữ rừng, đơn giản vì rừng là sự sống của làng và việc giữ rừng đã được Già làng căn dặn: “Con cháu của làng phải bảo vệ rừng, sống hòa thuận với rừng để có sức khỏe, no ấm”.

Phạm Hoài