Biến đổi khí hậu

Kiến tạo hành trình xanh: Từ địa phương đến doanh nghiệp

Như Hoa 21/06/2024 - 15:25

(TN&MT) - Xuất phát từ nguyên lý khoa học “con người cũng là một nguồn ô nhiễm”, sẽ không có bất cứ một địa phương hay tổ chức, cá nhân được đứng ngoài công cuộc giảm phát thải, kiến tạo hành trình xanh. Bởi như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng phát biểu trong cam kết tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26): Net Zero là đạo đức.

Net Zero -

Lựa chọn tất yếu của doanh nghiệp

Phát triển kinh tế các-bon thấp góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, đây là lựa chọn tất yếu trong xu thế chung của quốc gia và xu thế hội nhập kinh doanh quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược phát triển, lợi thế cạnh tranh cùng nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Luật chơi mới và cơ hội chuyển đổi kinh tế

Ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) là mối quan tâm chung của toàn thế giới chứ không riêng Việt Nam. Tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26) vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo của hơn 150 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Có thể hiểu đây là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu. Nghĩa là phát triển bền vững, phát triển xanh, phát triển kinh tế các-bon thấp trở thành xu thế chung của chính phủ các nước, các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức tài chính, ngân hàng, và cũng là xu thế đối với mỗi doanh nghiệp... Việc tuân thủ nghĩa vụ quốc gia không chỉ đóng góp chung vào mục tiêu ứng phó BĐKH toàn cầu mà còn là cơ hội, động lực để chúng ta chuyển đổi nền kinh tế theo hướng trên, thậm chí nằm trong nhóm tiên phong.

screenshot_1718516533.jpg

Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai mạnh mẽ các cam kết tại COP26. Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Sau hơn 2 năm đưa ra cam kết, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hành động về ứng phó BĐKH, tiêu biểu như Đề án về các nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất, Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia theo hướng giảm mạnh điện than, thay thế bằng năng lượng tái tạo, Tuyên bố về đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng...

Chiến lược ứng phó BĐKH giai đoạn đến năm 2050 được ban hành cùng với nhiều kế hoạch hành động và mục tiêu ứng phó BĐKH của chúng ta cũng rất rõ ràng, cụ thể và thiết thực. Đó là việc chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do BĐKH; tiếp đó là giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào 2050; tận dụng cơ hội từ ứng phó BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Qua đó đã kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung mới, quan trọng, trong đó xác định xu hướng mới, tư duy và phương thức mới trong công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phải gắn với chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường phải là ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển; đầu tư cho ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

Từ thực tiễn qua, thời gian tới, chúng ta cần phải có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm "đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững"; đồng thời huy động được nguồn lực xã hội hóa và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Theo đó, sẽ đề xuất hệ thống quan điểm mới, tư duy mới đáp ứng bối cảnh tầm nhìn đến 2050. Quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, doanh nghiệp (DN) và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện, cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội.

Gần đây, nhận thức của cộng đồng DN về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều DN đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh, tiến tới triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sự thay đổi mới chủ yếu diễn ra ở khối các DN lớn và có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng DN vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm để chuyển biến rõ nét hơn.

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn và các DN đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với BĐKH và phát triển kinh tế các-bon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Thời gian tới, DN cần quyết tâm chuyển đổi mạnh, đặc biệt nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, cụ thể là việc nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế. Cần lưu ý rằng, giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành trách nhiệm bắt buộc của DN. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra các quy định DN có lượng phát thải khí nhà kính lớn sẽ bị áp hạn ngạch phát thải và phải thực hiện các biện pháp giảm phát thải theo lộ trình cụ thể. Nếu không thực hiện, họ sẽ tự đào thải khỏi thị trường do chi phí tuân thủ sẽ ngày càng cao, làm giảm sức cạnh tranh ngay chính trên “sân nhà”.

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và đang tăng cường hội nhập quốc tế. Nhiều DN Việt đang tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu chắc hẳn đã cảm nhận áp lực từ các thị trường quốc tế. Nhu cầu sản phẩm xanh, phát thải các-bon thấp đang tăng cao. Rào cản thương mại liên quan đến truy vết phát thải các-bon trong suốt vòng đời sản phẩm sẽ ngày càng nhiều. Các cơ chế tài chính, quỹ đầu tư, các Bộ, ngành địa phương cũng sẽ dành phần ưu tiên hơn cho các dự án ít phát thải các-bon.

Cần nguồn tín dụng xanh để đầu tư

Chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là nội dung cốt lõi để giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam cùng các quốc gia G7 đang tích cực triển khai Tuyên bố chính trị chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

screenshot_1718516605.jpg

JETP là vấn đề mới, vừa là vấn đề chính trị, ngoại giao và kinh tế; vừa là mối quan hệ đối tác toàn cầu với mục tiêu chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, chuyển đổi công nghệ theo hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển kinh tế các-bon thấp.

Thông qua Tuyên bố JETP, các đối tác quốc tế sẽ giúp chúng ta hoàn thiện chính sách nhằm thu hút đầu tư vào chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, củng cố hạ tầng lưới điện, giáo dục và đào tạo nghề, huy động tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo, cất trữ và sử dụng các-bon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện sinh khối, điện gió ngoài khơi…

Cụ thể, các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu là 15,5 tỷ USD trong vòng ba đến năm năm tới để giúp Việt Nam giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Trong số này có 7,75 tỷ USD do Nhóm các quốc gia phát triển G7 (International partner group - IPG) huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại. Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các DN thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các DN quốc tế. Theo Tuyên bố JETP, các hành động chính sách phải được thống nhất và thực hiện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và khả năng đầu tư của khu vực tư nhân.

Quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp có thể tạo ra những cú sốc, gây hậu quả tiêu cực cho một số nhóm DN, nhất là các DN vừa và nhỏ, đang sở hữu công nghệ, kỹ thuật lạc hậu. Do đó, cộng đồng DN Việt Nam cần nhanh chóng tìm hiểu, tiếp cận các khái niệm, cơ chế hợp tác mới để chủ động thích ứng với tình hình hiện nay.

Cụ thể, DN cần cập nhập kiến thức, đẩy mạnh liên kết với các DN khác trong và ngoài nước để tranh thủ học hỏi về kinh nghiệm, chuyển đổi công nghệ sản xuất, thay đổi mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình ít phát thải; đầu tư vào các dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng lao động, bao gồm cả đào tạo đội ngũ nhân lực sẵn có và tuyển dụng đội ngũ nhân lực mới, đáp ứng được các nhiệm vụ công việc, dây chuyền sản xuất công nghệ mới ít phát thải.

Bên cạnh đo, cần tăng cường năng lực của các DN để tiếp cận và huy động nguồn lực ODA, vốn vay ưu đãi từ các đối tác phát triển, các định chế tài chính toàn cầu; đặc biệt là quỹ khí hậu xanh (GCF), quỹ thích ứng (AF), quỹ tổn thất và thiệt hại, cơ chế đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Về khung pháp lý, cần sửa đổi chính sách thuế, phí phù hợp để khuyến khích DN tham gia, hướng dẫn và hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, tiếp cận được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong ứng phó BĐKH.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM:

Vượt qua thách thức để xanh hóa môi trường

giam-doc-so-tn-mt-tp.hcm-nguyen-toan-thang(1).jpg
Ông Nguyễn Toàn Thắng -
Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

Nhiều năm liền, TP.HCM giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Năm 2023, GRDP của TP.HCM chiếm 15,5% GDP cả nước và đóng góp 20% vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, TP.HCM phải đối mặt với nhiều thách thức về suy thoái môi trường từ quá trình tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và đặc biệt là sự gia tăng nhanh chóng về dân số.

TP.HCM có mật độ dân số gấp 15 lần mật độ dân số trung bình của cả nước, là áp lực vô cùng lớn đối với hạ tầng đô thị. Cụ thể như: đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, kiểm soát ô nhiễm, giữ gìn và bảo vệ cây xanh, phát triển mảng xanh trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, TP.HCM được đánh giá là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi BĐKH. Điều này, đang tạo ra những thách thức to lớn, ảnh hưởng đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững của thành phố.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, UBND thành phố, các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức; sự tham gia tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành phố đã đồng loạt triển khai các giải pháp, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển xanh như: Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường; Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước; Kế hoạch xây dựng Thành phố Xanh - Thân thiện môi trường...

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, đặt trọng tâm kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; quản lý hiệu quả chất thải rắn, đặc biệt đẩy mạnh phân loại, thu gom, tái chế chất thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn; rà soát, xử lý, chuyển hóa các điểm ô nhiễm do thải bỏ rác bừa bãi; tăng cường trồng cây xanh, phát triển mảng xanh; phát triển giao thông xanh, nhân rộng các công trình xanh… từng bước xây dựng TP.HCM sạch - xanh - thân thiện với môi trường.

Nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh - Green Media Hub:

Trước mục tiêu Net zero các-bon, mỗi nhà báo phải là một “người trong cuộc”

trung-moi.jpg
Nhà báo Lê Xuân Trung -
Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh - Green Media Hub:

Chính phủ Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ tại COP26 bằng cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng “0” - Net zero vào 2050. Cam kết của Chính phủ đặt ra mục tiêu mang tính chiến lược dài hạn và đầy thách thức. Đó cũng là mục tiêu chung của các nước trên thế giới trong hành trình cứu lấy hành tinh chúng ta. Xu hướng tích cực đó đã truyền cảm hứng và mở ra nhiều hoạt động để báo chí tham gia có trách nhiệm hơn. Các cơ quan báo chí không chỉ quan tâm nhiều hơn mà còn chủ động tổ chức nhiều sự kiện và tuyến đề tài lớn về chủ đề này.

Hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ trên lĩnh vực truyền thông, Báo TN&MT cùng Câu lạc bộ báo chí phát triển xanh - Green Media Hub, đã phát động Giải báo chí phát triển xanh với những thông điệp rất mạnh mẽ kéo dài trong hai năm 2024 - 2025.

Báo Tuổi Trẻ cũng đã xây dựng chuyên đề “Việt Nam Xanh” trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần và trên các ấn phẩm khác của Tuổi Trẻ. Nhiều báo đài khác cũng đã tổ chức các sự kiện truyền thông và tuyến đề tài tập trung về chủ đề giảm phát thải.

Có thể nói, đã có một sự chuyển biến rất rõ nét trên báo chí Việt Nam về chủ đề BĐKH, trong đó có giảm phát thải các-bon. Nội dung và liều lượng thông tin về vấn đề này đã trở thành dòng chủ lưu trên nhiều báo đài.

Chúng ta thấy rõ các cơ quan báo chí trong cả nước đã vào cuộc rất tích cực vì cam kết giảm phát thải carbon không chỉ là xu hướng chung của thế giới mà còn là vấn đề có tính sống còn của đất nước ta - một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH cả về môi trường thiên nhiên lẫn phát triển kinh tế - xã hội. Thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, mưa lũ bất thường trong năm 2024 càng hối thúc chúng ta phải hành động quyết liệt hơn trong việc chuyển đổi xanh. Thêm sức ép về các tiêu chí khắt khe của nhiều nước, nếu không giảm phát thải các-bon, chúng ta sẽ khó có thể xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực sang các nước đó.

Vì thế, báo chí không chỉ cung cấp thông tin, tổ chức sự kiện, thực hiện các tuyến đề tài về giảm phát thải các-bon mà cần đầu tư nhiều hơn, sâu hơn, cụ thể hơn về những chủ trương, chính sách lớn cùng những hành động thiết thực. Câu chuyện về chương trình một triệu cây xanh của ông hội đồng Khoa ở TP.HCM trên Báo Tuổi Trẻ ngày 9/6/2024 là một dẫn chứng sinh động về sự tham gia tự nguyện của cá nhân và cộng đồng trong mục tiêu “Vì Việt Nam Xanh”, đặc biệt là vì “Trường Sa Xanh”. Báo chí cần tìm kiếm, phát hiện và phát triển tiếp những câu chuyện có ý nghĩa như vậy.

Bên cạnh phát huy những giá trị của phương thức truyền thông truyền thống, hiện chúng tôi đang tập trung triển khai theo tinh thần báo chí giải pháp cho vấn đề lớn và dài hạn. Đó là quan điểm và phương thức truyền thông hiệu quả, khác biệt mà Tuổi Trẻ và Green Media Hub đã thực hiện trong 2 năm qua.

Không dừng lại ở cách làm báo chí thực trạng như mô tả, phản ánh, tường thuật các sự kiện, vấn đề về BĐKH, giảm phát thải các-bon, chúng tôi luôn tìm kiếm góc nhìn, cách tiếp cận vấn đề, sự kiện theo hướng tìm lối ra, cách giải quyết để góp phần thúc đẩy việc thực hiện cam kết giảm phát thải.

Chúng tôi không nói chung chung mà đi tìm câu chuyện hay, nhân vật tâm huyết, hành động vì cộng đồng như cách mà tổ chức Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (Pro Việt Nam) đã làm để cùng thực hiện các chuyên đề truyền thông thiết thực, hiệu quả. Bởi lẽ, Pro Việt Nam đặt ra mục tiêu rất cụ thể: “Đến năm 2030, tất cả bao bì do các thành viên trong liên minh đưa ra thị trường đềuđược thu gom và tái chế” nhằm thực hiện sứ mệnh “thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”. Có thể còn có nhiều tổ chức và cá nhân khác trong cả nước đã và đang thực hiện những chương trình, dự án như Pro Việt Nam rất cần báo chí phát hiện và truyền thông rộng rãi hơn nữa.

Tới đây, để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn thực sự có hiệu quả, theo tôi, các cơ quan báo chí và các nhà báo cần tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn với tư cách người trong cuộc, chứ không chỉ với tư cách người quan sát hay người đưa tin.

Chúng ta phải thấy rằng không thể dừng lại ở công việc làm báo đơn thuần để phản ánh, tường thuật… mà phải cùng hành động với cộng đồng dân cư, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã và đang trực tiếp chuyển đổi xanh.

Báo chí xắn tay vào làm để thấy rõ thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức của quá trình chuyển đổi này thì mới đủ chất liệu làm nên những bài báo, chuyên đề, chiến dịch truyền thông thuyết phục. Từ đó, báo chí góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng, hiến kế giải pháp cho các đối tác và tham gia xây dựng, phản biện chủ trương, chính sách phù hợp với sự phát triển kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn một cách có hệ thống và khả thi trước mắt và lâu dài.

Ông Vũ Kiên Cường - Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh):

Xanh từ nhận thức xanh sang hành động

z5480991067203_47e777a580cd7f20fcf3d249e50e5028.jpg
Ông Vũ Kiên Cường -
Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh)

Chúng ta đã từng rất tự tin trước quan niệm du lịch là “ngành công nghiệp không khói”. Sự tự tin đó từng trở thành tấm thẻ môn bài cho du lịch phát triển một cách vô tư trước hệ lụy để lại cho môi trường, nặng nhất trong số đó là xả thải.

Nhận thức sâu sắc vấn đề này, từ hơn 10 năm trước, Quảng Ninh đã sớm xây dựng chiến lược phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Trong đó, Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 24/5/2013) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, xác định: Phát triển du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm;… chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Là một phần quan trọng trong mục tiêu phát triển của tỉnh Quảng Ninh và TP. Hạ Long, trong bước chuyển động hòa cùng dòng chảy xanh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long còn đồng thời là cơ quan vận hành và chịu sự giám sát cao theo tiêu chuẩn quốc tế về quản lý, bảo tồn song song với phát huy các giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh trên nguyên tắc di sản là nền tảng, những năm qua, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp xanh hóa du lịch, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là quản lý, xử lý xả thải từ hoạt động của con người và phương tiện.

Với trên 500 tàu khách du lịch lớn, đồng bộ và hiện đại nhất cả nước, được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Sở Du lịch Quảng Ninh đã xây dựng tiêu chí “Cánh buồm xanh” áp dụng cho tàu thủy du lịch trên vùng vịnh. “Cánh buồm xanh” là những con tàu nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng, góp phần bảo vệ di sản, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương để phát triển du lịch bền vững.

Mới đây nhất, Essence Grand Halong Bay Cruise I - công trình “xanh” mang sứ mệnh bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới đã thực hiện hải trình đầu tiên vào vịnh Hạ Long. Yếu tố “xanh” không chỉ ở tiện nghi hay nội thất sang trọng, mà còn là vật liệu cấu thành thân thiện với môi trường và có khả năng tái chế cao; tiết kiệm năng lượng trong quá trình vận hành; hệ thống quản lý chất thải, quản lý ô nhiễm tiếng ồn hiện đại; tuần hoàn chất thải ngay trong hải trình. Bằng việc xanh hóa hành trình vì một Hạ Long xanh, Essence Grand Halong Bay Cruise I đã thành công trong hiện thực hóa mục tiêu du lịch “xanh” trong lòng di sản.

Liên quan đến mục tiêu giảm rác nhựa, từ năm 2019, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” với nội dung không mua, bán và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần. Bằng nỗ lực tuyên truyền, giám sát và xử lý của cơ quan chức năng, 100% tàu du lịch đã ký cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; đưa vào điều khoản ràng buộc tại các hợp đồng và điều kiện phục vụ, áp chế tài xử phạt hoặc từ chối phục vụ trong trường hợp vi phạm.

Hoạt động thu gom rác trên vịnh được duy trì thường xuyên; Các tuyến, điểm du lịch được lắp đặt thùng rác nổi và thùng rác phân loại; Những ngày chủ nhật xanh cùng du khách dọn rác trên vịnh được triển khai...

Nước thải từ các phương tiện được áp dụng công nghệ tách dầu phân ly trước khi thải ra môi trường vịnh, một số tàu hiện đại và Essence Grand Halong Bay Cruise I áp dụng công nghệ tuần hoàn nước trong quá trình vận hành; tại các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long, Ban Quản lý đang duy trì hiệu quả công nghệ Jokaso xử lý nước thải;…

Đã có một sự chuyển động mạnh mẽ từ nhận thức thành hành động, từ cán bộ đến người dân, du khách, từ trong nước đến các tổ chức quốc tế… Những nỗ lực này đã nhận được sự đánh giá cao của chuyên gia từ các tổ chức quốc tế UNESCO, IUCN. Bằng việc được Bộ Ngoại giao Việt Nam và Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) chọn là địa điểm tổ chức ngày châu Âu về môi trường vừa qua, thêm một lần chứng minh công cuộc xanh hóa du lịch Hạ Long đã ghi nhận những thành quả giá trị, đó sẽ là lời giải cho bài toán cân bằng mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vịnh Hạ Long với phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam:

Giảm phát thải trong nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng

s.-phung-ha-pho-chu-tich-kiem-tong-thu-ky-hiep-hoi-phan-bon-viet-nam.jpg
TS. Phùng Hà -
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam

Nông nghiệp là ngành phát sinh các khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai (sau ngành năng lượng), tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực trồng lúa, chăn nuôi, quản lý đất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Các loại khí nhà kính phát thải chính trong nông nghiệp, gồm: N2O, CH4 và CO2, chiếm khoảng 13 - 14% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Trong đó, phát thải N2O chiếm khoảng trên 30% lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, chủ yếu do sử dụng phân đạm urea dư thừa… Do vậy, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng là nhiệm vụ quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong ngành phân bón phải bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và sử dụng phân bón. Trong sản xuất nông nghiệp và sử dụng phân bón, áp dụng 4 đúng trong sử dụng phân bón bao gồm (đúng loại, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách), tăng cường tỷ lệ nông nghiệp hữu cơ là một trong những giải pháp lựa chọn phù hợp để giảm phát thải, vì sử dụng nguyên liệu đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) hợp lý, ít phát thải ô nhiễm, sử dụng các chất hữu cơ để đảm bảo độ phì nhiêu cho đất, giúp nâng cao khả năng chống chịu của cây trồng với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, nông nghiệp chính xác cung cấp một loạt các công nghệ giám sát giúp nông dân sử dụng chính xác chủng loại và lượng phân bón.

Đối với lĩnh vực sản xuất phân bón, nhiều doanh nghiệp đã tích cực chuyển đổi sản xuất, có các biện pháp giảm đáng kể lượng khí thải các-bon trong sản xuất và liên tục nỗ lực để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Một số công ty phân bón đã bước đầu thực hiện các phương pháp sản xuất phân bón “xanh hơn”, bao gồm cung cấp năng lượng cho quy trình sản xuất bằng các nguồn năng lượng tái tạo hoặc chuyển đổi theo hướng nghiên cứu sản xuất đa dạng sản phẩm, bổ sung vào phân bón nhiều chất đa, vi lượng hữu ích giúp nâng cao hiệu quả của phân bón. Điển hình như các sản phẩm phân bón chứa amonisulphat, amoni nitrat, KNO3, K2SO4... thay thế phân urê dùng bón cho đất bị nhiễm mặn. Các công ty sản xuất urea tại nước ta đã thực hiện các dự án thu hồi CO2 từ ống khói vừa sử dụng là nguyên liệu để tổng hợp urea vừa giảm lượng khí CO2 phát thải vào bầu khí quyển.

Tôi cho rằng, để tạo bước chuyển xanh, bền vững cho ngành phân bón trong nước nhằm giảm hiệu ứng nhà kính, điều nên làm là phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong việc sản xuất và sử dụng phân bón. Ngành nông nghiệp Việt đang đứng trước thời cơ thích hợp nhằm tham gia vào bước chuyển này, tuy có những thách thức trong thời gian đầu nhưng sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Đặc biệt, phân bón là 1 trong 4 ngành được dự báo sẽ chịu nhiều tác động khi EU áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) vào ngày 1/1/2026, tiếp theo Vương quốc Anh và các quốc gia khác sẽ áp dụng CBAM đối với nhiều ngành, trong đó có ngành phân bón.

Ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM):

Tuân thủ bảo vệ môi trường không chỉ là nghĩa vụ “phải làm”

nguyen-huu-tu-pho-tgd-tap-doan-hoad-chat(1).jpg
Ông Nguyễn Hữu Tú -
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM):

Xác định phát triển bền vững chính là cách nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp trên thương trường, giúp doanh nghiệp xây dựng giá trị bền vững lâu dài, đồng thời, tạo ra những tác động tích cực cho môi trường và xã hội.

Điều này được nêu rất rõ trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 với quan điểm phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp hóa chất, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn… Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất cần xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp; ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng xanh, thân thiện với môi trường. Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cũng cần có những hỗ trợ ưu đãi về tài chính, tìm đầu ra cho các sản phẩm được tái chế cho các doanh nghiệp.

VINACHEM xác định “Ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn”. Thời gian qua, Tập đoàn đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường, kiểm soát phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật có liên quan, góp phần cùng Việt Nam thực hiện thành công cam kết Net Zero vào năm 2050.

Cụ thể, VINACHEM ưu tiên phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất. Chẳng hạn nhằm triển khai các giải pháp thu hồi và lưu giữ các-bon, các đơn vị thành viên có phát sinh lượng khí nhà kính lớn như Đạm Ninh Bình và Công ty CP Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc đã đầu tư hệ thống thu hồi khí CO2 (dạng rắn, lỏng) phục vụ cho các ngành công nghiệp khác… Một số đơn vị trực thuộc đã sử dụng phế phẩm nông nghiệp như trấu, củi trấu, củi mùn cưa để làm nhiên liệu vận hành nồi hơi phục vụ sản xuất trong công nghiệp; một số có các giải pháp tiết kiệm điện như nâng cao hiệu suất động cơ điện, chuyển dần chiếu sáng bằng LED tiết kiệm điện, giảm ô nhiễm môi trường.

Đến nay, việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam không chỉ là nghĩa vụ “phải làm” mà đã trở thành động lực, cơ hội để các doanh nghiệp ngành hóa chất tái cơ cấu lại quy mô, chuyển đổi theo hướng xanh - sạch và phát triển bền vững.

Thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu, tài nguyên; tiếp cận công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm định mức tiêu hao, tăng sức cạnh tranh bền vững. Đồng thời tập trung đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm mới.

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA):

Hành động để “tồn tại” và phát triển trong thế giới trung hòa các-bon

ong-nghiem-xuan-da-chu-tich-hiep-hoi-thep-viet-nam.jpg
Ông Nghiêm Xuân Đa -
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)

Cùng với xi măng và hóa chất, thép là 1 trong 3 ngành phát thải khí nhà kính lớn của thế giới, phải chịu trách nhiệm cho 8% phát thải toàn cầu. Theo tính toán của chuyên gia, ngành thép chịu trách nhiệm cho 7 - 9% tổng lượng phát thải quốc gia và chiếm khoảng 46% quá trình công nghiệp.

Do vậy, ngành thép buộc phải đi đầu trong sự thay đổi này để đáp ứng xu hướng xanh hóa toàn cầu, mặc dù như chúng ta đều biết, thách thức giảm phát thải của ngành thép là cực kỳ to lớn.

Thời gian qua, ngành thép Việt Nam đã từng bước nỗ lực chuyển đổi, tối ưu hóa công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tận dụng nhiệt thừa trong quá trình sản xuất để phát điện... Tuy nhiên, do sản xuất thép vẫn sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch nên lượng phát thải khí CO2 ra môi trường rất lớn.

Trong xu hướng xanh hóa toàn cầu hiện nay, các nỗ lực cam kết đạt được phát thải ròng bằng “0” của các quốc gia và sự hợp tác quốc tế đang tạo ra sức ép chuyển đổi lớn trong các ngành sản xuất thép. Ngoài việc phải chi trả phí quyền phát thải các-bon ngày càng tốn kém, quá trình chuyển đổi này sẽ phát sinh nhu cầu thép xanh. Đây thực sự là bài toán hóc búa không chỉ cho ngành thép Việt Nam mà cho cả ngành thép thế giới.

Đồng thời, phải nhanh chóng chuyển đổi bằng cách áp dụng các công nghệ luyện kim mới nhất để giảm phát thải CO2. Song song đó, áp dụng tiến bộ của công nghệ thông tin để chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào nhà máy thông minh (smart factory) để tối ưu hóa sản xuất và giảm phát thải CO2.

Để có một cuộc “lột xác” thành công trong ngành thép, tôi cho rằng chúng ta vẫn phải kịp thời hành động để “tồn tại” và phát triển trong thế giới trung hòa các-bon.

Như Hoa