Tài nguyên

Sớm hoàn thiện danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng

Mai Đan 21/06/2024 - 14:04

(TN&MT) - Sáng 21/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên có buổi làm việc với Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam để nghe báo cáo về việc hoàn thiện danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng.

_mg_8250.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Luật Khoáng sản năm 2010 không có quy định khoáng sản chiến lược, quan trọng. Tại dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản đang trình Quốc hội cho ý kiến, tại khoản 14 Điều 3 quy định “Khoáng sản chiến lược, quan trọng là khoáng sản thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước”.

Theo Phó Cục trưởng Trần Phương, Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 334/QĐ-TTg năm 2023 đặt mục tiêu cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản quốc gia đối với một số khoáng sản chiến lược, quan trọng, quy mô lớn làm cơ sở phát triển bền vững kinh tế - xã hội; ưu tiên thăm dò các mỏ quặng ẩn sâu đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến đối với các khoáng sản có quy mô lớn.

Chiến lược chỉ rõ, về định hướng phát triển, sẽ tiếp tục đánh giá tổng thể tiềm năng các khoáng sản chiến lược, quan trọng gồm: Đất hiếm, khoáng sản phóng xạ (urani-thori), kim loại hiếm (liti, berili, coban), kim loại đang thiếu hụt (vàng, thiếc-wolfram, đồng, niken), các khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và các khoáng sản bổ sung thay thế cát, sỏi lòng sông.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định một số mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể trong việc điều tra cơ bản địa chất khoáng sản đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Từ nội dung trên, Cục Khoáng sản Việt Nam đề xuất danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng của Việt Nam là: Đất hiếm, khoáng sản phóng xạ (urani-thori), kim loại hiếm (liti, berili, coban), kim loại đang thiếu hụt (vàng, thiếc-wolfram, đồng, niken), các khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và các khoáng sản bổ sung thay thế cát, sỏi lòng sông.

_mg_8211.jpg
Ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam báo cáo tại cuộc họp

Theo ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, tên gọi phù hợp nhất cho loại khoáng sản được hình thành và quản lý trong các liên minh khoáng sản và chuỗi cung ứng toàn cầu khoáng sản thô thường được gọi là “khoáng sản chiến lược” (strategic minerals) hoặc “khoáng sản quan trọng” (critical minerals).

Khoáng sản chiến lược là các khoáng sản có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia và sự phát triển kinh tế. Chúng thường được sử dụng trong các ngành công nghiệp then chốt như quốc phòng, năng lượng, công nghệ cao và y tế. Ví dụ điển hình bao gồm uranium, lithium, cobalt, và các nguyên tố đất hiếm.

Khoáng sản quan trọng là những khoáng sản mà sự thiếu hụt hoặc gián đoạn trong chuỗi cung ứng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và các ngành công nghiệp quan trọng. Danh mục này thường được các quốc gia và tổ chức quốc tế xác định dựa trên tầm quan trọng của khoáng sản đối với các ngành công nghiệp chiến lược và khả năng tiếp cận nguồn cung

Tính chất chung của khoáng sản chiến lược và khoáng sản quan trọng là có giá trị kinh tế cao. Các khoáng sản này thường có giá trị kinh tế lớn và có nhu cầu cao trên toàn cầu. Một điểm chung nữa là khó khăn trong khai thác, chúng thường có trữ lượng hạn chế và khai thác phức tạp, đôi khi tập trung ở một số ít quốc gia.

Ngoài ra, khoáng sản chiến lược và khoáng sản quan trọng đều quan trọng cho công nghệ cao. Rất nhiều khoáng sản trong danh mục này là thành phần không thể thiếu trong sản xuất công nghệ cao như pin lithium-ion, chất bán dẫn, và năng lượng tái tạo.

“Việc gọi tên các khoáng sản trong bối cảnh liên minh khoáng sản và chuỗi cung ứng toàn cầu là khoáng sản chiến lược hoặc khoáng sản quan trọng là phù hợp nhất, phản ánh đúng vai trò và tầm quan trọng của chúng trong nền kinh tế và an ninh quốc gia”, Cục trưởng Trần Bình Trọng khẳng định.

Ngoài ý kiến góp ý của Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, một số ý kiến khác cũng trao đổi, thảo luận về định nghĩa, khái niệm của khoáng sản chiến lược, quan trọng; việc lập danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng nên rà soát kỹ, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới…

_mg_8240.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đề nghị Cục Khoáng sản Việt Nam phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để rà soát, hoàn thiện danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng.

Thứ trưởng đánh giá cao việc hai đơn vị đã phối hợp thực hiện báo cáo về việc hoàn thiện danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng, trong đó dẫn chứng danh mục khoáng sản thiết yếu của một số nước cụ thể như Úc, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị bổ sung thêm thông tin, số liệu đầy đủ về khoáng sản chiến lược, quan trọng của một số quốc gia khác.

Mai Đan