Xây dựng huyện nông thôn mới: Yên Bình nỗ lực bứt phá
(TN&MT) -
Những ngày này, trên khắp các tuyến đường giao thông nông thôn của huyện Yên Bình đều ngập sắc cờ hoa, người dân ai đấy đều phấn khởi hướng về ngày lễ, “Lễ công bố huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040” sẽ được tổ chức vào tối ngày 22/6. Yên Bình trở thành huyện nông thôn mới thứ hai của tỉnh Yên Bái, là huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Quyết tâm gỡ khó
Ngược dòng thời gian, trước đây huyện Yên Bình có xuất phát điểm các tiêu chí nông thôn mới thấp, bình quân đạt 4,8 tiêu chí/xã, quy mô kinh tế nhỏ, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 30%.
Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp
Đứng trước những khó khăn đó, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của Trung ương, của tỉnh bằng các nghị quyết, đề án, chuyên đề phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Theo đó, huyện Yên Bình xác định phương châm hành động phải “Đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, hiệu quả” trên quan điểm chỉ đạo “Không có gì là không thể, phải quyết tâm tìm cách để làm”. Qua đó, đã phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Bí thư Huyện ủy Yên Bình An Hoàng Linh cho biết: Hằng năm, Thường trực Huyện ủy đều làm việc, ban hành kết luận định hướng các mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới làm cơ sở để UBND huyện ban hành kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bảo đảm thực chất, bền vững, thống nhất, đồng bộ, chất lượng, hiệu quả, trong toàn Đảng bộ.
Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Ban Chỉ đạo huyện đã tập trung vận động nguồn lực từ các tập đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ 39 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; sửa chữa, làm mới 681 nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, tạo sinh kế, công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân làm nhiệm vụ trung tâm, cốt lõi, gắn với huy động sự vào cuộc, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và vai trò chủ thể của người dân để từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Huyện Yên Bình đã triển khai bài bản, nề nếp phong trào “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” với trên 750 buổi, gần 10.000 lượt cán bộ đảng viên, cán bộ công chức, viên chức tham gia kiên cố hóa được trên 400 km đường giao thông nông thôn... Nhờ đó, giúp cán bộ được đồng hành, gắn bó, chia sẻ, cùng bàn và cùng làm với nhân dân. Từ đó, phong trào đã khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong cán bộ, đảng viên và được nhân dân đánh giá cao.
“Trong những năm gần đây, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng vào các ngày cuối tuần cán bộ từ huyện đến cơ sở gần như không có ngày nghỉ. Người dân trong xã chúng tôi rất nhiều lần được tham gia trồng hoa, trồng cây và dọn dẹp vệ sinh cùng lãnh đạo huyện. Như vậy, chúng tôi cảm thấy giữa cán bộ và người dân không còn khoáng cách tạo sự gần gũi và phấn khởi cho người dân”, đó là những chia sẻ của bà Trần Thị Phúc – Thôn Đức Tiến, xã Yên Bình.
Cùng với đó, huyện thành lập 3 đoàn công tác do đồng chí Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND huyện là trưởng đoàn, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy là phụ trách xã làm phó đoàn thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các xã, bảo đảm tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền, vận động, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ hiến đất, tài sản trên đất, bàn giao mặt bằng thi công dự án nâng cấp, mở rộng đường Yên Thế - Vĩnh Kiên và dự án nâng cấp, mở rộng đường Yên Bình - Bạch Hà - Vũ Linh cùng rất nhiều dự án giao thông nông thôn, nhà văn hóa, công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn để dự án khởi công đúng tiến độ, góp phần chỉnh trang khu trung tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Mùa quả ngọt
Với quyết tâm và nỗ lực vượt khó, đến nay diện mạo nông thôn của huyện Yên Bình thay đổi vượt bậc, kinh tế tăng trưởng khá, sản xuất phát triển, thu nhập của nhân dân được nâng cao. Huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tại Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 06/02/2024, trở thành huyện nông thôn mới thứ hai của tỉnh Yên Bái.
Diện mạo nông thôn thay đổi vượt bậc, kinh tế tăng trưởng khá, sản xuất phát triển, thu nhập của nhân dân được nâng cao. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện Yên Bình đạt trên 53 triệu đồng; chỉ số hạnh phúc của người dân đạt gần 70%, tăng trên 16% so với năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện còn 7,5%. Truyền thống văn hóa được gìn giữ và phát huy; chất lượng giáo dục, y tế được nâng cao; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; an ninh trật tự được đảm bảo; người dân được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất, tinh thần.
Sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng, các vùng sản xuất quy mô lớn được hình thành, duy trì có hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thu nhập cao: Bưởi Đại Minh, chè xanh Hán Đà, gạo Bạch Hà, cá hồ Thác Bà, lợn thịt, cây dược liệu, măng tre Bát Độ…Công tác tổ chức sản xuất được quan tâm phát triển, có nhiều hợp tác xã, nhất là hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được thành lập, hoạt động có hiệu quả, ổn định góp phần giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo vươn lên khá, giàu.
Giao thông nông thôn có bước chuyển mạnh mẽ, toàn huyện có 100% các tuyến đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện với tổng chiều dài trên 265km đã được rải nhựa (tăng 105 km so với năm 2011); gần 90% các tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa (có khoảng gần 10% bề mặt đường rộng tối thiểu 5 mét) đạt tiêu chuẩn, phù hợp với quy hoạch, kết nối đồng bộ với trung tâm các xã, thị trấn, đưa Yên Bình liên tục nhiều năm là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh trong thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn.
Cùng với đó, đời sống tinh thần của người dân dần được nâng lên, Trung tâm Văn hóa và thể thao huyện có hệ thống cơ sở vật chất khang trang, có hội trường đa năng được trang bị đầy đủ thiết bị; các công trình phụ trợ như sân khấu trong nhà, khu triển lãm, biểu diễn ngoài trời; khu dịch vụ, vui chơi giải trí, vườn hoa đều đảm bảo tiêu chuẩn.
Huyện có một sân vận động khá hiện đại với sức chứa 1.600 chỗ ngồi và một nhà thi đấu khang trang với sức chứa 1.000 chỗ ngồi đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn các xã, thị trấn. Toàn huyện đã thành lập được 39 câu lạc bộ thể dục thể thao, 32 câu lạc bộ văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao cùng rất nhiều câu lạc bộ văn hoá văn nghệ dân gian, đội văn nghệ quần chúng...
Có thể thấy, đấy là những kết quả xứng với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình trong những năm qua.
Đây là tiền đề vững chắc để Yên Bình phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới có kinh tế - xã hội phát triển khá; đến năm 2030 trở thành huyện nông thôn mới nâng cao.