Đất đai

Thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) gỡ vướng đất đai tại các dự án: Khơi thông nguồn lực tạo đà phát triển

Đông Duy 21/06/2024 - 11:32

(TN&MT) - Nhiều năm qua, với vai trò là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc tỉnh Quảng Nam, thị xã Điện Bàn có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 14,04%/năm, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trên đà phát triển của mình, Điện Bàn phải đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt liên quan đến việc triển khai các dự án trong các cụm công nghiệp (CCN), phát triển đô thị…

Vướng mắc về giải phóng mặt bằng

Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, địa phương đang triển khai công tác GPMB 23 dự án trong các CCN, 67 dự án đầu tư công và 62 dự án thuộc đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Đến nay đã có nhiều dự án được bàn giao hoặc bàn giao một phần cho Chủ đầu tư triển khai các thủ tục giao đất và thi công xây dựng đảm bảo tiến độ. Đặc biệt là các dự án trọng điểm như: Nạo vét khơi thông sông Cổ Cò; Nâng cấp, cải tạo tuyến đường ĐT.608; xây dựng Hồ chứa nước Lai Nghi; đường ĐH7; đường 773,… Ngoài ra, có một số dự án trong CCN đã bàn giao cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục thuê đất đầu tư như: 2 lô của Công ty Thế giới nhà tại CCN Nam Dương; dự án của Công ty Khang Hy và Công ty bao bì carton Hồng Đào tại CCN Thương Tín; các lô B6, B7, B8, B9 tại CCN Trảng Nhật 2; các lô B1, B2, B3, B5 tại CCN Cẩm Sơn,…

z5536678479496_2be1e3e4ea289522bcc70cdd60c6da34.jpg
Nhiều cụm Công nghiệp tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) chưa thể phát huy được vai trò phát triển kinh tế - xã hội vì vướng giải phóng mặt bằng

Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại vướng mắc kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến quá trình phát triển đô thị và thu hút đầu tư của thị xã. Theo đó, việc áp dụng giá đất cụ thể để lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) hiện nay còn nhiều bất cập do giá đất bồi thường tại một số dự án còn thấp, chưa sát với với giá thực tế người dân chuyển nhượng làm cho người dân không thống nhất với phương án bồi thường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, việc bố trí tái định cư cho những hộ giải tỏa trắng còn nhiều hạn chế. Những hộ có diện tích đất ở bị thu hồi lớn nhưng số lô, diện tích bố trí lại không tương xứng với diện tích thu hồi. Hay những hộ khi nhà nước thu hồi đất nhưng còn đất ở tại nơi khác trên địa bàn xã, phường nơi có đất thu hồi thì không được bố trí tái định cư hoặc chỉ có thể xem xét cấp một lô với diện tích tối thiểu tại khu tái định cư và phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá đất tái định cư,…

Cùng với đó, nhiều vướng mắc cũng xuất hiện như đơn giá bồi thường cây cối, hoa màu còn thấp; công tác xét nguồn gốc đất còn nhiều bất cập; nhiều dự án đã hết tiến độ và chưa được gia hạn, không có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm thì phải ngừng triển khai công tác GPMB,…

Đơn cử như tại CCN Cẩm Sơn, mặc dù đã có chủ trương đầu tư từ năm 2017 nhưng dự án đường trục chính của CCN này chưa thể triển khai vì không có mặt bằng. Vướng mắc là do chưa xác định được vị trí bố trí tái định cư cho các hộ đầu tuyến và vấn đề khó vận động được người dân di dời mồ mả. Hay tại các lô CN2, CN3, CN4, CN5, CN6 thuộc CCN Thương Tín, còn nhiều hộ dân chưa chịu nhận tiền bồi thường, trong đó vướng đền bù mồ mã giá thấp và vướng không đền bù đất nông nghiệp,…

Giải phóng nguồn lực đất đai để tạo đà phát triển

Ông Nguyễn Xuân Hà nhận định, trên địa bàn thị xã hiện nay có nhiều dự án đã và đang tiến hành đầu tư xây dựng, bước đầu đã tạo ra và hình thành nên bộ mặt nông thôn mới, các KCN, CCN, Khu đô thị mới, các tuyến đường huyết mạch… tạo động lực thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại du lịch, dịch vụ. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế của thị xã theo hướng Công nghiệp hóa - hiện đại hóa, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Do vậy, công tác GPMB có ý nghĩa hết sức quan trọng, là khâu mang tính quyết định và được Đảng bộ và nhân dân thị xã Điện Bàn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm.

anh-1-4.jpg

Để tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác GPMB, trong thời gian qua thị xã đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như thành lập Ban chỉ đạo công tác bồi thường GPMB, thường xuyên tổ chức họp giao Ban để nghe báo cáo tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, các dự án trong CCN để đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Phối hợp với các sở, nghành có liên quan rà soát, phân nhóm các dự án chậm tiến độ, để có phương án tháo gỡ cụ thể. Đề xuất gia hạn dự án và đăng ký bổ sung kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo cơ sở triển khai thực hiện GPMB.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chủ trương thu hồi đất, giải thích cho nhân dân hiểu rõ về hiệu quả thiết thực của dự án và tầm quan trọng của công tác GPMB đối với quá trình phát triển đô thị và thu hút đầu tư của thị xã. Chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, tăng cường kiểm tra, xử lý đối với tình trạng xây dựng trái phép, đặc biệt là những khu vực trong quy hoạch, có dự án…

Đông Duy