Kinh tế

Thành phố Hạ Long: Giữ vững địa bàn an toàn, ổn định để phát triển kinh tế

Đỗ Trường 21/06/2024 - 11:31

(TN&MT) - 6 tháng đầu năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND; sự quyết tâm, sáng tạo, triển khai kế hoạch có trọng tâm của các địa phương, ban, ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cơ bản giữ vững địa bàn an toàn, ổn định để phát triển kinh tế.

Những kết quả tích cực

Năm 2024, TP. Hạ Long xác định vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP bền vững hai con số khi quy mô nền kinh tế trong năm 2023 đã ở mức cao, vừa phải tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài và kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách mới phát sinh.

z5542528747466_ddfe14d50822b42b6ef74fe69882d697.jpg

Ngay từ đầu năm 2024, UBND TP. Hạ Long đã tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 77-NQ/TU ngày 12/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; Nghị quyết số 148/NQ-HĐND ngày 19/12/2023 của HĐND thành phố Hạ Long về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2024. Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền thành phố, sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của MTTQ, các đoàn thể, cùng với niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân và doanh nghiệp, tình hình phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thành phố đã chỉ đạo xây dựng và ban hành các Kế hoạch chuyên đề, các sự kiện văn hóa xã hội chào mừng các dịp lễ lớn, các sự kiện kích cầu du lịch năm 2024, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu hút ít nhất 9,5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt từ 21.000 tỷ trở lên.

Quản lý chặt chẽ tài nguyên, khoáng sản

Về công tác quản lý đất đai, thành phố đã hoàn thành công tác thống kê đất đai năm 2023 và triển khai công tác thống kê, kiểm kê đất đai năm 2023; Hướng dẫn UBND cấp xã, phường trong việc thực hiện giao đất xen kẹt trong khu dân cư và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong kỳ, cấp 1.118 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), trong đó cấp đổi, cấp lại 1.050 GCN, giao đất 68 hồ sơ. Tiếp nhận giải quyết có kết quả từ ngày 1/1/2024 đến ngày 9/6/2024 là 8.822 hồ sơ đăng ký sử dụng đất và chỉnh lý biến động về sử dụng đất. Ước đến 30/6/2024, tổng số hồ sơ đã tiếp nhận giải quyết có kết quả là 10.003 hồ sơ.

z5542528747793_bd27adc6d2626d750bf2dda59d01e15a.jpg

Đối với công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, thành phố đã phối hợp tham gia thẩm tra hồ sơ gia hạn thời gian khai thác khoáng sản và 3 thủ tục đóng cửa mỏ. Thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác quản lý nhà nước thực hiện các quy định về an toàn mỏ, bãi thải trước mùa mưa bão năm 2024 đối với các doanh nghiệp ngành than nhằm đảm bảo an toàn để sản xuất, phòng chống, hạn chế tối đa các sự cố liên quan đến khai thác mỏ. Thành phố cũng tổ chức triển khai các đợt cao điểm ra quân dọn vệ sinh môi trường biển. Duy trì việc đảm bảo vệ sinh môi trường trên biển, khu vực các bãi tắm, mương, cống thoát nước, ngăn chặn rác thải trôi ra vịnh Hạ Long, vịnh Cửa Lục, đồng thời, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và nhân dân cùng vào cuộc, chung tay thu gom rác thải, bảo vệ môi trường. Tăng cường giám sát chất lượng môi trường, nguồn thải, hàng năm tổ chức lấy mẫu quan trắc trực tiếp tại 29 địa chỉ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lắp đặt, vận hành 40 trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục. Công tác tuyên truyền về tài nguyên và môi trường trên địa bàn được triển khai bằng nhiều hình thức với các chuỗi hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh thực thi pháp luật, bảo tồn đa dạng sinh học; Phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đấu nối hệ thống xử lý nước thải tại các đô thị tập trung trên địa bàn thành phố; Kiểm soát chặt các nguồn thải, nguồn gây ô nhiễm; Ngăn chặn, xử lý kịp thời nguy cơ suy thoái và ô nhiễm môi trường; Tập trung giải quyết vấn đề rác thải, nước thải...

Các nhiệm vụ trọng tâm

6 tháng cuối năm 2024, thành phố sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các kế hoạch chủ đề công tác năm 2024; Ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và giai đoạn tiếp theo. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Tỉnh ủy; Kế hoạch kích cầu du lịch thành phố Hạ Long năm 2024 đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với các đồ án quy hoạch phân khu đã báo cáo để hoàn thiện hồ sơ và trình duyệt. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra, giám sát, nhắc nhở việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 16/5/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy, Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 17/5/2023 của UBND thành phố về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Hạ Long. Triển khai có hiệu quả Đề án “Hạ Long - Thành phố của Hoa”.

Thành phố cũng tập trung thực hiện rà soát thực trạng việc giao, cho thuê đất và quản lý đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất nghĩa trang thuộc thẩm quyền cấp huyện. Phối hợp với Sở TN&MT rà soát các dự án đã giao đất chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn. Triển khai và hoàn thành công tác thống kê, kiểm kê đất đai; công tác kiểm kê hiện trạng sử dụng đất năm 2024; Phối hợp tập huấn nghiệp vụ đất đai theo Luật Đất đai 2024.

Tiếp tục triển khai phương án bảo vệ, quản lý sử dụng tài nguyên nước và phương án phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Rà soát triển khai thực hiện Quy hoạch khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt; Triển khai các nội dung thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 9/5/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản. Tiếp tục tăng cường kiểm soát chất lượng môi trường tại các khu vực nhạy cảm, có nhiều hoạt động kinh tế; các khu đô thị; hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác khoáng sản... kiểm soát chặt chẽ công tác phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn. Đồng thời, chủ động các biện pháp ứng phó với thời tiết cực đoan, mưa lớn kéo dài, áp thấp nhiệt đới, bão...

Đỗ Trường