Cát Tiên - Vườn Quốc gia đầu tiên nhận danh hiệu Danh lục xanh
Ngày 21/6, Vườn Quốc gia Cát Tiên chính thức được Liên minh bảo tồn thiên nhiên (IUCN) trao danh hiệu Danh lục xanh (Green List). Theo đó, Cát Tiên là vườn quốc gia đầu tiên và là khu bảo tồn thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu này.
Tham gia Danh lục xanh từ năm 2016, Vườn Quốc gia Cát Tiên đã dành nhiều năm nỗ lực không ngừng để tiến tới danh hiệu Danh lục Xanh IUCN. Hành trình của VQG Cát Tiên hướng tới Danh lục Xanh IUCN bắt đầu với việc đánh giá các biện pháp bảo tồn, bao gồm bảo vệ các loài đang nguy cấp và gìn giữ sự đa dạng của hệ sinh thái nơi đây. Đồng thời, vườn cũng thực hiện các dự án phục hồi giám sát đa dạng sinh học, phục hồi sinh cảnh và bảo tồn loài.
Các chương trình và sáng kiến giáo dục môi trường đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời, thành viên cộng đồng địa phương cũng tham gia vào các hoạt động bảo tồn, mang lại cho họ cơ hội phát triển sinh kế bền vững.
Phát biểu khai mạc Lễ trao chứng nhận Danh lục xanh cho Vườn Quốc gia Cát Tiên, ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết: Năm 1978, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc thành Khu rừng cấm Nam Bãi Cát Tiên, có chức năng quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ, là tiền đề cho Vườn Quốc gia Cát Tiên hiện nay.
Trải qua 46 năm hình thành và phát triển, Vườn Quốc gia Cát Tiên đang quản lý hơn 71.000 ha rừng đặc dụng, là một trong những vùng có đa dạng sinh học cao được thể hiện qua sự phong phú và đa dạng về hệ sinh thái, đa dạng về loài. Đây cũng là nơi có thành phần loài thực vật phong phú và đa dạng nhất trong các rừng đặc dụng ở khu vực Nam Bộ, với cả thực vật sống trên cạn, vùng bán ngập và vùng đất ngập nước. Đây cũng là nơi cư trú của 1.655 loài thực vật và 1.720 loài động vật, trong đó có nhiều loài nguy cấp quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam
Trong khoảng từ năm 2010 đến 2023, các nhà khoa học đã ghi nhận và công bố thêm khoảng 100 loài mới từ các nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng được biết đến là nơi có quần thể bò tót có số lượng lớn nhất tại Việt Nam, nơi duy nhất còn tồn tại quần thể cá sấu nước ngọt ngoài tự nhiên, nơi sinh sống của voi châu Á với số lượng cao thứ 2 Việt Nam, nhiều loài động vật nguy cấp đặc hữu khác còn tồn tại với số lượng lớn…
Theo đó, việc được công nhận Danh lục xanh được coi là kết quả của nỗ lực bảo tồn đúng hướng và kiên trì của cả tổ chức chính trị trong nước và sự hỗ trợ từ quốc tế. Danh lục xanh sẽ là một bộ tiêu chuẩn, thước đo, giúp vườn tăng cường quản trị nội bộ và năng lực giám sát.
Tiếp lời ông Phạm Xuân Thịnh, ông Jake Brunner, Giám đốc IUCN Khu vực Hạ lưu sông Mekong gửi lời chúc mừng tới những kết quả mà Vườn Quốc gia Cát Tiên đạt được sau hành trình nhiều năm đầy nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học.
Kết quả này cho thấy các vườn quốc gia và khu bảo tồn là minh chứng rõ ràng nhất về hiệu quả quản lý tốt trong công tác bảo tồn. Trong đó, lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng, nhóm bảo vệ rừng vô cùng quan trọng, 90% thành công nhờ các nhóm này.
Theo đó, ông Jake Brunner cho biết IUCN sẽ tiếp tục hỗ trợ các vườn quốc gia và khu bào tồn khác của Việt Nam đăng ký tham gia chương trình Danh lục xanh, đồng thời cam kết duy trì các khoản đầu tư đáng kể để hỗ trợ Việt Nam trong nõ lực bảo tồn.
Thông qua quản lý các vườn quốc gia, khu bảo tồn, Việt Nam có nhiều tiềm năng phục hì môi trường sống tự nhiên và hoang dã, tạo động lực phát triển du lịch sinh thái, môi trường tự tự nhiên và phát triển kinh tế cả nước.
“Đạt được chứng nhận Danh lục Xanh không chỉ là theo đuổi một danh hiệu mà thể hiện sự cam kết lâu dài và kiên trì: Việc thu thập bằng chứng chứng minh sự tuân thủ 17 tiêu chí của bộ tiêu chuẩn là điều rất phức tạp. Thực tế, hai trong ba danh hiệu Danh lục Xanh ở Đông Nam Á thuộc về Việt Nam (KBT Thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long được công nhận năm 2021). Điều này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao tiêu chuẩn quản lý các Khu bảo tồn. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với các khu bảo tồn khác để hoàn thiện hồ sơ Danh lục Xanh cho tới cuối năm 2025", ông Jake Brunner chia sẻ.
Tham dự sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết Việt Nam nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình chia cắt hình thành nhiều hệ sinh thái mang tính chất đặc hữu. Cụ thể, Việt Nam có khoảng 14,8 triệu ha rừng; khoảng 2,2 triệu ha rừng đặc dụng; 167 khu bảo tồn và vườn quốc gia; 4,7 triệu ha rừng phòng hộ; và 213 ban quản lý.
Để tiếp tục phát huy các kết quả bảo tồn tích cực như Vườn Quốc gia Cát Tiên đã đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị thời gian tới, Vườn Quốc gia Cát Tiên cần làm tốt hơn công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là phòng chống cháy rừng; cần ứng dụng các công nghệ tiên tiến để quản lý bảo tồn, giám sát, phòng cháy chữa cháy rừng. Thứ trướng Nguyễn Quốc Trị mong muốn các tổ chức quốc tế, các đối tác quốc tế sẽ chú trọng và hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn trong lĩnh ực này.
Theo các tài liệu, Việt Nam có hàng nghìn loài động thực vật, hệ sinh thái đặc hữu. Do đó, cần tổ chức hoạt động nghiên cứu, biến giá trị này phục vụ phát triển bền vững của đất nước, địa phương, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn thế giới. Cuối cùng, dựa trên những kết quả đạt được, Thứ trường Nguyễn Quốc Trị đề nghị thời gian tới, Vườn Quốc gia Cát Tiên cần định hướng “lấy rừng nuôi rừng” để vừa bảo đảm đa dạng sinh học, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao sinh kế và đời sống cho người dân.
Danh lục Xanh IUCN là một bộ Tiêu chuẩn toàn cầu nhằm ghi nhận các KBT đã đạt được các kết quả bảo tồn thiên nhiên thành công. Bộ tiêu chuẩn này cung cấp quy trình xác minh đảm bảo, trao chứng nhận cho những khu vực đáp ứng và duy trì được 17 tiêu chí và 50 chỉ số, được chia thành 04 lĩnh vực: quản trị tốt; thiết kế và lập kế hoạch tốt; quản lý hiệu quả và kết quả bảo tồn thành công.
Quá trình đánh giá Danh lục Xanh được thực hiện bởi một ban chuyên gia đánh giá độc lập, với sự giám sát chặt chẽ của IUCN. Tiêu chuẩn Danh lục Xanh vẫn duy trì tính nhất quán trên toàn cầu nhưng được điều chỉnh và áp dụng theo bối cảnh địa phương. Tiêu chuẩn Danh lục Xanh được sử dụng để phân tích khoảng trống trong công tác quản trị để các nhà quản lý có thể đưa ra những giải pháp cải thiện công tác quản lý qua các kết quả hoạt động.