Xã hội

Vững bước trên con đường cách mạng

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú 21/06/2024 08:26

(TN&MT) - Nền báo chí cách mạng Việt Nam dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải kích hoạt và động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hành động tích cực vì mục tiêu cách mạng. Phải bám sâu vào thực tiễn cách mạng để hành động. Phải xem công việc hành động vì cách mạng tự nhiên thật lòng như hít thở khí trời…

Thời của 4.0

Trong thời đại toàn cầu hóa, “đối thoại văn hóa” là phương tiện được thế giới vận dụng, phát huy để tạo ra những trao đổi, chia sẻ, hợp tác, hữu nghị. Là phương tiện cơ bản của đối thoại văn hóa nên báo chí thời 4.0 được đánh giá rất cao. Với việc tổ chức diễn đàn đối thoại, là cầu nối, là sứ giả văn hóa, sứ mệnh góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội của báo chí đang được khẳng định ngày càng mạnh mẽ. Cũng trên phương diện đối thoại văn hóa, từ góc nhìn giao tiếp, có thể thấy nhà báo là người hạnh phúc vì có cơ hội được đối thoại nhiều nhất, với độc giả, với xã hội, với những vấn đề quan tâm,…

screenshot_1718351832.jpg

Nhưng 4.0 cũng đồng thời là thách thức.

Thời kỳ 4.0 là thời của tri thức thông tin nên để tạo ra đối thoại, các bên tham gia đều phải có vốn kiến thức thông tin để thực hành giao tiếp văn hóa trên cơ sở cắt nghĩa theo quan niệm mới về cái đang diễn ra “hôm nay” và cả vấn đề đã diễn ra “hôm qua” để hài hòa quá khứ - hiện tại - tương lai. Độc giả hôm nay đa dạng, thông minh, đọc rộng, hiểu sâu nên dị ứng với những bài viết một chiều, kiến văn mỏng hẹp, cái nhìn xơ cứng, cách lý giải nông cạn, không đưa ra được cách giải quyết mới, ý mới. Vì vậy, không thể khác, trong thời đại 4.0, nhà báo càng cần phải làm mới bản thân.

Cũng bởi là thời của mở cửa văn hóa nên nhà báo đồng thời phải biết về ngoại ngữ. Khó hình dung một phóng viên quốc tế, ngoài tiếng Anh lại không thể đối thoại bằng ngôn ngữ bản địa nơi mình tác nghiệp. Nhà báo còn phải “sống” trong nhiều môi trường văn hóa để phân tích, so sánh, liên tưởng thì bài viết mới sâu. Vì ngoài lượng thông tin, bạn đọc còn chờ đợi ở tác giả sự gợi dẫn về cách đánh giá, lý giải ở nhiều góc độ khác nhau.

Là những người đi tìm sự thật, nói lên sự thật nên trước vô số thông tin trên nền tảng 4.0, nhà báo cũng cần sáng suốt nhìn nhận đâu là thông tin thật để làm nhiệm vụ phản ánh sự thật. Xác nhận sự thật là trình độ còn phản ánh sự thật là bản lĩnh và lương tâm nhà báo. Khi không đủ trình độ, nhà báo có thể bị chìm trong ma trận thông tin; còn khi tự mình “bẻ cong” ngòi bút cũng tức là đã tự “bẻ cong” bản lĩnh và lương tâm. Và như vậy tức là tự mình đã làm lung lay vị trí, chỗ đứng của mình trong xã hội.

Toàn cầu hóa gắn liền với sự mở cửa, hội nhập, đón các làn gió văn hóa từ bên ngoài vào, có cả gió lành, lại có cả gió độc. “Thẩm định văn hóa” là một công việc khó khăn, phức tạp của nhà báo, phải chỉ ra cho độc giả biết cần tiếp thu văn hóa này, tránh tiếp xúc với văn hóa kia. Nhiệm vụ này đã nâng nhà báo lên tầm một nhà nghiên cứu văn hóa, theo cách riêng của nghề nghiệp, phải tìm hiểu vấn đề tận gốc rễ, phải nắm bắt tư tưởng, dư luận, thị hiếu văn hóa độc giả. Thực tế cho thấy, trong thời kỳ hội nhập, mở cửa, lợi dụng con đường “nhập khẩu văn hóa”, những kẻ xấu đang ráo riết thực hiện “diễn biến hòa bình”. Vì vậy, nhà báo phải là người cổ vũ khuynh hướng sáng tạo trên tinh thần kế thừa, tiếp thu truyền thống, kết hợp làm mới những giá trị cổ điển đáp ứng thị hiếu con người thời hiện đại nhưng phải phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Cách mạng 4.0 là cách mạng khoa học, công nghệ, kỹ thuật với những thay đổi lớn lao, do vậy, việc học tập nâng cao tri thức mới, là nhu cầu cấp thiết. Đáp ứng điều ấy, thế giới kêu gọi tạo ra một “xã hội học tập”, học suốt đời, học mọi lúc mọi nơi, nhà báo cũng không thể đứng ngoài trào lưu học tập này.

Bởi tác nghiệp trong kỷ nguyên của thông tin và tri thức đòi hỏi nhà báo phải là người giàu có về tri thức, nhạy bén nắm bắt thông tin. Triết học văn hóa hôm nay quan niệm nhà báo là cây xanh. Cây báo chí phải cắm rễ vào mảnh đất cuộc sống, vươn cao cành lá đón ánh sáng tri thức và cần cù hút dinh dưỡng văn hóa từ cuộc sống thì mới kết được trái tác phẩm báo chí có giá trị cao.

Kiên định con đường cách mạng

Hơn hết, báo chí phải phục vụ cách mạng. Đây chính là thiên chức cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam.

Báo chí cách mạng Việt Nam là nền báo chí cách mạng với nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động, hướng dẫn quán triệt và tổ chức thực hiện Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước; cổ súy cho điều thiện, cái tốt, lên án cái ác, cái xấu; giáo dục cán bộ, đảng viên và mọi người hướng tới chân - thiện - mỹ. Ngoài mục đích và thiên chức trên, báo chí cách mạng Việt Nam không có mục đích và thiên chức nào khác.

Trong bối cảnh cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, xác định được cho mình thiên chức trên đây có ý nghĩa rất quý báu đối với sự phát triển của nền báo chí Việt Nam hiện nay. Càng trong điều kiện bối cảnh mới, phức tạp, báo chí càng phải nêu cao tinh thần phục vụ cách mạng, trung thành bảo vệ vững chắc ba cột trụ: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Xã hội chủ nghĩa; Đảng Cộng sản Việt Nam.

Muốn vậy, báo chí hôm nay phải luôn tuân thủ tôn chỉ, mục đích của mình. Trong hoàn cảnh mới chịu nhiều tác động bởi cơ chế thị trường ở nước ta hiện nay, nổi lên rõ hơn cả là những thử thách cực kỳ gay gắt của lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng bởi môi trường văn hóa đạo đức đã có nhiều biến chuyển, có lúc, có nơi xấu đi, để báo chí không xa rời tôn chỉ mục đích, người làm báo phải luôn khắc cốt, ghi tâm tư cách người cách mạng, đừng vì ham muốn công danh phú quý hay vật chất mà quên đi sứ mệnh làm cho ích quốc lợi dân.

Muốn vững bước trên con đường cách mạng phải tuyệt đối không vi phạm đạo đức cách mạng. Mỗi một bản báo, mỗi một người làm báo phải luôn trau rèn đạo đức; thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn; trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tinh thần quốc tế trong sáng; xử lý đúng đắn, hợp lẽ phải ba 3 mối quan hệ cơ bản nhất của con người: Đối với người - Đối với việc - Đối với tự mình. Không được sa vào chủ nghĩa cá nhân, chạy theo thị hiếu không lành mạnh; phản bội lại tôn chỉ, mục đích của bản báo, vi phạm đạo đức của người làm báo, đi ngược lại lợi ích của Đảng, Tổ quốc, dân tộc và nhân dân; không được phép về hùa dưới mọi hình thức với các thế lực thù địch để làm tổn hại lợi ích cách mạng Việt Nam.

Phải xây dựng được hệ thống tổ chức, bộ máy phù hợp và xây dựng được đội ngũ những người làm báo có đức - tài. Hiện nay, nước ta đã xây dựng và ban hành Luật báo chí. Cần phải có tổ chức, bộ máy các cơ quan báo chí toàn quốc một cách phù hợp với Luật và thực tiễn của giai đoạn cách mạng mới. Bộ máy đó phải đáp ứng được yêu cầu của cách mạng, hướng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Cùng với đó, là xây dựng đội ngũ những người làm báo cách mạng có đủ đức - tài, trong đó đức là gốc, tài là công cụ, là vũ khí sắc bén. Đức với tài phải thường trực song hành.

Nền báo chí cách mạng Việt Nam hôm nay phải kích hoạt và động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hành động tích cực vì mục tiêu cách mạng. Phải bám sâu vào thực tiễn cách mạng hiện nay để hành động. Phải xem công việc hành động vì cách mạng tự nhiên thật lòng như hít thở khí trời. Có như vậy, báo chí mới thực sự đi con đường cách mạng vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú