Quốc hội thảo luận Tổ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản
(TN&MT) - Chiều ngày 20.6, thảo luận tại Tổ 6 (Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Nai, Hà Giang, Sóc Trăng), các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm xoay quanh Dự án Luật Địa chất và khoáng sản; Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Công khai quy hoạch một cách đầy đủ, chi tiết nhất
Theo đó, các đại biểu đều nhất trí sự cần thiết ban hành 2 dự án luật trên. Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) nêu quan điểm: Để hoàn thiện Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, cần chú trọng nội dung tiếp cận thông tin quy hoạch. Tại Điều 52 Dự thảo Luật chưa có quy định về tiếp cận thông tin quy hoạch. Hiện nay, việc đăng tải thông tin quy hoạch vẫn còn một số địa phương chưa công bố đồng đều, chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân tra cứu. Do đó, đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật quy định rõ việc công khai quy hoạch trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước phải được đăng tải đầy đủ như: quyết định, bản đồ, thuyết minh của tất cả các đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể, điều chỉnh cục bộ… Đồng thời, cần quy định bản chụp phải rõ ràng, độ phân giải đủ để nhìn rõ các thông tin trong bản đồ quy hoạch.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) đề nghị, tại Điều 37 Ban soạn thảo cần nghiên cứu xem xét bổ sung quy định việc không lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với việc lập, hoặc điều chỉnh quy hoạch các khu vực đã giải phóng mặt bằng hiện không có người dân sinh sống trong khu vực quy hoạch, để rút gọn thủ tục hành chính. Đồng thời, giao Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết về các nội dung liên quan đến công tác lấy kiến “cộng đồng dân cư”. Trong đó, làm rõ cụm từ “cộng đồng dân cư có liên quan” là “đại diện của những hộ dân dư trong khu vực ranh giới quy hoạch” hay là “bao gồm cả những hộ trong vùng quy hoạch và khu vực xung quanh khu vực lập quy hoạch”. Bên cạnh đó, làm rõ quy định rõ ý kiến cộng đồng dân cư là ý kiến tham vấn cho cơ quan có thẩm quyền quyết định hay là ý kiến mang tính quyết định nội dung lập quy hoạch, nếu là ý kiến mang tính quyết định thì rất khó khả thi để các địa phương triển thực hiện.
Về giải thích từ ngữ tại khoản 2, Điều 2, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm kiến nghị bổ sung giải thích từ ngữ về cụm từ “nội thị, nội thành”, “ngoại thị, ngoài thành”, “Cộng đồng dân cư có liên quan” để có cơ sở áp dụng các quy định có liên quan về quản lý quy hoạch.
Liên quan đến kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, tại Điều 10 Dự thảo Luật có đề cập đến 3 nguồn kinh phí, đó là: Nguồn đầu tư công từ ngân sách nhà nước; kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước; kinh phí do các tổ chức, cá nhân tài trợ cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn. Đồng thời, có quy định cụ thể nguyên tắc sử dụng, quản lý nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn đối với Thủ trưởng cơ quan, Bộ Xây dựng, UBND các cấp trong từng nhiệm vụ cụ thể.
Có ý kiến đề xuất bổ sung nội dung quy định giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về trình tự thủ tục tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tài trợ vào nguồn ngân sách dành cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Đồng thời, giao Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết về trình tự thủ tục tiếp nhận, quản lý, sử dụng đối với trường hợp tiếp nhận Nguồn lực hỗ trợ “bằng hình thức kết quả nghiên cứu phục vụ công tác lập quy hoạch”, để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện.
Bổ sung quy định về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến cát biển thay thế cát sông
Xoay quanh Dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) thống nhất đối với những nội dung liên quan đến quốc phòng, cụ thể: 7 quy định liên quan đến nguyên tắc, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với việc điều tra, quy hoạch và hoạt động khoáng sản; 3 quy định liên quan đến bảo đảm ưu tiên các khu vực hoạt động quân sự, quốc phòng. Song đại biểu đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá triển khai phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để thực hiện tốt nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Đặc biệt, nội dung liên quan đến việc xây dựng tiêu chí, danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược quân sự, quốc phòng.
Tại Khoản 19 Dự thảo Luật quy định về “Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm đưa khoáng sản ra khỏi nơi thành tạo tự nhiên, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, chế biến khoáng sản và các hoạt động khác có liên quan trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản”, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ cụm từ “chế biến khoáng sản”. Bởi, chế biến khoáng sản là công đoạn hoạt động sau khi đã khai thác và được định nghĩa riêng Khoản 20, Điều 3. Trường hợp nếu gộp chung thì sẽ trùng lặp nội dung tại 2 Khoản 19 và 20 của Dự thảo Luật. Đồng thời, còn mâu thuẫn với điều 4, 5 và 6 quy định thuế tài nguyên xác định trên cơ sở sản lượng tài nguyên, giá tính thuế tài nguyên của Luật thuế tài nguyên số 45/2009/QH12, mà sản lượng tài nguyên và giá tính thuế tài nguyên là sản lượng và giá của khoáng sản nguyên khai tại mỏ, đã khai thác nhưng chưa qua chế biến.
Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến cát biển thay thế cát sông nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng cát biển trong tương lai. Vì hiện nay trữ lượng cát sông chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng và đang gây ảnh hưởng môi trường, biến đổi dòng chảy, sạt lở nhà cửa, đê điều, công trình xây dựng do khai thác lạm dụng. Cùng với đó, quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất và khoáng sản.
Đề cập về phương pháp xác định, phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có ý kiến cho rằng quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản và được thu theo năm, quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế như quan điểm của Chính phủ tại dự thảo Luật là phù hợp. Bởi, tiền cấp quyền nộp theo năm sẽ giúp doanh nghiệp không mất khoản chi phí lớn tại thời điểm bắt đầu triển khai dự án. Mặt khác, việc quyết toán tiền cấp quyền theo sản lượng thực tế sẽ giải quyết vấn đề chênh lệch giữa trữ lượng thăm dò với sản lượng thực tế. Nếu tính tiền cấp quyền chỉ căn cứ trên cơ sở sản lượng thực tế thì có thể trùng với thuế tài nguyên.
Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, một số đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng để có phương án phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 10-NQ/TW, vừa bảo đảm tính hiệu quả, khả thi. Đồng thời, cần phân tích, đánh giá tác động toàn diện, đầy đủ, báo cáo Quốc hội về ưu điểm, hạn chế của từng phương án và nêu rõ các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện theo phương án được lựa chọn.
Phát biểu tại phiên họp Tổ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã làm rõ thêm những ý kiến đã được các đại biểu quốc hội nêu tại phiên họp. Đồng thời, sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp mới để bổ sung dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản trong thời gian sớm nhất.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, những ý kiến xây dựng luật của các đại biểu Quốc hội sẽ được cơ quan soạn thảo hoàn thiện để Luật Địa chất và khoáng sản sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành đã được tổng kết, đánh giá; Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là các Luật có liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản; đồng thời bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, tính minh bạch trong việc kiểm soát hoạt động khoáng sản và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành địa chất, khoáng sản.
Một số hình ảnh tại phiên họp Tổ 6