Doanh nghiệp - doanh nhân

Thành phố Thái Nguyên - Hướng đến đô thị xanh

Tiến Trung 20/06/2024 - 15:30

UBND thành phố Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ để đạt mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành đô thị xanh, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của tỉnh, là đầu tàu, động lực phát triển quan trọng cho các địa phương khác trong toàn tỉnh.

Vững mạnh 3 trụ cột môi trường - khoáng sản - tài nguyên đất

Hướng đến trở thành một đô thị xanh, quản lý tài nguyên hiệu quả, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân TP. Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, bởi 3 lĩnh vực tạo “thế chân kiềng” là môi trường - khoáng sản - tài nguyên đất.

Ông Trần Chí Dũng, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Thái Nguyên cho biết, công tác quản lý bảo vệ môi trường - khoáng sản - tài nguyên đất luioon được thành phố đặc biệt quan tâm.

UBND TP. Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản kịp thời hướng dẫn, triển khai và cụ thể hóa các quy định pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện thực thi ở thành phố, qua đó huy động được sự tham gia vào cuộc của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường .Các hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường được triển khai rộng khắp đến các cán bộ quản lý, người dân, doanh nghiệp ở các cơ quan, địa phương đã góp phần nâng cao hơn nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng; nhiều biện pháp kiểm soát ô nhiễm, kiểm soát nguồn thải được triển khai; đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, quy trình các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý về môi trường theo đúng quy định từ đó đã từng bước góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

z5550247648694_fa156bf4d971b2b0e9b78e7e650f1383.jpg
Thành phố Thái Nguyên - Hướng đến đô thị xanh

Công tác quản lý khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn thành phố dần đi vào nề nếp, đã có sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa các Sở ngành của tỉnh, phòng, ban chuyên môn của thành phố và chính quyền các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là việc giải quyết các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép. Nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn từng bước được nâng cao, tham gia tích cực vào việc quản lý tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản chưa khai thác.

Để đưa đất đai trở thành đòn bẩy cho phát triển, UBND thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để tổ chức thực hiện, đồng thời UBND thành phố đã ban hành các văn bản hướng dẫn, quyết định, thông báo giao nhiệm vụ cho các đơn vị phòng ban của thành phố, UBND các phường, xã để tổ chức thực hiện Luật Đất đai và các văn bản dưới Luật, đưa công tác quản lý Nhà nước về đất đai đi vào nề nếp và sử dụng có hiệu quả. Công tác tuyên truyền pháp luật đất đai đã được triển khai rộng rãi đến mọi đối tượng với những nội dung thiết thực và hình thức phù hợp được các sở, ban, ngành của tỉnh, các phường, xã trên địa bàn thành phố và được dư luận nhân dân đánh giá cao. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất.

Đưa quản lý tài nguyên môi trường vào nền nếp

Để tiếp tục mục tiêu trở thành đô thị xanh, quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, TP. Thái Nguyên tiếp tục đặt trọng tâm vào đất đai - môi trường - khoáng sản.

Về quản lý, sử dụng đất đai, TP thực hiện tốt công tác thống kê đất đai hàng năm, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; Kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng đất đã giao cho các chủ sử dụng, xử lý nghiêm đối với các trường hợp lấn chiếm, chuyển mục đích, cho thuê, mượn trái quy định của pháp luật, sử dụng lãng phí, không hiệu quả tài nguyên đất đai.

Đồng thời TP thực hiện quy trình thẩm định công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để trình UBND thành phố phê duyệt các dự án theo tiến độ và kế hoạch được duyệt; Đôn đốc các chủ dự án, chủ đầu tư các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố thực hiện đầy đủ các bước đầu tư theo quy định, đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước; nộp tiền sử dụng đất theo đúng tiến độ quy định.

Để quản lý tài nguyên và môi trường đi vào nề nếp và có hiệu quả, UBND thành phố Thái Nguyên tập trung vào công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, môi trường và khoáng sản giai đoạn 2021 – 2025 và Đề án phân loại rác thải tại nguồn giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn thành phố Thái Nguyên; Tổ chức ký cam kết trách nhiệm trong công tác quản lý khoáng sản giữa Chủ tịch UBND các phường, xã với Chủ tịch UBND thành phố; Chỉ đạo UBND các phường, xã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường trên địa bàn quản lý.

Thành phố Thái Nguyên có 32 đơn vị hành chính (phường, xã), trong đó có 21 phường và 11 xã, tổng diện tích tự nhiên 22.211,63ha, dân số trên 36 vạn người, phía bắc giáp huyện Đồng Hỷ và huyện Phú Lương, phía đông giáp thành phố Sông Công, phía tây giáp huyện Đại Từ, phía Nam giáp thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình.
Trong giai đoạn 2020-2025, thành phố Thái Nguyên đặt mục tiêu huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư nhằm phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh, có hạ tầng khung đô thị đồng bộ hiện đại. Từ đó, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, xứng tầm đô thị trung tâm của tỉnh Thái Nguyên.

Tiến Trung