Tài nguyên nước

Đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Hoàng Châu 20/06/2024 - 14:13

(TN&MT) - Những năm qua, đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên là một trong những yếu tố quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội của địa phương. Ngoài ra, việc cấp nước an toàn cho người dân; bảo đảm về lượng nước, chất lượng nước là vấn đề thường nhật và luôn là vấn đề cấp thiết.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 9 hệ thống cấp nước sạch, an toàn, gồm: TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay, huyện Tuần Giáo, huyện Tủa Chùa, huyện Mường Nhé, huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng, huyện Mường Chà và huyện Điện Biên Đông với tổng công xuất thiết kế là 31.100m3/ngày đêm.

Hiện nay, ước tính nhu cầu nước trên địa bàn tỉnh khoảng 225,27tr.m3/năm. Khu vực khai thác nhiều nước tập trung ở vùng lòng chảo Điện Biên gồm thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Trong đó huyện Điện Biên có diện tích trồng lúa nước lớn nhất trong tỉnh nên có lượng nước sử dụng của huyện đạt 77,49tr.m3/năm chiếm 34,4% tổng lượng nước khai thác.

a1.jpg
Đảm bảo an ninh nguồn nước luôn là vấn đề, được tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm, chú trọng

Sử dụng nước trong nông nghiệp, ngành nông nghiệp khai thác khoảng 204.45 trm3/năm (chiếm 90,0% tổng nước được sử dụng). Lượng nước dùng trong nuôi trồng thủy sản 9.5%, chăn nuôi 3.5% và lượng nước dùng cho tưới chiếm 177,97 tr.m3/năm (chiếm 87,0% tổng lượng nước dung trong ngành nông nghiệp).

Cùng với đó, nước dùng cho sinh hoạt dịch vụ và du lịch, khu dân cư sử dụng khoảng 19,18trm3/năm. Lượng nước cấp của các nhà máy trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 19,180m3/ngày đêm, khoảng 67,6% tổng công suất thiết kế của các nhà máy, mới chỉ cấp nước cho TP Điện Biên Phủ và một số thị trấn, thị xã huyện. Còn hầu hết người dân nông thôn trong tỉnh sử dụng nguồn nước sinh hoạt với các hình thức công trình cấp nước đơn giản, chủ yếu là hệ thống tự chảy, mó nước, máng lần hoặc trực tiếp từ sông, suối…và đều không được xử lý.

Ngoài việc đảm bảo nguồn nước phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân thì vấn đề nước phục vụ sản xuất trong nông nghiệp cũng được quan tâm, toàn tỉnh Điện Biên có 974 công trình thủy lợi, với tổng diện tích tưới theo thiết kế 38.360.9ha. Trong đó công trình cấp tỉnh quản lý cung cấp nước tưới trên 6,843ha, công trình cấp huyện quản lý cung cấp nước cho 9,379ha.

a2.jpg
Công nhân Công ty Cổ phần Cấp nước Ðiện Biên kiểm tra đầu vào của nguồn nước tại Nhà máy nước TP. Ðiện Biên Phủ.

Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa lớn kéo dài gây sạt lở ven sông suối, sạt lở đất núi làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước trên các sông suối. Tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, dân số, đô thị khiến nhu cầu về nước sạch ngày càng tăng, tình trạng sử dụng lãng phí... cùng với việc xả thải không đúng quy định, người dân chưa có ý thức trong bảo vệ nguồn nước, đổ rác tại đầu nguồn lưu vực, việc ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và khả năng cung cấp nước của các nhà máy trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Bà Trần Thị Thanh Phượng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, cho biết: Để bảo vệ an ninh an toàn nguồn nước, định kỳ hàng năm, Sở TN&MT tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ an ninh nguồn nước, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nước sạch phát hiện ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại nguồn nước, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về vai trò của nguồn nước sạch.

a3.jpeg
Công tác bảo vệ tài nguyên nước được tỉnh chú trọng, đảm bảo nguồn nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội

Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; công tác quản lý sau cấp phép đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm việc vi phạm các quy định theo nội dung giấy phép đã được cấp.

Cùng với đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ an ninh nguồn nước, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nước sạch chủ động ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm, phát hiện ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại nguồn nước, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về vai trò của nguồn nước sạch.

Hoàng Châu