Xã hội

Báo Tài nguyên và Môi trường - Người đồng hành tin cậy

Phạm Oanh – Trường Giang – Mai Đan – Lê Hùng – Võ Hà – Nguyễn Nga – Đỗ Vương (lược ghi) 20/06/2024 - 08:39

(TN&MT) - Truyền thông chính sách và hành động, đồng hành phát triển, lan tỏa khát vọng, ước mơ… Báo TN&MT đã để lại những dấu ấn tốt đẹp đối với các cơ quan của Bộ TN&MT, ngành TN&MT và các địa phương. Nhân dịp ngày truyền thống của nghề, Báo TN&MT trân trọng lược ghi những cảm nhận của các cơ quan, đơn vị như một món quà quý động viên đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên...

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT):

Báo TN&MT là kênh thông tin quan trọng truyền thông chính sách

anh-ong-phan-tuan-hung-vu-phap-che-1-.jpg
Ông Phan Tuấn Hùng -
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT)

Truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được coi là một khâu quan trọng trong quá trình ban hành chính sách, một trong những giải pháp hữu hiệu, cần thiết hiện nay.

Truyền thông chính sách là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Hoạt động này được tiến hành song song, không thay thế quy trình lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mà có tính chất hỗ trợ, giúp cho công tác xây dựng văn bản đạt hiệu quả, góp phần tạo đồng thuận trong đời sống, xã hội.

Để thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027" và Chỉ thị số 07/CT-TTg về tăng cường công tác truyền thông chính sách, trong đó, xác định đây là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Và, báo chí cùng với các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách.

Với vai trò đơn vị tham mưu tổng hợp, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, chủ trì thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách và là thường trực Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ, Vụ Pháp chế đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ trong quá trình thực hiện công tác này.

Trong suốt thời gian qua, Vụ Pháp chế và Báo Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả trong công tác công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như truyền thông chính sách. Vụ Pháp chế đã tham mưu cho Bộ xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, phố biển giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; thực hiện phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện truyền thông, đối thoại chính sách với nhiều hình thức đa dạng.

Ngoài việc đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ theo quy định thì các chính sách lớn, chính sách mới đều được Bộ tổ chức truyền thông bằng nhiều phương thức khác nhau theo các chuyên đề, vấn đề cụ thể và đều được đăng tải theo các chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, trên Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường và trên Trang tin điện tử của Vụ Pháp chế.

Phối hợp chặt chẽ với khối các đơn vị truyền thông của Bộ, Báo Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện khá bài bản công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng, hoàn thiện 3 dự án luật quan trọng của Ngành tài nguyên và môi trường là Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Địa chất và Khoáng sản; Tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn truyền thông về chính sách mới như quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR).

Thời gian tới, Vụ Pháp chế và Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ chú trọng, tập trung làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực và phù hợp; tăng cường lồng ghép việc truyền thông chính sách với phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là thông qua các sự kiện của Bộ tổ chức; Khuyến khích công chức, viên chức của Bộ và các chuyên gia viết tin, bài phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách về tài nguyên và môi trường, đặc biệt là các chính sách lớn, tác động lớn đến đời sống xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đăng tải rộng rãi trên các nền tảng thông tin đại chúng.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN&MT):

Báo TN&MT đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Luật Đất đai

15_5.jpg
Đoàn Thị Thanh Mỹ -
Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN&MT)

Kể từ khi thành lập đến nay, Báo TN&MT đã trưởng thành về mọi mặt, từng bước nâng cao chất lượng, có nội dung phong phú trên tất cả các hoạt động của đời sống xã hội; tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các lĩnh vực của ngành Tài nguyên & Môi trường đến sâu rộng công chúng qua đó góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, Báo TN&MT còn là kênh thông tin phản ánh các vấn đề trong quản lý Nhà nước về đất đai ở địa phương, đây là kênh thông tin để Tổng cục Quản lý đất đai trước đây (nay là Vụ Đất đai) và các đơn vị thuộc lĩnh vực đất đai, cũng như các đơn vị khác thuộc Bộ TN&MT nắm bắt, kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm phát huy tốt hơn nữa nguồn lực của ngành vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đồng thời, Báo TN&MT cũng là kênh phản hồi tác động các chính sách để các cơ quan quản lý của Bộ kịp thời nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm tính khả thi, đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, ngay từ giai đoạn tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013, trước, trong và sau khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Báo TN&MT đã kịp thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đất đai, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; quá trình làm việc của Lãnh đạo Bộ TN&MT với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan ngang bộ về xây dựng Dự thảo Luật; ý kiến Đại biểu Quốc hội, cơ quan quản lý, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, góp ý,… qua đó tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần không nhỏ vào việc Dự thảo Luật Đất đai được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV.

Sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Báo đã xây dựng kế hoạch và tuyên truyền hiệu quả các nội dung mới, nổi bật của Luật và việc xây dựng các Văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ TN&MT được Chính phủ giao.

Thời gian qua, Vụ Đất đai luôn đồng hành cùng Báo TN&MT trong việc thực hiện các tin, bài, video clip truyền hình tuyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, trên các ấn phẩm của Báo TN&MT về những nội dung chính sách quy định trong dự thảo Luật Đất đai để lấy ý kiến nhân dân, đặc biệt là những điểm mới của Luật Đất đai 2024 sau khi được Quốc hội thông qua như: chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách tập trung tích tụ đất nông nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng những cánh đồng mẫu lớn; chính sách sử dụng đất đa mục đích; quyền của người sử dụng đất… để mọi tầng lớp nhân dân kịp thời nắm bắt và thực hiện khi Luật có hiệu lực.

Ngoài ra, Báo TN&MT cũng kịp thời tuyên truyên các hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai từ Trung ương tới địa phương, góp phần không nhỏ vào việc răn đe, chấn chỉnh các đối tượng vi phạm về trong lĩnh vực đất đai để đưa công tác quản lý đất đai ngày càng đi vào nền nếp.

Thời gian tới, tôi mong muốn Báo TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Vụ Đất đai trong việc tuyên truyền các hoạt động của Vụ, nhất là về công tác phổ biến, hướng dẫn Luật Đất đai 2024, tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyên truyền về chủ trương của Đảng và Nhà nước lĩnh vực đất đai; đồng thời, tăng cường phát hiện những bất cập, khó khăn về chính sách và thực tiễn ở địa phương để Vụ xử lý, kịp thời tham mưu, giải quyết, góp phần đưa đất đai thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước.

Ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam:

Công tác tuyên truyền của Báo luôn kịp thời, đúng trọng tâm

anh-nguyen-moi.jpg
Ông Nguyễn Văn Nguyên -
Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam

Báo TN&MT với tôn chỉ mục đích hoạt động của mình đã luôn quan tâm, đồng hành với sự phát triển của lĩnh vực địa chất và khoáng sản, góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền các nhiệm vụ quan trọng của Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam.

Hiện nay, Báo TN&MT đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của 2 đơn vị. Điển hình như trong quá trình xây dựng Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản - một trong những nhiệm vụ quan trọng của 2 đơn vị, Báo TN&MT đã đăng tải thường xuyên các tin, bài, từ các tin thời sự đến các tuyến bài chuyên sâu về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Địa chất Việt Nam tiếp tục rà soát, chỉnh sửa phần địa chất trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Cục Địa chất đã tham dự họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; tham dự làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về nội dung thẩm tra dự án Luật; tham dự họp Thường trực Chính phủ về xây dựng Luật; tham gia Đoàn công tác của Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát phục vụ thẩm tra Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Ninh Bình.

Cục Địa chất Việt Nam cũng phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam tham mưu để Bộ TN&MT trình Chính phủ Dự thảo Luật; Bộ TN&MT gửi Bộ Tư pháp Báo cáo về tiếp thu, giải trình (bổ sung) ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về Dự án Luật…

Tất cả những công việc trên đều được Báo Tài nguyên và Môi trường đăng tải kịp thời và đúng trọng tâm.

Đồng thời, Báo thường xuyên có các chuyên đề với nhiều bài viết liên quan đến xây dựng D ự án Luật Địa chất và Khoáng sản, tron g đó làm rõ những điểm mới của Dự thảo Luật lần này so với Luật Khoáng sản hiện hành. Ngoài việc cung cấp cho độc giả cái nhìn khách quan về sự cần thiết của việc sửa Luật Khoáng sản và tiến trình xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, những chuyên đề này còn cho thấy rõ Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất từ công tác điều tra cơ về bản địa chất, khoáng sản, bảo đảm minh bạch phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng về Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Báo TN&MT cũng đẩy mạnh truyền thông về kết quả, hiệu quả của các đề án, dự án quan trọng do Cục Địa chất Việt Nam triển khai thực hiện như: Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”; Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”; Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Ngoài ra, Báo thông tin, phản ánh kịp thời về tiến độ xây dựng các đề án, dự án để triển khai thi công trong thời gian tới khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt như: Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội”…

Đáng chú ý, đồng hành cùng với đơn vị trong suốt những năm triển khai các dự án, đề án trên, Báo TN&MT đã nhiều lần cử phóng viên phụ trách lĩnh vực địa chất và khoáng sản tham gia các chuyến đi thực địa cùng các cán bộ địa chất ở những nơi thực hiện dự án, cả trên rừng, dưới biển, vùng sâu, vùng xa. Qua những chuyến đi đó, phóng viên có những tuyến bài chuyên sâu phản ánh, phân tích một cách khách quan và trung thực thực tiễn sinh động tới công chúng, để họ hiểu rõ hơn về những khó khăn, vất vả của những cán bộ ngành Địa chất Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ đo vẽ lập bản đồ địa chất, điều tra, phát hiện, đánh giá khoáng sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương và đất nước.

Để thực hiện và hoàn thành tốt những nhiệm vụ trên, Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam rất cần các cơ quan báo chí, đặc biệt là cơ quan ngôn luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh tuyên truyền những nhiệm vụ của 2 đơn vị, cũng như ủng hộ mạnh mẽ những công việc trọng tâm mà ngành địa chất và khoáng sản đang nỗ lực thực hiện.

Ông Đỗ Thanh Thảo - Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ:

Truyền thông tích cực vì một TP. Cần Thơ xanh, bền vững

ong-thao-gd-so-tn-mt-can-tho.jpg
Ông Đỗ Thanh Thảo -
Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ

Những năm qua, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với Báo TN&MT thực hiện các chuyên trang nhằm truyền tải, phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách pháp luật của Trung ương và của Thành phố trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố; góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác này, tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố phát triển ngày càng nhanh và bền vững.

Báo TN&MT cũng đã thông tin kịp thời về những kết quả nổi bật của Ngành TN&MT TP. Cần Thơ đạt được trong công tác cải cách các thủ tục hành chính, xây dựng hạ tầng số, chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên và môi trường; truyền tải các văn bản quy phạm pháp luật của Sở TN&MT TP. Cần Thơ trong việc giải quyết những vấn đề bất cập phát sinh có liên quan đến hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…; đồng thời, nêu gương các điển hình tiên tiến trong việc thực hiện các phong trào về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa. Qua đó, góp phần cổ vũ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia phong trào xây dựng cảnh quan môi trường ở khu vực đô thị và nông thôn của thành phố luôn sáng, xanh - sạch - đẹp, an toàn.

Hiện tại, TP. Cần Thơ đang tiếp tục tập trung thực hiện nội dung của Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố và các chương trình, dự án của thành phố liên quan đến công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thực hiện hiệu quả các nội dung trên, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của Sở TN&MT TP. Cần Thơ, sự quan tâm phối hợp từ các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể, UBND quận, huyện và người dân thành phố thì rất cần sự tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền của báo chí nói chung, Báo TN&MT nói riêng.

Sở TN&MT TP. Cần Thơ đang tập trung triển khai các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Đất đai 2024, Luật Tài nguyên nước 2023,... đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Để các quy định của pháp luật này sớm đi vào thực tiễn, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài địa phương và Báo TN&MT thực hiện các chuyên trang, chuyên đề nhằm truyền tải đầy đủ, kịp thời đến các cấp chính quyền, doanh nghiệp, người dân địa phương, từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động góp phần quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố ngày càng hiệu quả.

Sở TN&MT TP. Cần Thơ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Báo TN&MT đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về những mô hình hay, có tính sáng tạo, do các sở, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể, người dân thực hiện để cùng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế suy thoái đất đai; góp phần xây dựng TP. Cần Thơ ngày càng sáng, xanh - sạch - đẹp, xứng tầm là trung tâm động lực phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Đức Trung - Quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi:

Lan tỏa tích cực nhiệm vụ bảo vệ môi trường

hinh1.jpg
Ông Nguyễn Đức Trung -
Quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi

Trong công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền là một nhiệm vụ quan trọng. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường được Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi quan tâm, chú trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường được tổ chức thường xuyên, thông qua nhiều hình thức như: ban hành văn bản hướng dẫn; phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông; tổ chức các Hội nghị tập huấn góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, chuyển biến nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Chúng tôi khẳng định rằng, qua tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông trong đó có Báo TN&MT đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ của mỗi người và của cả xã hội theo hướng thân thiện với môi trường. Bởi ưu thế của thông tin báo chí là tính cập nhật, được chuyển tải một cách thường xuyên, liên tục, có khả năng tiếp cận với đông đảo các đối tượng bạn đọc.

Thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục phối hợp với Báo TN&MT tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực tài nguyên, môi trường trên địa bàn tỉnh nhằm tạo chuyển biến hơn nữa trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân và doanh nghiệp đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Để công tác tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên, môi trường trên Báo được hấp dẫn và thiết thực hơn, Sở TN&MT đề nghị Báo cần tiếp tục triển khai những bài viết chuyên sâu, chất lượng về chủ đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương; đăng tải các hình ảnh nhằm tuyên dương, khen thưởng các gương điển hình tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nhằm tạo sự lan tỏa tích cực hơn. Ngoài ra, các bài báo cần mang tính chất thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa các mô hình hay, phong trào, hoạt động hiệu quả, gương điển hình ở các địa phương, cơ sở.

Cùng với đó, tăng cường tin, bài về lĩnh vực bảo vệ môi trường; tin, bài mang tính chất khoa học để phổ biến kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Đa dạng hơn về hình thức tác phẩm báo chí như video clip, đồ họa, infographic để công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Quảng Ngãi đến được với bạn đọc một cách đa dạng, phong phú hơn.

Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có hiệu lực thi hành; Luật Đất đai 2024 đã được ban hành và đề xuất có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024; Luật Tài nguyên nước 2023 đề xuất có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024…

Để các chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường được phổ biến sâu rộng đến toàn dân, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước… là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, chúng tôi mong muốn Báo TN&MT thường xuyên cập nhật các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ của mỗi người và của cả xã hội cho mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ngãi.

Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La:

Phóng viên thường trú Báo TN&MT - những “chiến sỹ cầm bút” nhiệt tình, trách nhiệm

anh-pgd-so-tnmt-son-la.jpg
Lê Thị Thu Hằng -
Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La

Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên, môi trường, những năm qua, Sở TN&MT Sơn La luôn xác định công tác truyền thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa phương thức, nội dung tuyên truyền. Trong hành trình đó, đồng hành cùng các cán bộ ngành TN&MT, có một phóng viên thường trú của Báo TN&MT, cánh tay nối dài cho công tác truyền thông các lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Cứ mỗi năm, khi đến niên vụ sơ chế, chế biến nông sản - thời điểm nguy cơ phát sinh ô nhiễm, là những cán bộ môi trường lại thấp thỏm không yên, luôn mang tâm thái sẵn sàng “lên đường” bất cứ lúc nào. Tôi vẫn còn nhớ, vào một buổi tối mùa đông năm 2021, Sở TN&MT nhận được tin báo qua đường dây nóng về ô nhiễm môi trường tại huyện Thuận Châu. Gọi điện cho phóng viên thì hay tin bạn vừa tiêm vắc xin phòng Covid trước đó 3 tiếng.

Thế nhưng, khi tôi đến địa điểm được phản ánh thì đã thấy phóng viên có mặt. “Em không sao chị ạ, công việc là quan trọng nhất” - bạn bảo tôi. Chúng tôi đã dành khoảng hơn 4 tiếng đồng hồ để khảo sát dọc các kênh mương tại khu vực xả thải để xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Rạng sáng hôm sau, 1 bài viết đã được đăng tải kịp thời, giúp người dân có được thông tin chính thống, cũng như nắm rõ sự vào cuộc và các giải pháp để bảo vệ môi trường mà tỉnh đã triển khai.

Đặc thù nghề nghiệp của người cán bộ tài nguyên môi trường như thế nào, thì người phóng viên đồng hành cũng như thế. Đó là những ngày nắng “như thiêu như đốt” vẫn túc trực bên những hồ nước thải, là cả ngày dài “ngâm” trong mùi ô nhiễm; hay vượt hàng trăm ki-lô-mét những cung đường đèo nguy hiểm đến với những địa phương đang có hoạt động khai thác tài nguyên trái phép...

Bởi thế, trong 5 năm trở lại đây, Ban Giám đốc Sở TN&MT đánh giá rất cao vai trò hỗ trợ, đồng hành, tham gia mọi hoạt động của người làm báo TN&MT tại Sơn La. Sự đồng hành ấy giúp địa phương tiếp nhận những phản biện xã hội, những tiếng nói trực tiếp từ cơ sở, cũng như lan tỏa những chính sách, những thông điệp từ các cơ quan quản lý nhà nước đến với cộng đồng dân cư.

Đặc biệt, từ năm 2020, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV kiên định mục tiêu phát triển xanh - nhanh - bền vững. Để thực hiện mục tiêu đó, Sơn La đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch truyền thông về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH. Và những cơ quan thông tấn báo chí, những phóng viên nắm rõ về ngành, hiểu ngành, đồng hành cùng ngành, những “chiến sỹ” trên mặt trận thông tin là phần không thể thiếu, góp phần định hướng dư luận.

Trong dòng chảy thông tin 4.0 và thời đại chuyển đổi số, với quan điểm không né tránh trách nhiệm, không bao che sai phạm, Sở TN&MT luôn xác định, chủ động phối hợp, cung cấp và công khai thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí. Tôi cũng rất vui và có thể tự hào khẳng định rằng, những năm gần đây, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu môi trường hàng năm.

Thành công đó, chắc chắn không thể thiếu công lao của phóng viên Báo TN&MT - những người luôn bám sát chủ trương, định hướng, truyền tải thông điệp của tỉnh và Sở TN&MT trong sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Minh Thư - Phó Giám đốc Sở TN&MT Khánh Hòa:

Cánh tay nối dài cùng Khánh Hòa bảo vệ biển đảo

img_20240615_164816.jpg
Ông Nguyễn Minh Thư -
Phó Giám đốc Sở TN&MT Khánh Hòa:

Trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về biển đảo của Khánh Hòa, Báo TN&MT đóng vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và hỗ trợ Sở TN&MT trong công tác quản lý tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển đảo. Là cánh tay nối dài trong công tác truyền thông của Sở, Báo TN&MT giúp phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về biển đảo, giúp người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ chủ quyền và tài nguyên quốc gia.

Đặc biệt, qua các bài viết, phóng sự, Báo TN&MT giúp cộng đồng hiểu sâu sắc tầm quan trọng của biển đảo đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường. Từ đó, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ biển đảo. Báo cũng đóng vai trò như một kênh thông tin phản ánh trung thực các vấn đề phát sinh liên quan đến biển đảo, từ những vướng mắc, bất cập phát sinh tại địa phương, ô nhiễm môi trường đến khai thác tài nguyên bất hợp pháp. Nhờ đó, các cơ quan chức năng có thể kịp thời đưa ra biện pháp xử lý. Đồng thời, Báo TN&MT còn là cầu nối giữa chính quyền, các tổ chức và người dân trong việc triển khai các chương trình, dự án liên quan đến bảo vệ và phát triển bền vững biển đảo. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, Báo góp phần tạo sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ giữa các bên.

Bên cạnh đó, Báo TN&MT còn có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và tôn vinh những cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển biển đảo. Biểu dương những tấm gương điển hình này sẽ là động lực thúc đẩy phong trào thi đua trong cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội có trách nhiệm với biển đảo quê hương.

Sự phối hợp giữa Báo TN&MT và Sở TN&MT Khánh Hòa trong công tác tuyên truyền về biển đảo đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Báo TN&MT cũng kịp thời tuyên truyên các hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản, góp phần không nhỏ vào việc răn đe, chấn chỉnh các đối tượng vi phạm để đưa công tác quản lý tài nguyên và biển đảo ngày càng đi vào nền nếp, lan tỏa nỗ lực của tỉnh cũng như của Việt Nam ra thế giới. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân và bảo vệ môi trường biển mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, để công tác tuyên truyền về biển đảo trên Báo được hấp dẫn và thiết thực hơn, thời gian tới, Sở TM&MT đề nghị Báo tăng số lượng tin, bài; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về biển đảo, thường xuyên cập nhật tin tức, bài viết và phóng sự liên quan đến các hoạt động bảo vệ tải nguyên biển đảo. Các bài viết không chỉ phản ánh chính xác tình hình mà còn khơi gợi tinh thần yêu nước, trách nhiệm của mỗi công dân đối với biển đảo quê hương. Ngoài ra, các bài báo cần mang tính chất thực tiễn, kinh nghiệm, các mô hình, phong trào, hoạt động hiệu quả, gương điển hình ở các địa phương, cơ sở.

Với những vai trò quan trọng trên, thời gian tới, tôi mong muốn Báo TN&MT tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Sở TN&MT trong công tác tuyên truyền về biển đảo, đóng góp vào mục tiêu xây dựng địa phương và đất nước giàu từ biển, mạnh từ biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh của Tổ quốc.

Phạm Oanh – Trường Giang – Mai Đan – Lê Hùng – Võ Hà – Nguyễn Nga – Đỗ Vương (lược ghi)