Môi trường

Hành trình 10 năm cùng cộng đồng bảo tồn rùa biển

Minh Hạnh 19/06/2024 - 20:57

Ngày 19/6, Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã tổ chức chương trình tổng kết "Hành trình 10 năm – Chương trình bảo tồn rùa biển IUCN" . Chương trình này nằm trong khuôn khổ dự án "Bảo tồn bãi đẻ rùa biển có sự tham gia của cộng đồng và giảm đánh bắt không chủ ý tại Việt Nam".

Bảo tồn rùa biển là một trong những chương trình nằm trong hoạt động của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) . Từ năm 2014 đến nay, IUCN đã tổ chức các chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển tại nhiều Vườn Quốc gia, khu bảo tồn, bắt đầu từ Côn Đảo, sau đó mở rộng ra những nơi khác như Vườn Quốc gia Núi Chúa, Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đến nay, chương trình đã thực hiện được 10 năm.

Trong khuôn khổ các chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển, IUCN mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng, bắt đầu từ các tình nguyện viên. Mỗi tình nguyện viên sau đó sẽ trở thành “đại sứ rùa biển” giúp cộng đồng xung quanh sẽ hiểu hơn về bảo tồn rùa biển, bảo tồn môi trường biển và đa dạng sinh học nói chung.

Chia sẻ tại chương trình tổng kết “Hành trình 10 năm – Chương trình bảo tồn rùa biển IUCN”, bà Bùi Thị Thu Hiền, phụ trách Chương trình biển và vùng bờ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam, cho biết: IUCN coi rùa biển là một loài chỉ thị để nêu bật các vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường biển, bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Rùa biển là một loài động vật hoang dã dễ nhìn thấy hơn so với các loài khác.

bao-ton-rua-bien-iucn.jpg
Bà Bùi Thị Thu Hiền, phụ trách Chương trình biển và vùng bờ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam, chia sẻ tại sự kiện

Trong vòng đời của mình, rùa biển phải đối mặt với nhiều mối đe doạ, bao gồm nguy cơ từ hoạt động đánh bắt thuỷ sản. Nếu hoạt động đánh bắt diễn ra dày đặc, rùa biển có thể bị dính lưới và chết đuối. Dù sống dưới nước nhưng khi bị mắc kẹt trong lưới khoảng 2-6 giờ, rùa biển vẫn sẽ bị mất oxy và chết.

Ô nhiễm môi trường cũng là một yếu tố tác động rất lớn đến rùa biển. Theo các nghiên cứu trên thế giới, 90% rùa con ăn phải rác thải nhựa vì tưởng các mảnh nhựa là phù du hoặc thực vật, dẫn đế bị tắc ruột và chết. Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi vì sao cứ 1.000 rùa con được nở ra thì chỉ có 1 con sống sót, trưởng thành và sau đó quay lại bãi đẻ.

Theo đó, chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển đã bắt đầu được triển khai với mục đích ban đầu là thu hút sự tham gia của cộng đồng vào nỗ lực bảo tồn rùa biển.

Trong những năm đầu hoạt động, IUCN chủ yếu lựa chọn đối tượng tình nguyện viên là sinh viên. Tuy nhiên, về mặt lan toả và truyền thông sau chương trình, sinh viên mới chỉ có thể tác động trong khu vực trường đại học. Do đó, những năm sau, IUCN đã có sự điều chỉnh trong chương trình hoạt động, chỉ chọn khoảng 30% sinh viên, còn lại là tất cả những bạn trẻ làm việc trong nhiều lĩnh vực khác, độ tuổi từ từ 21 đến 50, bao gồm lao động tự do, truyền thông, nghệ sĩ, bác sĩ, kinh doanh.

“Sau 10 năm nhìn lại, chúng tôi nhận thấy đây là sự lựa chọn đúng đắn. Với việc mở rộng đối tượng, mạng lưới tình nguyện viên của chúng tôi cũng đa dạng và có nhiều trải nghiệm, nhiều phạm vi chia sẻ, lan toả thông điệp hơn”, bà Bùi Thị Thu Hiền nhận định.

bao-ton-rua-bien-1.jpg
Nghệ sĩ điêu khắc Cao Thanh Thà, một tình nguyện viên từng tham gia chương trình bảo tồn rùa biển của IUCN

Chia sẻ thêm về hoạt động bảo tồn rùa biển của IUCN, Bà Bùi Thị Thu Hiền cho biết: Để bảo tồn rùa biển hiệu quả, chúng ra cần hiểu hơn về đặc tính sinh học và đời sống của rùa. Những gì IUCN đang triển khai hiện nay bao gồm hỗ trợ các bạn tình nguyện viên và các vườn quốc gia nghiên cứu dữ liệu rùa biển, số lượng trứng rùa được đẻ theo mùa; nghiên cứu về bãi ấp cũng như tỷ lệ rùa con nở từ trứng.

Ngoài ra, IUCN cũng triển khai công tác truyền thông, giáo dục cùng các bên cơ quan quản lý nhà nước về việc đảm bảo điều kiện tốt nhất tại bãi rùa đẻ, thành lập các khu vực cấm đánh bắt theo mùa cũng như một số chương trình khác mang tính chính sách ở cấp cao hơn.

Tại sự kiện, các cựu tình nguyện viên đã chia sẻ về trải nghiệm và ấn tượng của mình sau các chuyến "hoà mình" rùa biển với IUCN.

Trong đó, chị Trần Thu Giang – Công ty chứng khoán MB, tâm sự: “Tôi rất may mắn vì lọt vào 1 trong 1.000 người tham dự chương trình bảo tồn rùa biển này. Sau 12 ngày đêm sống, sinh hoạt ở trên đảo, lần đầu tiên mình được sống, hoà mình vào thiên nhiên thực sự, không điện thoại, không nước ngọt, điện bằng năng lượng mặt trời, cùng các anh chị em tình nguyện viên khác và kiểm lâm hoạt động hết cho công tác bảo tồn rùa biển. Tại đây, tôi đã thấy nghị lực của những con rùa con sau khi nở và nhận thấy chúng ta cần có ý thức bảo tồn những giá trị rất tốt đẹp của thiên nhiên”.

Nghệ sĩ điêu khắc Cao Thanh Thà thì cho biết: "Từ năm 2018 đến nay, tôi đã tham gia các chương trình với IUCN trong 6 năm liên tục. Trong một lần tham gia tình nguyện với chương trình bảo tồn rùa biển, mình có cơ hội cùng kiểm lâm thả một con rùa nhỏ ra đại dương. Sau khi được thả về biển, con rùa này đã ngoi lên mặt nước lấy hơi trước khi lặn. Đây là một đặc tính rất thú vị của rùa biển. Chúng tôi hay trêu nhau rằng đây là lời chào tạm biệt của con rùa với mọi người trước khi đi. Điều này cũng để lại cho tôi ấn tượng cực kỳ sâu sắc về rùa biển".

Minh Hạnh