Biến đổi khí hậu

Công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không

Khánh Ly 19/06/2024 - 17:18

(TN&MT) - Sáng 19/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Cục Năng lượng Đan Mạch tổ chức Lễ công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không.

Trên cơ sở phân tích các kịch bản phát triển cho 5 ngành: ngành điện, cân bằng hệ thống điện, giao thông vận tải, công nghiệp, chi phí hệ thống và ô nhiễm không khí, báo cáo cho thấy: Việt Nam có thể chuyển đổi xanh hiệu quả về mặt chi phí và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero).

dsc01118.jpg
Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz phát biểu tại Lễ công bố

Theo ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, báo cáo đã xem xét và phân tích các kịch bản triển vọng năng lượng với các giả định đầu vào khác nhau. Qua đó, nghiên cứu các khả năng đảm bảo nhu cầu năng lượng để phát triển kinh tế- xã hội trong các tình huống khác nhau cho Việt Nam trong tình hình mới. Báo cáo nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh và bền vững, đạt được các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại COP26 và các mục tiêu liên quan.

Báo cáo nhấn mạnh, điều quan trọng là cần sớm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam để tránh những chi phí lớn không cần thiết. Chuyển đổi xanh hiệu quả về chi phí và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 có thể đạt được thông qua mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, điện hóa các ngành công nghiệp và giao thông vận tải, đồng thời giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào năng lượng nhập khẩu.

dsc01100.jpg
Báo cáo nhận được sự chú ý đặc biệt từ các đối tác quốc tế, nhà đầu tư cả trong và ngoài nước

Theo phân tích, để phát thải đạt đỉnh vào năm 2030 và trung hòa khí hậu vào năm 2050, Việt Nam cần có thêm 56 gigawatt điện tái tạo (17 GW điện gió trên bờ và 39 GW điện mặt trời) vào năm 2030. Quá trình chuyển đổi chậm trễ dù vì lý do nào cũng sẽ gây ra chi phí tốn kém không cần thiết, do những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu. Báo cáo cho thấy, trong thời gian tới, các nhà máy điện than của Việt Nam cần trở nên linh hoạt hơn, kết hợp nhiều nguồn điện xanh để khi cần có thể giảm công suất của các nguồn điện than phát lên lưới, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn dự phòng cần thiết cho đến khi các giải pháp lưu trữ và các giải pháp khác có thể được triển khai.

Để thực hiện tham vọng xây dựng 84 GW năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2050, Việt Nam cần có cam kết mạnh mẽ và hành động sớm. Đặc biệt, việc sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và có thể dự đoán được đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các khoản đầu tư lớn vào ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Theo đó, báo cáo khuyến nghị rằng Việt Nam nên bắt tay nay vào việc xác định các địa điểm cho phát triển điện gió ngoài khơi, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cảng và củng cố hệ thống lưới điện truyền tải.

dsc01208.jpg
Tọa đàm trong khuôn khổ Lễ công bố báo cáo

Theo Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz, Báo cáo “Triển vọng Năng lượng – Đường đến phát thải ròng bằng không” là một kết quả quan trọng của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng lâu dài giữa Đan Mạch và Việt Nam. Đây cũng là một lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh Việt Nam - Đan Mạch. Báo cáo này sẽ là một nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho các đối tác Việt Nam trong quá trình ra quyết định cũng như hỗ trợ Việt Nam trong việc định hình quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của mình.

“Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không, Việt Nam cần có những nỗ lực nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững. Điều này không chỉ quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà còn giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi việc tiếp cận năng lượng tái tạo ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định đầu tư. Đan Mạch cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này.” – ông Nicolai Prytz nhấn mạnh.

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không (EOR-NZ) là ấn phẩm thứ tư trong chuỗi các Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam, được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch. Đây là chương trình hợp tác đối tác lâu dài giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh. Báo cáo đã trình bày các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050, tập trung vào việc phân tích các lộ trình thực tế để Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Khánh Ly