Mường Tè (Lai Châu): Hiệu quả từ chính sách chi trả môi trường rừng
(TN&MT) - Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Những năm qua, nhiều hộ dân huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã làm tốt công tác bảo vệ rừng, từng bước cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Huyện Mường Tè có tổng diện tích tự nhiên gần 268.000ha, trong đó diện tích rừng được chi trả DVMTR lên đến gần 180.000ha. Đây cũng là huyện dẫn đầu tỉnh Lai Châu về diện tích rừng. Tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện Mường Tè đạt hơn 65%.Trong năm qua, người dân trên địa bàn huyện nhận được từ tiền DVMTR gần 200 tỷ đồng. Tiền được chi trả trực tiếp cho từng hộ thông qua tài khoản ngân hàng, nhiều hộ có mức thu đến gần 60 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR, hàng năm, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện việc rà soát, bổ sung diện tích đủ điều kiện, giao khoán bảo vệ rừng. UBND huyện quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp trọng tâm, như: trồng mới, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng.
Việc thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR đã có tác động tích cực đến cuộc sống người dân. Người dân trong huyện tích cực tham gia bảo vệ rừng. Các bản còn giao cho nhau trông coi, cử người trực để khi có sự cố cháy, tất cả người dân tham gia chữa cháy. Nhờ đó những cánh rừng trên địa bàn huyện ngày càng xanh tốt, tình trạng cháy rừng hay chặt phá rừng làm nương rẫy gần như không còn.
Ông Pờ Khừ Xá, Chủ tịch xã Mù Cả, huyện Mường Tè, cho biết: Xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu nơi người dân được hưởng thụ tiền DVMTR lớn nhất của tỉnh. Xã có hơn 30.000ha diện tích chi trả DVMTR với tổng số tiền người dân được nhận hơn 30 tỷ đồng mỗi năm.
Trung bình mỗi năm mỗi hộ cũng được nhận hơn 40 triệu đồng. Người dân nhận được tiền về sử dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế. Nhờ vậy, những năm gần đây đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hằng năm đều giảm hơn 10%, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt gần 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều năm nay trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng hay phá rừng lớn, tỷ lệ che phủ rừng trong mấy năm trở lại đây tăng gần 5%, đạt tỷ lệ che phủ gần 80%.
Việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả DVMTR đã và đang giúp hàng nghìn hộ dân sống bằng nghề rừng, sống nhờ rừng ngày càng được cải thiện. Chính sách chi trả DVMTR không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về vai trò và tác dụng của rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng và cải thiện môi trường sống.
Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR đã mang lại hiệu quả thiết thực. Người dân biết việc bảo vệ rừng mang lại nhiều lợi ích, từ đó gắn bó với rừng, càng bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn. Hầu hết các thôn, bản đều thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, không còn xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép như trước đây, chất lượng rừng, môi trường sinh thái từng bước được cải thiện đáng kể. Cũng vì thế mà những cánh rừng ở Mường Tè ngày càng xanh tốt, góp phần nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh Lai Châu.