Xã hội

Huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng: Từng ngày “thay da đổi thịt”

Đình Du 17/06/2024 20:13

(TN&MT) – Được sự quan tâm của Nhà nước và các chủ trương, nguồn lực phát triển hợp lý đã giúp huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng ngày càng “thay da đổi thịt”, mang diện mạo mới.

1.jpg
Trung tâm huyện Đam Rông

Bức phá

Huyện Đam Rông thành lập năm 2004, là vùng sâu vùng xa của tỉnh Lâm Đồng, đời sống người dân ngày mới thành lập huyện vô cùng khó khăn. Huyện Đam Rông có diện tích khoảng 89.220 ha, dân số hơn 30,5 ngàn người, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tới 93%, có khoảng 10 dân tộc khác nhau như: K’Ho, M’Nông, Kinh, H’Mông, Mường, Nùng, Tày…

Theo UBND huyện Đam Rông, khoảng 20 năm trước, huyện Đam Rông là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Lâm Đồng, cơ sở hạ tầng chưa liền mạch, đời sống người dân nhất là đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống bằng nương rẫy, nghèo nàn và lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Nhưng những năm qua bằng sự nỗ lực vượt qua khó khăn đã giúp cuộc sống người dân nơi đây từng ngày thay đổi.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, huyện Đam Rông đã được đầu tư nhiều chương trình, dự án nên cơ sở hạ tầng đã từng bước được hoàn thiện, khá đồng bộ, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, khu đô thị từng bước được hình thành. Điều đó đã minh chứng sự quyết tâm, niềm khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn thể cán bộ và Nhân dân trong toàn huyện cùng chung sức xây dựng quê hương mới ngày càng phồn thịnh.

Khi mới thành lập huyện Đam Rông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3/4 dân số, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2,6 triệu đồng/năm. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm xuống còn 11,63%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 50,8 triệu đồng/người/năm, tăng gấp hơn 20 lần so năm 2005 và dân số phát triển hơn 62 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 65% dân số trên toàn huyện.

Với thế mạnh về phát triển nông nghiệp, những năm qua, huyện Đam Rông xác định rõ nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực để thoát nghèo. Năm 2019, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết về sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững, từng bước ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, các địa phương đã có kế hoạch cụ thể triển khai đi vào đời sống người dân. Chính vì vậy mà nền nông nghiệp ở địa phương này đã có sự phát triển tương đối toàn diện cả về quy mô, chất lượng và trình độ canh tác. Còn ngành chăn nuôi đã từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao, đang từng bước khẳng định là hướng đi mới của địa phương.

2.jpg
Áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp

Khởi sắc đi lên

Đầu năm 2024, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông đến năm 2040. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch toàn bộ ranh giới huyện Đam Rông bao gồm 8 xã (Đạ K’nàng, Phi Liêng, Liêng S’rônh, Đạ Rsal, Rô Men, Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long) với tổng diện tích 57.287 ha. Dự báo quy mô dân số đến năm 2025 đạt khoảng 59.400 người, trong đó dân số đô thị khoảng 13.600 người, dân số nông thôn khoảng 45.800 người và đến năm 2040 đạt khoảng 77.100 người.

Đam Rông là vùng cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Lâm Đồng, việc quy hoạch xây dựng vùng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả sức lan tỏa của Quốc lộ 27 và các đường tỉnh 722, 722B, 722C, 724, 726, cao tốc CT.26 (Liên Khương - Buôn Ma Thuột) phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, canh nông, du lịch thể thao, thuộc tuyến du lịch phía Tây TP Đà Lạt, vùng kinh tế động lực, vùng đệm giữa tiểu vùng và tiểu vùng III của tỉnh Lâm Đồng, tiếp giáp giữa TP Đà Lạt với tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk.

Vùng nông nghiệp với định hướng phát triển cây lương thực, dâu tằm, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, bò thịt cao sản, chăn nuôi heo công nghệ cao; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thông minh, chất lượng cao. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản…

Đồng thời phát triển công nghiệp nhẹ, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với công nghệ tiên tiến, sạch và thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị hàng hóa dựa vào tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ như: Lúa, rau, củ quả, cà phê, cây ăn trái, dâu tằm, sản phẩm từ lâm nghiệp…

Trong định hướng phát triển du lịch, huyện quan tâm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, phục hồi sức khỏe, du lịch canh nông, du lịch văn hóa cộng đồng gắn với du lịch vùng cảnh quan sông Krông Nô, hệ thống thác Bảy Tầng, suối nước nóng Đạ Long, Đạ Tông... Ngoài ra, huyện Đam Rông sẽ quy hoạch 3 bến xe, đến năm 2040, bến xe tại trung tâm đô thị Bằng Lăng sẽ đạt tiêu chuẩn bến xe loại II; tại đô thị Đạ Rsal, sau năm 2040 khi đô thị Đạ Rsal đạt tiêu chí đô thị loại IV, sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn bến xe loại II và tại xã Đạ Long (đến năm 2040) đạt tiêu chuẩn bến xe loại VI…

Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: “Huyện đang tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phấn đấu về đích vào năm 2025. Ngoài ra, phát triển nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung. Đồng thời, huyện cũng đang tập trung xây dựng để hoàn thiện hạ tầng đô thị thị trấn Bằng Lăng, khu công nghiệp và các vùng phụ cận với mục tiêu định hướng phát triển thương mại, dịch vụ. Những năm qua nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cùng sự đồng hành của đồng bào các dân tộc đã khiến cuộc sống thay đổi rõ rệt”.

Ngày nay, hình ảnh những con đường đất đỏ ở Đam Rông dần thay thế cho những tuyến đường bê tông, đường nhựa nối các buôn làng, đời sống người dân đã đổi thay. Các buôn làng được bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo và từng bước khởi sắc đi lên.

Đình Du