Kinh tế

Đắk Lắk: Phát huy lợi thế về đất đai để phát triển nông nghiệp

Trần Thọ 17/06/2024 - 20:13

Những năm gần đây, các chủ trương, chính sách phù hợp đã giúp tỉnh Đắk Lắk phát huy tối đa lợi thế về tài nguyên đất đai trong phát triển nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, vươn lên xứng tầm với vị thế trung tâm vùng Tây Nguyên.

loi-the-dat-dai-dl-1.jpg
Đến hết tháng 4/2024, Đắk Lắk có 32.785 ha cây sầu riêng, tăng 45,98% so với cùng kỳ năm 2023

Đưa đất đai vào sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh chất lượng cao

Theo kết quả thống kê được UBND tỉnh Đắk Lắk công bố tại Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 11/4/2023, diện tích nhóm đất nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk là 1.191.514 ha, là một trong những địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước.

Diện tích đất nông nghiệp lớn (trong đó có hàng trăm nghìn ha đất đỏ bazan màu mỡ) cùng với khí hậu ôn hòa, địa hình bằng phẳng, nguồn nước tưới phong phú là những điều kiện thuận lợi để tỉnh Đắk Lắk phát triển nền nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của quốc gia như cà phê, cao su, hồ tiêu...

Nhằm phát huy nguồn lực tự nhiên (trong đó có lợi thế về tài nguyên đất đai) để phát triển nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, kế hoạch, chiến lược quan trọng. Ngày 18/10/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Tây Nguyên, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn.

Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương án tổ chức không gian các vùng trồng trọt của tỉnh được sắp xếp thành 5 tiểu vùng: Tiểu vùng bình nguyên Ea Súp (phát triển các vùng chuyên canh các vùng các loại cây trồng: điều, lúa nước, cây ăn quả, dược liệu...);

Tiểu vùng cao nguyên Buôn Ma Thuột - Ea H’leo (phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với các loại cây dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng...); tiểu vùng đồi núi và cao nguyên M’Đrắk (phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp như: ca cao, cây ăn trái và trồng rừng...);

Ttiểu vùng đồng bằng sông Krông Ana - Sêrêpốk: Phát triển các vùng chuyên canh sản xuất lương thực tập trung như lúa, ngô...; tiểu vùng núi cao Chư Yang Sin (phát triển các hoạt động khai thác kinh tế từ lâm nghiệp, nông lâm kết hợp). Ngoài ra, còn có phương án phân bố không gian các vùng chăn nuôi, phân bố không gian vùng nuôi thủy sản và phương án phát triển vùng lâm nghiệp.

Những kết quả ấn tượng đã khẳng định sự đúng đắn, phù hợp trong chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, năm 2023, tổng sản phẩm ngành nông nghiệp của tỉnh đạt 22.398 tỷ đồng (tăng 4,88% so với năm 2022 và tăng trên 1,4 lần so với bình quân chung cả nước). Trong đó, có những mặt hàng nông sản tăng trưởng mạnh như cà phê, sầu riêng. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng được đẩy mạnh theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch sinh thái

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế của tỉnh.

Phương hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh là xây dựng chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh, triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.

Duy trì và mở rộng các làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh, dệt thổ cẩm, đan lát gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; phát triển và bảo vệ thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk; phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo hướng xanh, tuần hoàn. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng; phát triển kinh tế rừng. Tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ cacbon.

loi-the-dat-dai-dl-2.jpg
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 28.583 ha cây hồ tiêu

Với lợi thế về đất đai và khí hậu, Đắk Lắk đang là địa phương tập trung cây lâu năm với diện tích lớn, có giá trị kinh tế cao. Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk cho thấy, tính đến hết tháng 4/2024, toàn tỉnh Đắk Lắk có 211.895 ha cây cà phê; 29.510 ha cây cao su; 32.785 ha cây sầu riêng; 28.583 ha cây hồ tiêu và 4.847 ha cây bơ. Trong đó, diện tích sầu riêng của tỉnh đang tăng nhanh với mức tăng 45,98% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh điều kiện thuận lợi, việc phát triển nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức. Trong đó, sự suy thoái tài nguyên đất và biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thiếu bền vững và sự thiếu đồng bộ trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cũng đang cản trở sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk.

Để hoàn thành mục tiêu Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm nghèo bền vững, tỉnh Đắk Lắk đang tập trung thực hiện các giải pháp như: Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động; rà soát, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách đột phá trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; thu hút các nguồn lực để phát triển ngành nông nghiệp, tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ tác động của thiên tai, dịch bệnh...

Trần Thọ