Xã hội

Quảng Ninh: Giữ rừng ngập mặn tạo sinh kế bền vững cho người dân

Phạm Hoạch 17/06/2024 - 20:12

(TN&MT) - Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách nhằm bảo vệ, nhân rộng diện tích rừng ngập mặn đã tạo thành “bức tường xanh” bảo vệ hệ thống đê biển, người dân, cũng như hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu. Những cánh rừng ngập mặn còn tạo ra sinh kế bền vững, giúp người dân ven biển nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gìn giữ rừng ngập mặn

Những cánh rừng ngập mặn ven biển của Quảng Ninh có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, là "bức tường xanh" bảo vệ bảo vệ đê điều, đồng ruộng, đời sống của người dân, cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế, tạo ra sinh kế bền vững cho người dân ở vùng cửa sông, ven biển.

anh-qn-03.jpg
Những cánh rừng ngập mặn tại TX.Quảng Yên được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm bảo vệ hệ thống đê biển và tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển

Với trên 19.000 ha rừng ngập mặn tập trung nhiều tại các địa phương: Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Quảng Yên. Trong đó rừng ngập mặn phòng hộ chiếm gần 16.000ha, rừng ngập mặn sản xuất trên 3.000ha và rừng ngập mặn đặc dụng 26ha. Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó bao gồm rừng ngập mặn, gắn với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Cùng với đó, các địa phương tích cực trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, ven sông bằng công nghệ mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả rừng trồng mới, cũng như bảo vệ nghiêm ngặt những cánh rừng và hệ sinh thái rừng ngập mặn. Giữ được rừng ngập mặn cũng là “ngôi nhà” của các loài thủy sản có giá trị, tạo ra sinh kế cho người dân, góp phần nâng cao đời sống cho người dân ven biển.

Huyện Hải Hà đang duy trì trên 1.450ha rừng ngập mặn, chủ yếu tập trung tại các xã Quảng Phong, Đường Hoa, Quảng Minh, Quảng Thành. Trong đó có hơn 1.300ha rừng tự nhiên với các loài cây mắm, sú, trang, đước vòi, vẹt. Để bảo vệ, quản lý chặt chẽ diện tích rừng ngập mặn, huyện Hải Hà thực hiện chủ trương không giao đất bãi triều, đất mặt nước có cây ngập mặn để đắp đầm, khoanh vùng nuôi trồng thủy sản gây ảnh hưởng tới rừng ngập mặn. Đồng thời, các xã, thị trấn ven biển thường xuyên kiểm tra hoạt động đào, đắp đầm của các hộ gia đình được giao đất nuôi trồng thủy sản, đảm bảo không xâm hại tới diện tích rừng ngập mặn xung quanh.

anh-qn-02.jpg
Nghề nuôi hà treo dây đã giúp hàng trăm hộ gia đình ở xã Hoàng Tân, TX.Quảng Yên có việc làm và thu nhập ổn định

Còn tại huyện Tiên Yên có gần 3.700ha rừng ngập mặn, cũng là một trong những địa phương có hệ thống rừng sinh thái ngập mặn lớn của tỉnh. Để bảo vệ và phát triển rừng, huyện Tiên Yên đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại rừng ngập mặn, giữ gìn bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời khuyến khích người dân phát triển mô hình du lịch dựa trên lợi thế rừng tự nhiên này.

Trồng và bảo vệ rừng ngập mặn được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những giải pháp tối ưu để thích ứng và hạn chế tác động của thiên tai, vừa bảo tồn đa dạng sinh học, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển.

Tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển

Để gìn giữ, nhân lên diện tích rừng ngập mặn, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiêu bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, gần gũi với thiên nhiên.

Song song với việc chăm sóc và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, Quảng Ninh đã triển khai quy hoạch trên 45.000ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân bám biển, làm giàu từ biển.

Với trên 600ha đất bãi triều, ven biển, dưới những tán rừng ngập mặn của xã Hoàng Tân, TX.Quảng Yên là nơi sinh trú ngụ của nhiều loại hải sản, trong đó có những loại có giá trị kinh tế cao như ngán, sò, cua. Đây là nguồn lợi thủy sản giúp cho hàng trăm hộ dân ở địa phương có thêm việc làm và có nguồn thu nhập ổn định.

anh-qn-01.jpg
Người dân ở khu vực Điền Công, phường Trưng Vương, TP.Uông Bí đánh bắt bắt thủy sản dưới những tán rừng ngập mặn có thêm thu nhập, nâng cao đời sống

Là một trong những hộ nuôi hà treo dây tại xã Hoàng Tân, anh Nguyễn Văn Thế chia sẻ: Được chính quyền địa phương tuyên truyền về bảo vệ rừng ngập mặn, chuyển đổi từ phao xốp sang vật liệu đạt quy chuẩn, thân thiện với môi trường, gia đình đã hưởng ứng và chuyển sang dùng phao nhựa trong nuôi trồng thủy sản, vừa tăng độ bền của các bè nuôi, nâng cao sản lượng, vừa góp phần bảo vệ môi trường biển.

Ông Dương Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hoàng Tân cho biết: Rừng ngập mặn như lá chắn xanh bảo vệ hệ thống đê biển, ruộng đồng của người dân vừa là nơi trú ngụ của các loài thủy sản tự nhiên giúp cho người dân có việc làm và thu nhập, nâng cao cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Vì vậy, việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn tại địa phương luôn được người dân, cộng đồng dân cư quan tâm, chăm sóc.

Những năm qua, bằng những giải pháp quyết liệt cùng với những chính sách hiệu quả, chính quyền và người dân Quảng Ninh đã tích cực chung tay bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng ngập mặn. Những cánh rừng ngập mặn ngày càng xanh tươi, không chỉ có ích cho môi trường sống, bảo vệ hệ sinh thái biển, ứng phó biến đổi khí hậu mà còn đem lại nguồn thủy hải sản phong phú, tạo sinh kế bền vững giúp cho người dân ven biển ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phạm Hoạch