Đổi thay từ vùng đất khó Phước Ninh
(TN&MT) - Xóm ấp giàu đẹp, văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao… là những thành tựu của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh).
Đời sống nâng cao
Đến xã Phước Ninh vào thời điểm này, hẳn ai cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay vùng quê vốn dĩ nghèo khó. Những con đường nhỏ hẹp và lầy lội ngày trước giờ đã được nâng cấp, mở rộng, đổ bê tông phẳng lỳ. Nhiều nhà dân, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa... được xây dựng kiên cố, khang trang.
Để có được diện mạo như ngày hôm nay là nhờ nhiều sự nỗ lực trong nhiều năm qua cán bộ và nhân dân địa phương, trong việc thực hiện chương trình NTM và quyết tâm xóa đói giảm nghèo. Có thể kể đến là việc đầu tư các công trình thủy lợi đã giúp đời sống người dân thay đổi đáng kể.
Xã Phước Ninh có đặc thù thổ nhưỡng là đất cát pha lẫn đất đen, nhiều khu vực trũng thấp ngập trong phèn đỏ. Trước khi có công trình thủy lợi, nhiều diện tích đất cằn cỗi, hoang hóa, chỉ một số ít khu vực độc canh được lúa, trồng duy nhất một vụ lúa vào mùa nước nổi. Nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong đầu tư các công trình kênh thủy lợi, đảm bảo tưới, tiêu nước cho gần 5.000 ha đất phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho người dân trên địa bàn, nên đời sống người dân từng bước nâng cao.
Có thể kể đến là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tưng ở ấp Phước An. Gia đình ông từng là một trong những hộ nghèo của địa phương, nhờ vào nguồn nước sạch từ thủy lợi, ông mạnh dạn đầu tư nuôi ba ba và cá lóc. Hiện kinh tế của gia đình ông đã khá giả, có của ăn của để. Hay cánh đồng lúa rộng hàng trăm hecta tại ấp Phước Lễ, nhờ có tuyến kênh tiêu mà toàn bộ diện tích lúa tránh được việc ngập úng, nông dân rất phấn khởi. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của hệ thống kênh tiêu trong canh tác nông nghiệp.
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Lan cũng đã vươn lên thoát nghèo nhờ vào nguồn nước từ kênh thủy lợi. Chị Lan cho biết, gần 20 năm lập nghiệp ở ấp Phước Lễ, kinh tế gia đình chị chủ yếu dựa vào hơn 1 ha lúa nước. Tuy nhiên, trong một thời gian dài việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Do địa hình phức tạp nên rất khó dẫn nước vào từng thửa ruộng để làm đất trước khi gieo sạ hoặc tiêu thoát nước khi có mưa lũ dài ngày. Nhiều khi gia đình phải thức đêm hôm, luân phiên chờ chực, mất nhiều thời gian, công sức mới dẫn nước về ruộng để cày bừa.
Hiện kênh được nâng cấp, nhờ có nước, ngoài trồng lúa chị còn luân canh bắp và khoai mỳ, như vụ này chị đang xuống 1 ha bắp, dự kiến năng suất đạt hơn 50 tấn, đem lại thu nhập khá ổn định cho gia đình.
Xã đạt chuẩn NTM nâng cao
Theo lãnh đạo UBND xã Phước Ninh, năm 2016 xã Phước Ninh được công nhận xã NTM. Phát huy kết quả đạt được, Ðảng uỷ xã đã chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng NTM nâng cao.
Tính đến nay, tổng kinh phí huy động xây dựng xã Phước Ninh đạt chuẩn xã NTM nâng cao trên 67,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước trên 27,2 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 36 tỷ đồng và người dân đóng góp hơn 2 tỷ đồng. Tính đến tháng 12/2023, xã Phước Ninh không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện xây dựng xã NTM.
Đến nay, xã Phước Ninh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM mới nâng cao. Hệ thống giao thông nông thôn không ngừng được đầu tư hoàn thiện, toàn xã có 68 tuyến với tổng chiều dài gần 60 km được nhựa hoá, cứng hoá, xanh – sạch – đẹp. Các tuyến đường xã, đường trục ấp, ngõ xóm, trục chính nội đồng được nâng cấp cứng hoá, phục vụ tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của người dân.
Trên địa bàn xã có 3 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên. Chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và THCS được duy trì đạt theo quy định. Các thiết chế văn hoá trên địa bàn xã được đầu tư nâng cấp, bảo đảm cho việc sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh đó, các tổ chức hội, đoàn thể xã triển khai nhiều chính sách, nhân rộng các mô hình, phát triển ngành nghề nông thôn, qua đó giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn xã đạt hơn 85%; tổng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 80,4 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được chính quyền địa phương quan tâm thực hiện thường xuyên, hiện trên địa bàn xã còn 7 hộ cận nghèo, không còn hộ nghèo đa chiều. 100% nhà ở hộ gia đình trên địa bàn xã kiên cố hoặc bán kiên cố và không có nhà tạm.
Qua 7 năm duy trì và nâng chất lượng các tiêu chí, mới đây xã Phước Ninh vinh dự được UBND tỉnh Tây Ninh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của xã.