Chủ quyền thiêng liêng nơi biển biếc
Báo Tài nguyên và Môi trường xin gửi tới quý độc giả toàn bộ hải trình Đoàn công tác số 23 ra thăm, động viên cán bộ chiến sĩ và người dân trên quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Chuyến hải trình là bài học thực tế quý giá, là nguồn năng lượng tích cực, tiếp thêm lòng tin và tinh thần lạc quan không chỉ đến cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo, điểm đảo và nhà giàn, mà toàn bộ thành viên Đoàn công tác số 23. Qua đó, thành viên đoàn công tác nhận thức sâu sắc hơn, hiểu rõ hơn về biển đảo quê hương, về thực tiễn sống động, những khó khăn, gian khổ, vinh dự cũng như trách nhiệm lớn lao, sự cống hiến hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ quên mình giữ gìn biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Báo Tài nguyên và Môi trường xin gửi tới quý độc giả toàn bộ hải trình Đoàn công tác số 23 ra thăm, động viên cán bộ chiến sĩ và người dân trên quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa (chuyến công tác kéo dài từ ngày 21-27/5/2024). Chuyến hải trình là bài học thực tế quý giá, là nguồn năng lượng tích cực, tiếp thêm lòng tin và tinh thần lạc quan không chỉ đến cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo, điểm đảo và nhà giàn, mà toàn bộ thành viên Đoàn công tác số 23. Qua đó, thành viên Đoàn công tác nhận thức sâu sắc hơn, hiểu rõ hơn về biển đảo quê hương, về thực tiễn sống động, những khó khăn, gian khổ, vinh dự cũng như trách nhiệm lớn lao, sự cống hiến hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ quên mình giữ gìn biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đến Cam Ranh và làm quen với tàu KN - 390
Ngày 20/5/2024, Đoàn công tác số 23 với trên 200 đại biểu đã có mặt tại tỉnh Khánh Hoà để bắt đầu chuyến hải trình thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI/12 - Tư Chính.
Tham dự đoàn công tác có Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Tiến - Chính ủy Vùng 3 Hải quân làm Trưởng đoàn; Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Phó trưởng đoàn; Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Phó trưởng đoàn; cùng hơn 200 đại biểu là các quân nhân, công chức, viên chức các đoàn thể, doanh nghiệp và phóng viên nhiều cơ quan báo chí.
Sau khi thực hiện công tác khám sức khoẻ, kiểm tra công tác hậu cần, xe của Quân chủng Hải quân đón chúng tôi từ nhà khách đến dâng hương khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Đài tưởng niệm liệt sĩ tù chính trị Cam Ranh, Công viên tâm linh và chùa Linh Nguyên, một trong những hoạt động đầu tiên của đoàn để bắt đầu hải trình.
Đúng 8 giờ sáng 21/5, tàu KN-390 kéo 3 hồi còi dài chào đất liền đưa hơn 200 đại biểu Đoàn công tác số 23 đến thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà) và nhà giàn DKI/12 - Tư Chính.
Trời nắng dịu nhẹ, biển hài hoà, những lắc lư của con tàu đã khiến một số thành viên trong đoàn bắt đầu “say sóng nhẹ”. Sóng điện thoại đã mất, chúng tôi bắt đầu làm quen với nhau, những tiếng cười vang đã bắt đầu.
Ngay trên tàu, hoạt động thi đấu cờ tướng được các cờ thủ nhiệt tình đăng ký tham gia thi đấu, với phương châm: Chơi hết mình, được giải… thì càng tốt. Nổi trội nhất trong cuộc thi là sự xuất hiện của “nữ cờ thủ” xinh đẹp, với những bước đi chắc chắn, khiến các cờ thủ nam ai ai cũng muốn so găng.
Bữa cơm chiều quân ngũ đầu tiên diễn ra êm ả, các thành viên trong đoàn không ai bỏ bữa vì say sóng. Bóng tối dần buông, đứng trên boong tàu, chúng tôi hướng mắt về phía biển, những đốm sáng trên thuyền của ngư dân như những cột mốc chủ quyền trên biển, vẫn hiên ngang, vững chãi. Cùng khi ấy, từng tiếng hoà ca của các thành viên đang tham gia cuộc thi Gấp hạc giấy, làm hoa giấy vang vọng cả vùng biển khơi.
Song Tử Tây - Mảng xanh phong ba giữa trùng khơi
Hơn 30 giờ xuất phát từ cảng Quốc tế Cam Ranh, rẽ sóng vượt đại dương, tàu KN-390 đã cập đảo Song Tử Tây. Đoàn công tác chúng tôi hướng mắt nhìn về phía đảo Song Tử Tây, từng mảng xanh của cây phong ba, cây bàng vuông… như kéo chúng tôi gần lại hơn.
13 giờ ngày 22/5/2024, Đoàn chính thức đặt chân lên đảo, được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đón tiếp nhiệt tình, ân cần và chu đáo. Một “món quà” đặc biệt được đặt ngay lối lên/xuống, 2 chậu nước nhỏ cùng 2 chiếc khăn mặt đặt ngay ngắn, dành tặng các đại biểu. Bởi ở đảo, nước ngọt được ví “quý hơn vàng”.
Sau khi lên đảo, đoàn vào chùa Song Tử Tây, đến dâng hương tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Tại hội trường chính đảo Song Tử Tây, Đoàn công tác nghe quân và dân báo cáo về tình hình hoạt động trên đảo. Đại diện cho đoàn công tác, Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường – Phát biểu tại buổi lễ: “Tôi lần đầu ra quần đảo Trường Sa, tận đáy lòng tôi rất cảm kích sự gian khổ, sự hy sinh, cống hiến to lớn của cán bộ chiến sĩ và người dân sinh sống trên đảo. Tôi xin đại diện cho hơn 200 cán bộ, viên chức Đoàn công tác số 23 chúc toàn thể cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa sức khỏe, chân cứng đá mềm, phía sau các đồng chí là đất liền, là cả 100 triệu đồng bào luôn luôn đứng sau các đồng chí, chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào các đồng chí và gửi gắm sự bình yên và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc tới các đồng chí”.
Sau đó, Đoàn công tác trao quà động viên quân và dân trên đảo, nhiều món quà tuy giá trị chưa cao nhưng rất ý nghĩa và thiết thực với quân dân trên đảo.
Chỉ trong 2 giờ ngắn ngủi, nhiều hoạt động đã diễn ra, các chiến sĩ trẻ ban đầu như xa cách, nhưng chỉ trong vài câu ca của các ca sĩ trong đoàn, họ như hoà chung một nhịp. Người hát, người múa phụ hoạ như những diễn viên chuyên nghiệp, khoảng cách nay không còn, chỉ còn tiếng ca rộn vang hoà chung một nhịp.
Sau khi động viên quân và dân trên đảo Song Tử Tây, đoàn công tác Bộ Tài ngyên và Môi trường do Thứ trưởng Trần Quý Kiên dẫn đầu đã tới thăm, động viên cán bộ nhân viên Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây. Trạm có 4 người, bao gồm 1 trạm trưởng và 3 quan trắc viên. Họ đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước và đều là những thanh niên trẻ, nhiệt huyết, được đào tạo chuyên môn bài bản từ các trường chuyên ngành. Hằng ngày, các anh phân công đi lấy số liệu, đo đạc khoảng 8 lần. Tuy nhiên, nếu thời tiết xấu, tần suất lấy số liệu từ 24 - 48 lần/ngày, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Do thời gian có hạn nên đoàn công tác chỉ kịp tới thăm, động viên và chia sẻ những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của cán bộ nhân viên Trạm và chụp ảnh lưu niệm.
Giờ chia tay cũng điểm, đoàn chúng tôi rời đảo, ở trên bến, các thành viên trong đoàn đã dành tặng các chiến sĩ, người dân, trên đảo với những cái ôm thật chặt, những cái bắt tay thật lâu, như không muốn rời xa người thân.
Đảo chìm hiên ngang
Bình minh trên Biển Đông, một khung cảnh hùng vĩ, tôi cũng như nhiều thành viên trong đoàn đã thức dậy từ 4 giờ 30 phút sáng để “săn bình minh”. Đa số thành viên của Đoàn công tác số 23 vẫn say giấc nồng, sau những hồ hởi, hân hoan trong cuộc thi “Ấn tượng Trường Sa” tối hôm trước. Nhưng nhiều người đã chuẩn bị tinh thần, máy ảnh, máy quay, trang phục đẹp để đón bình minh trên biển. Ánh mặt trời dần nhô lên, tàu KN-390 vẫn rẽ sóng đưa đoàn công tác đến đảo Sinh Tồn Đông.
6 giờ sáng, tàu KN-390 thả neo, phía xa xa đảo Sinh Tồn Đông hiện lên trước mắt chúng tôi như “khu rừng xanh” trên biển, sừng sững mà hiên ngang. Các xuồng chở quà tặng, rồi đoàn Văn công, cánh báo chí chúng tôi “cũng được ưu tiên” lên đảo trước để thực hiện nhiệm vụ.
Đặt chân lên đảo, điều mà nhiều thành viên trong đoàn ghi nhận được đó là sự nhiệt thành, chu đáo, ân cần của các cán bộ chiến sĩ trên đảo. Từng cử chỉ nhỏ như, tháo áo phao/mặc áo phao giúp đại biểu, cũng được các chiến sĩ trẻ thực hiện một cách ân cần, nhiệt tình.
Với lịch trình được xây dựng chi tiết, đoàn vào thắp hương chùa Sinh Tồn Đông. Đi thăm quan khu chăn nuôi, trồng rau sạch trong nhà lưới của các chiến sĩ và động viên chiến sĩ trên đảo.
Tại Hội trường, đồng chí Lê Hồng Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, đại diện Đoàn công tác số 23 phát biểu động viên các chiến sĩ: “Chúng tôi ghi nhận sự hy sinh to lớn của các đồng chí, mong các đồng chí hãy vững tin, chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió, canh giữ vùng trời, vùng biển, vùng đảo thiêng liêng nơi trùng khơi của tổ quốc. Nhân dân cả nước luôn ở bên các đồng chí”.
Đảo Sinh Tồn Đông cũng như các đảo khác được trang bị hệ thống điện gió, điện mặt trời phủ khắp trên mái nhà. Nguồn năng lượng sạch, quý báu này góp phần không nhỏ trong việc thực hiện đảm bảo tốt nhất việc sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Chia tay các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông, 13 giờ cùng ngày Đoàn có mặt tại vùng biển khu vực đảo Len Đao. Giữa cái nắng hè tháng 5, chưa lên đảo nhưng nhiều thành viên trong đoàn đã vã mồ hôi và hoa mắt bởi ánh nắng nghiệt ngã như muốn thiêu đốt “làn da công sở” của chúng tôi.
Nhìn từ xa, đảo Len Đao hiện lên trước mắt chúng tôi là 2 khối nhà bê tông vững chãi, nổi bật giữa biển xanh. Xa xa lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh hai toà nhà, các chiến sĩ vẫn vững tay súng, hướng mắt về phía biển đón chào đoàn công tác.
Với đặc thù là đảo chìm, nên khi thủy triều lên thì đảo Len Đao nổi lên mặt biển, khi thủy triều rút thì rặng san hô nổi lên cùng với 2 khối nhà bê tông vững chãi.
Tại hội trường, Đồng chí Đại Tá Nguyễn Đình Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ phát biểu và động viên các chiến sĩ trên đảo: “Hôm nay, tôi quay lại Trường Sa, tận mắt chứng kiến sự đổi thay lớn từ đảo chìm cho đến đảo nổi. Đó là sự thay đổi toàn diện về bộ mặt và phòng thủ của đảo, con người thì ngày chính quy hơn, điều kiện ăn ở của cán bộ chiến sĩ, người dân được nâng lên. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội, nhờ đó cán bộ chiến sĩ yên tâm vững chắc tay súng bảo vệ biên cương biển đảo của Tổ quốc, cả nước vì Trường Sa và Trường Sa vì cả nước”.
Đứng trên vọng gác, chắc tay súng, mắt nhìn hướng về phía biển, Mai Phát Tài (SN 2004) chiến sĩ đóng quân trên đảo Len Đao kể: “Em sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh, được thực hiện nhiệm vụ trên đảo Len Đao là vinh dự lớn của đời em. Nơi đây năm 1988, các chiến sĩ đã anh dũng để bảo vệ đảo, và 64 tấm gương chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma luôn là tấm gương lớn để em và các chiến sĩ noi gương”.
Ngoài thời gian huấn luyện, các chiến sĩ luôn có chương trình thi đua lập thành tích như, ca hát, trồng rau, tăng gia sản xuất… phần thưởng là những cuộc điện thoại về hỏi thăm gia đình, người thân.
“Ở đảo xa, chúng em luôn thi đua lập thành tích, thực hiện tốt, thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Chỉ huy giao. Không nao núng trước kẻ thù ở phía biển, luôn vững tin vào Đảng, Nhà nước và Quân chủng”, Lương Hoàng Long (SN 2004) chiến sĩ đóng quân trên đảo Len Đao chia sẻ.
Theo kế hoạch, đoàn công tác chỉ có thời gian hoạt động trên đảo khoảng 2 giờ bao gồm cả hoạt động đưa đón đại biểu lên/xuống xuồng và các hoạt động văn nghệ khác. Nhưng diễn biến của thuỷ triều diễn ra nhanh chóng và phức tạp, khiến một số xuồng đón đại biểu trở về tàu bị “mắc cạn”, ngay lập tức nhiều chiến sĩ nhảy xuống đẩy xuồng ra khỏi khu vực mắc cạn.
Tôi cùng nhiều thành viên có mặt trên xuồng không khỏi xúc động, vì hành động quyết liệt của các chiến sĩ, ngay khi thấy chân vịt của xuồng gặp khó khăn, 2 chiến sĩ nhảy thẳng xuống vùng nước mà không hề suy nghĩ, đắn đo, dùng lực của cánh tay đẩy xuồng ra khu vực nước sâu.
Cánh hạc chao lên trong nắng chiều Gạc Ma
Để tưởng nhớ sự kiện thiêng liêng này, đúng 16 giờ ngày 23/5/2024, Đoàn công tác số 23 đã tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Trong cái nắng rực cháy giữa biển trời bao la, những giọt mồ hôi của mỗi thành viên rơi xuống như hòa tan vào dòng biển mặn chứa biết bao giọt mồ hôi của các thế hệ quân và dân ta.
Các anh mãi mãi sẽ không về vì sự bình yên của Tổ quốc, xin gửi tặng các anh những cánh hoa tươi thắm, cánh hạc chao lên trong nắng chiều Gạc Ma, đó cũng là sự ghi ơn, tưởng nhớ của 100 triệu người dân đất Việt hôm nay gửi tới các anh với mong ước “các anh hãy về với đất mẹ, về với người thân”. Mọi việc bảo vệ biển, đảo quê hương hôm nay đã có lớp lớp các thế hệ con cháu đất Việt sẽ thay các anh canh giữ đất trời và biển đảo quê hương.
Trao đổi với chúng tôi, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Tiến – Chính ủy vùng 3 Hải quân, Trưởng đoàn Công tác số 23 cho biết: “Không chỉ đoàn công tác số 23 của chúng tôi mà tất cả các đoàn công tác, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân mỗi lần đi qua Trường Sa ai ai cũng dành thời gian để tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ. Những chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, đã chiến đấu và anh dũng hi sinh trên quần đảo Trường Sa. Chúng tôi hết sức cảm động và tự hào về sự hi si anh dũng của các đồng chí. Thắp nén nhang, thả một bông hoa, một cánh hạc đó là sự gửi gắm của đất liền, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với những người đã khuất, các anh hy sinh để Tổ quốc trường tồn, để biển đảo bình yên, các anh hi sinh để đắp nên hình hài của biển đảo, của tổ quốc.
Nghi thức thả hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma
Ngay trong không gian đầy lắng đọng, thiêng liêng và xúc động, hình ảnh của vòng tròn Gạc Ma bất tử 36 năm trước như hiện rõ trong tâm trí của mỗi người, để rồi trong tiếng nấc nghẹn ngào, nhiều người đã khóc.
Những ngọn "hải đăng" kiêu hãnh
Hải trình của Đoàn công tác số 23 tiếp tục đến với đảo đá Đông A, thời tiết ủng hộ, biển lặng, trời quang mây tạnh. Từ phía xa, nhiều con thuyền gỗ mầu xanh của ngư dân vẫn thả neo đánh bắt hải sản, như một minh chứng rõ ràng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đảo đá Đông A hiện lên sừng sững, như điểm tựa vững chắc cho ngư dân trên ngư trường Trường Sa.
Theo đúng lịch trình, 6 giờ sáng, khi ánh nắng đầu tiên chưa ló rạng, hơn 200 đại biểu đã xếp hàng ngay ngắn, chuẩn bị mọi công tác hậu cần để lên đảo. Đặt chân lên đảo, từng ánh mắt, từng nụ cười của các chiến sĩ đảo đá Đông A đón chào các thành viên trong đoàn như người thân lâu ngày gặp lại.
Tham quan đảo đá Đông A, chúng tôi thấy những mảng mầu xanh, màu vàng “khổng lồ” vừa được các chiến sĩ tân trang lại, đó là nơi sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ trên đảo. Không chỉ vậy, khu vực phân loại rác thải cũng được các chiến sĩ thực hiện nghiêm túc. Có ô rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ, vỏ lon, chai nhựa được phân khu cụ thể. Một hành động thiết thực để bảo vệ môi trường biển.
Ấy thế rồi, giờ phút chia tay cũng đến, những câu hát trong bài ca “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song được các ca sĩ của Đoàn văn công tỉnh Tuyên Quang cất lên khiến chúng tôi không khỏi nghẹn ngào.
“Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa
Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà
Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua...”.
Đến với đảo chìm đá Tây B, có một ngọn đèn hải đăng tồn tại giữa biển trời mênh mông sóng nước chưa bao giờ tắt. Tín hiệu từ ngọn hải đăng đã giúp nhiều tàu thuyền định hướng di chuyển trên biển an toàn, giúp ngư dân đánh bắt hải sản trên biển yên tâm và chủ động tìm nơi tránh trú khi gặp giông bão.
Nhìn cột hải đăng đảo đá Tây B sừng sững giữa biển trời Tổ quốc, chúng tôi lại nhớ đến những câu trong bài hát “Ngọn hải đăng Trường Sa” của tác giả Nguyễn Quốc Tây:
Ngắm ngọn hải đăng trên đảo Trường Sa
Như cây cột lớn vươn trên bầu trời xanh
Mảnh đất thiêng liêng của nước Việt Nam
Từ ngàn năm xưa đã lưu dấu nơi này
Hải đăng ơi, tháp sáng đêm đêm như con mắt thiêng dõi theo bóng tàu
Trường Sa ơi, biển đảo thân thương như vòng tay mẹ dịu dàng yêu thương
Hải đăng ơi, đứng đó hiên ngang qua bao sóng gió sáng soi dẫn đường
Trường Sa ơi, biển đảo quê hương chúng em quyết giữ mãi muôn đời sau.
Tại Hội trường đảo đá Tây B, Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết: “Tôi có thể mường tượng được sự thiếu thốn, khó khăn, sự kiên cường, kiên định của quân và dân trên các điểm đảo. Có những điểm đảo chỉ cần nhìn ra cửa là thấy biển, tôi cảm thấy cuộc sống rất khó khăn, rất chông chênh, qua đó chúng tôi lại nhìn thấy sự kiên định, vững vàng của các chiến sĩ Hải quân và đặc biệt chúng tôi cũng nhìn thấy sự lạc quan qua nụ cười của các chiến sĩ trong thời gian ít ỏi khi giao lưu văn nghệ với Đoàn công tác”.
Chia tay các chiến sĩ trên đảo đá Tây B, tàu KN-390 tiếp tục hải trình hướng tới đảo Trường Sa lớn.
Hoàng hôn buông xuống, bóng tối bao phủ biển xanh, chúng tôi đứng trên boong tàu hướng mắt lên trời cao, chòm sao Bắc Đẩu, ánh trăng rằm cứ theo chúng tôi mãi không chịu rời. Anh bạn Mai Anh Minh – đang công tác tại Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam hô lên: Có sóng điện thoại anh em ơi. Vậy là không ai bảo ai, chúng tôi móc ra mỗi người một chiếc điện thoại, người gọi điện cho vợ, cho con, cho cha mẹ… bao sự nhớ nhung cứ thế râm ran cả góc trời. Đến khi tiếng alo… alo… đồng thanh vang lên thì cũng là lúc sóng điện thoại không còn, chúng tôi quay lại với nhau, ngồi cạnh nhau nhâm nhi chén chè và ngắm trăng – sao.
Đây Trường sa...!
Sáng 25/5 tàu KN-390 tiến gần đảo Trường Sa lớn, một mầu xanh khổng lồ hiện lên trước mắt chúng tôi, đảo hiện hữu thật rộng lớn và bề thế. Đoàn công tác rảo bước lên đảo, các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đón đoàn trong không khí trang nghiêm.
Được làm lễ chào cờ, hát Quốc ca giữa Trường Sa, bốn bề là biển thật xúc động và thiêng liêng vô cùng, một cảm giác khó tả. Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta đã dự rất nhiều buổi lễ chào cờ và hát Quốc ca, nhưng được hát vang bài hát Quốc ca trên đảo Trường Sa thật sự là một trải nghiệm đặc biệt. Qua đây tôi lại càng thấm thía hơn lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Sáng nay, nghe các chiến sĩ đọc 10 lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi nghĩ rằng không chỉ là chiến sĩ đâu mà tất cả những người dân chúng ta, đặc biệt trong Đoàn công tác số 23 này xin thề là sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Sau lễ chào cờ, các đại biểu của Đoàn công tác số 23 đã đến dâng hương, dâng hoa tại Bia tưởng niệm các chiến sĩ đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tốc quốc; dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Trường Sa; chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc chủ quyền Trường Sa; tặng quà, động viên quân và dân trên đảo, giao lưu văn nghệ, không khí thật vui vẻ, gần gũi.
Cũng giống như trên đảo Song Tử Tây, sau khi động viên quân và dân trên đảo, đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tranh thủ đến thăm và động viên cán bộ viên chức Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa. Đây cũng là một trong gần 700 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường và không khí... do hơn 3000 cán bộ viên chức thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày đêm quản lý và khai thác, đảm bảo quan trắc số liệu phục vụ dự báo khí tượng thủy văn phòng chống thiên tai, giữ gìn chủ quyền trên đất liền biên giới và hải đảo. Thời gian sắp tới, tại Thị trấn Trường Sa, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ khởi công xây dựng trạm ra đa thời tiết, một khi dự án đi vào hoạt động sẽ cung cấp thông tin thường xuyên, chính xác về công tác dự báo, cảnh báo, việc đó còn khẳng định được chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong suốt hải trình đến với quần đảo Trường Sa, chắc có lẽ ấn tượng đọng sâu nhất trong trái tim mỗi người trong Đoàn công tác chúng tôi là được tận mắt nhìn thấy đảo Trường Sa lớn xanh nguốt ngàn, uy nguy giữa trùng khơi, không khác gì một pháo đài sừng sững kiên trung giữa Biển Đông, đây còn là “thủ đô của huyện đảo Trường Sa”.
Nhà giàn - cột chủ quyền nơi trùng khơi
Tạm biệt Thị trấn Trường Sa, tàu KN-390 tiếp tục vượt sóng đến với Nhà giàn DK1/12 - Tư Chính. Sáng ngày 26/5, biển động nhẹ, trời có mưa, các thành viên trong đoàn lần đầu được thưởng thức món “sóng biển”, tàu lắc lư, có thành viên đã say sóng.
Nhiều thành viên lo âu vì khó có thể lên nhà giàn, nhìn sóng lớn như vậy cơ mà. Nhưng ngược lại, tôi với nhiều thành viên khác thì lại thấy vui vì trời mưa, bởi giữa biển khơi muôn trùng sóng vỗ mà có được cơn mưa thì “quý hơn vàng”. Các chiến sĩ sẽ có thêm nước để sinh hoạt, cây cối sẽ phát triển vì có mưa.
Tại hội trường, Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao sự bản lĩnh, kiên định và cao quý hơn là sự hi sinh to lớn của các chiến sĩ. Các đồng chí hãy yên tâm canh giữ đất trời, biển đảo cho quê hương. Chúng ta hãy biến kế hoạch thành hành động cụ thể, đó là làm cho Việt Nam giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển và tất nhiên các đồng chí đã và đang đóng góp vào thành tựu đó.
Chuyến hải trình biển lặng và thành công
Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Tiến – Chính ủy Vùng 3 Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 23 phát biểu chia tay đoàn: Hoạt động đưa người dân từ đất liền và kiều bào ra thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa sẽ được duy trì đều đặn hàng năm. Đưa đất liền ra với biên cương của Tổ quốc, qua đó các đại biểu chứng kiến được cảnh sinh hoạt, học tập, công tác của quân và dân trên các điểm đảo, thấy được sự khó khăn vất vả, sự kiên trung, đoàn kết của các lực lượng trên đảo và thấy được ý chí sắt đá của mọi người dân, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Đồng thời, để tất cả người dân, kiều bào ta ở nước ngoài và nhân dân trên thế giới hiểu được, thấy được chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Việt Nam.
Trong suốt hải trình, được tận mắt nhìn và suy ngẫm mới thấy biển cả thật rộng lớn, hùng vĩ và thân thương đến nhường nào! Biển đảo là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc, là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể chia cắt. Rời Trường Sa, tôi càng cảm nhận hết câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng/ Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển/Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Bài: Phạm Khải - Hoàng Vũ
Trình bày: Doãn Xuân