Kỳ vọng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xuất khẩu
(TN&MT) - Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm tích cực đối với người nông dân, đối với lĩnh vực nông nghiệp và đất nông nghiệp.
Theo ông Tuấn, Luật Đất đai 2024 có tính kinh tế cao hơn đối với đất nông nghiệp Luật giúp giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn bởi thời gian qua có tình trạng bỏ hoang đất đai ở nhiều vùng, và những cản trở, cứng nhắc của chính sách khiến việc sử dụng đất nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả theo định hướng thị trường, hoặc theo hướng hiện đại.
Ví dụ như Luật đất đai 2024 đã khuyến khích các đối tượng có thể sử dụng đất hiệu quả hơn, bằng cách Luật mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền đất lúa. Trong đó, Luật đã có quy định mới như: những cá nhân hay tổ chức vốn không phải sản xuất lúa, giờ có thể được nhận chuyển nhượng và đối tượng này khi nhận chuyển nhượng chắc chắn sẽ tổ chức sản xuất bài bản, hiệu quả hơn, chất lượng cao hơn so với đối tượng cũ và sẽ tổ chức theo hướng hàng hóa.
Như vậy, pháp luật đất đai mới sẽ tạo điều kiện là cho đối tượng có khả năng tổ chức sản xuất nông nghiệp tốt hơn, có tiềm lực, khoa học công nghệ, vốn nhiều hơn... Điều này rõ ràng giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững hơn. Chế định này được kỳ vọng có thể giúp sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xuất khẩu theo định hướng phát triển trong tương lai.
Đặc biệt, các quy định của Luật Đất đai 2024 cũng tạo ra không gian sản xuất lớn hơn cho sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, hạn mức nhận chuyển giao cũng đã được nới mạnh mẽ hơn, tiếp tục thúc đẩy tích tụ đất đai từ 10 lần hạn mức giao đất lên 15 lần; tăng hạn mức về thời gian cho quỹ đất 5% cũng tác động trực tiếp đến sản xuất theo hướng hàng hóa, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ mạnh mẽ hơn. “Nếu mảnh đất có diện tích lớn hơn so với hiện tại, rõ ràng đối tượng tổ chức sản xuất sẽ mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng cơ giới hóa… thuận lợi hơn. Thực ra, đây là xu hướng để giúp cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn”, ông Tuấn nói
Về lợi ích kinh tế, thời gian vừa qua, dù về lý thuyết, người nông dân có thể thế chấp quyền sử dụng đất lúa, đất nông nghiệp để vay ngân hàng nhưng trên thực tế, khả năng này diễn ra tương đối hạn chế. Bởi họ có nhiều cản trở, chẳng hạn như chủ sử dụng có thể chỉ là hộ sản xuất, cho nên xử lý vấn đề liên quan đến hộ rất phức tạp vì cá nhân đã quy định theo quan hệ pháp lý, song nếu một hộ có 10 - 15 thành viên thì để xin ý kiến đồng thuận của từng đấy chủ thể sẽ rất mất thời gian và phức tạp.
Ngoài ra, đất nông nghiệp cũng thường nằm ở vị trí địa lý xa xôi, tức là không phải vị trí đắc địa nên có giá trị không cao và đặc biệt vấn đề về thời hạn giao đất trước là 20 năm, kể cả đất nông nghiệp 50 năm chăng nữa nhưng khi thời hạn sắp hết thì quyền lợi của người sử dụng bị hạn chế rất nhiều khi mang ra thương lượng với ngân hàng do đó với quy định tự động gia hạn. Việc giảm thiểu thủ tục hành chính để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng sẽ là một “cú hích” để khơi thông dòng vốn. Điều này sẽ là động lực mang tính mở, thu hút đông đảo đối tượng khác trong xã hội tham gia. Về khía cạnh kinh tế, đây là động lực quan trọng để giúp cho nông nghiệp phát triển theo hướng mạnh mẽ hơn.
Trên thực tế, tất cả các quy định này đang chờ việc triển khai các nghị định, hướng dẫn hiện nay do Chính phủ soạn thảo và ban hành. Thời gian tới, việc tổ chức thực hiện, phổ biến thông tin đến đông đảo người dân và doanh nghiệp sẽ giúp hiện thực hóa những tinh thần cởi mở của Luật mới theo hướng thị trường hơn, hiện đại hơn và bảo vệ quyền, lợi ích của người nông dân, của những người sản xuất, tổ chức sản xuất nông nghiệp hơn.
Ông Nguyễn Huy Cường - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hậu Giang:
Luật Đất đai 2024 giúp địa phương hình thành nền nông nghiệp có quy mô lớn
Trong thời gian qua, các hình thức tích tụ đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã diễn ra tương đối đa dạng như đổi thửa, thuê đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất,... Các hình thức tích tụ đất đai đã giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế tối đa tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; đồng thời, hình thành nhiều vùng sản xuất lúa, cây ăn trái, trang trại nuôi gia cầm, thủy sản tập trung với quy mô hàng ngàn ha ứng dụng công nghệ cao, góp phần giúp địa phương thực hiện hiệu quả chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, tỉnh Hậu Giang đang khuyến khích hình thức tích tụ tập trung đất đai theo mô hình sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác. Do vậy, để thu hút cá nhân, doanh nghiệp đầu tư và phát triển nông nghiệp theo mô hình tập trung, quy mô lớn trong thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đất đai, hướng dẫn, hỗ trợ các bên trong việc thực hiện tích tụ đất nông nghiệp và bảo đảm ổn định quy hoạch đối với diện tích đất nông nghiệp đã tích tụ; đồng thời, tăng cường mối liên kết sản xuất, xây dựng các mô hình liên kết, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo lao động, hỗ trợ các khâu dịch vụ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai và có cơ chế khuyến khích người dân liên kết, góp vốn với các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, lâu dài và bền vững; xây dựng các khung chính sách về tích tụ ruộng đất phù hợp với từng khu vực, địa phương trong từng thời kỳ; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân có liên quan.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến:
Tăng tính hấp dẫn trong lĩnh vực đất nông nghiệp
Những quy định mới về đất nông nghiệp của Luật Đất đai năm 2024 đã thể chế hóa được Nghị quyết 18 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ Nghị quyết 18, soi vào những quy định mới về đất nông nghiệp của Luật Đất đai 2024 chúng ta thấy, các quy định mới đã tháo được những điểm nghẽn pháp lý, phát huy nguồn lực đất đai. Hiện nay, chúng ta cho phép các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Cùng với đó, tăng giới hạn, hạn mức giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tích tụ tập trung đất đai và chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo đó, Luật Đất đai 2024 đã tạo ra một "khoảng rất rộng” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng tính hấp dẫn trong lĩnh vực đất nông nghiệp. Luật đã có những thay đổi rất tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích cho người dân. Đồng thời, tháo gỡ được các điểm nghẽn pháp lý giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, ngoài nước và các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp có thể tham gia vào thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Điều này giúp khắc phục tình trạng manh mún về ruộng đất thông qua cơ sở pháp lý là tích tụ tập trung đất đai, tạo điều kiện đưa các công nghệ vào và nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành nông sản, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất xanh, sạch, có thể cạnh tranh và chinh phục thị trường của những quốc gia phát triển.
Ngoài ra, với việc Luật cũng đang tạo ra một mô hình, một sự chuyển đổi hoặc là sự kết hợp để làm bất động sản du lịch, nông nghiệp đây sẽ là một hướng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.