TP.HCM: Rà soát, ưu tiên vốn đầu tư dự án giao thông trọng điểm
(TN&MT) - Chủ tịch UBND TP.HCM đã có ý kiến chỉ đạo về triển khai kế hoạch năm 2024 thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2030.
Theo đó, lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung, chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ các nhiệm vụ cụ thể đã được phân công; thực hiện chế độ báo cáo, đánh giá định kỳ theo quy định, gửi về Sở Giao thông vận tải (GTVT) để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở GTVT và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, ưu tiên nguồn vốn đầu tư các dự án công trình giao thông trọng điểm, cấp bách và bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 2021 – 2025.
Trong đó, ưu tiên bố trí vốn chuẩn bị đầu tư các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức công - tư (PPP), kết nối vùng, các tuyến giao thông trục chính, khu vực cảng biển. Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi để huy động hiệu quả các nguồn vốn (ODA, PPP, trái phiếu địa phương, khai thác quỹ đất, xúc tiến kêu gọi đầu tư,...), tham mưu, đề xuất trình UBND thành phố.
Lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu Sở GTVT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, khẩn trương tham mưu UBND thành phố thực hiện các kết luận của thanh tra, kiểm toán. Các đơn vị kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư để sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác hiệu quả.
Đồng thời, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc đẩy nhanh tiến độ tham mưu UBND thành phố trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060 và quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040.
Ngoài ra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng được giao tham mưu UBND thành phố kế hoạch thực hiện rà soát quỹ đất phù hợp để khai thác, phát triển khu vực xung quanh nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (Bến Thành - Tham Lương), các nút giao thông với đường Vành đai 3 thuộc địa phận TP.HCM để triển khai thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan rà soát điều chỉnh quy hoạch dọc theo các tuyến đường vành đai, cao tốc và phát triển các vùng phụ cận để tham mưu UBND thành phố khai thác hiệu quả quỹ đất trên địa bàn, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
UBND TP.HCM cũng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý đường sắt đô thị chủ động, tích cực phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện trong công tác giải phóng mặt bằng; xây dựng kế hoạch chi tiết, có giải pháp đảm bảo tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, công tác quản lý chất lượng công trình,…
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng kế hoạch năm 2024 và cam kết tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của địa phương đối với từng dự án cụ thể, đảm bảo tiến độ chung và theo chỉ đạo của UBND thành phố về ban hành chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Sở GTVT định kỳ rà soát, đánh giá, báo cáo cụ thể từng nhiệm vụ, giải pháp chậm tiến độ; xác định rõ các khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của từng đơn vị có liên quan, từ đó đề xuất hướng giải quyết cụ thể, đảm bảo thực hiện hiệu quả Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn giai đoạn 2020 – 2030.