Xã hội

Chà Nưa (Điện Biên): Nâng cao chất lượng mật ong

Hoàng Châu 11/06/2024 - 20:22

(TN&MT) - Xã Chà Nưa thuộc huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên là xã miền núi biên giới. Nơi đây có những cánh rừng bạt ngàn các loại hoa nở quanh năm, thuận lợi cho việc khai thác mật ong. Xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ đã tận dụng lợi thế này, phát triển kinh tế từ việc nuôi trồng mật ong, xây dựng thành công thương hiệu mật ong Chà Nưa.

Huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên nơi có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, từ lâu tại mảnh đất này, nông dân, đồng bào đã khai thác mật ong tự nhiên và thuần hoá nuôi ong rừng lấy mật. Từ năm 2020, huyện Nậm Pồ đã xây dựng thành công thương hiệu mật ong Chà Nưa là sản phẩm đặc sản của địa phương. Với đầy đủ các tiêu chí đạt được về quy trình sản xuất, chế biến và chất lượng đảm bảo, sản phẩm mật ong rừng Chà Nưa đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Điện Biên.

dan-ong-nuoi-tai-nam-po.jpg
Đàn ong nuôi tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Ông Thùng Văn Chín, Giám đốc hợp tác xã nuôi ong rừng Chà Nưa, đồng thời là Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, cho biết: Đến nay, hợp tác xã nuôi ong rừng Chà Nưa đã mở rộng chuỗi liên kết với 25 hộ dân trên địa bàn xã Chà Nưa và 15 hộ dân ở xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ để tăng số lượng hộ dân tham gia sản xuất cung cấp phẩm mật ong cho hợp tác xã. Tới nay, đã tăng quy mô số lượng đàn ong lên tới 700 đàn ở 2 xã Chà Nưa và Chà Cang.

Trong năm vừa qua, hợp tác xã đã thu mua sản phẩm mật ong từ các hộ dân, hội viên nông dân, phụ nữ tham gia cung cấp sản phẩm cho hợp tác xã chưa hạ thủy phần là 1.000 lít. Lợi nhuận thu về sau khi bán cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện của hợp tác xã đạt gần 60 triệu đồng.

Hợp tác xã nuôi ong rừng Chà Nưa đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất cho người dân, nhằm đàm bảo lợi ích cho các hộ dân, đồng thời tăng cường liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà khoa học và nông dân ở địa phương. Song song với đó, nâng cao trách nhiệm của các bên liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cho sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện có thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững.

mat-ong-cha-nua.jpg
Sản phẩm mật ong Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Ông Vàng Văn Học, bản Nà Ín, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, chia sẻ: Mới đầu tôi chỉ nuôi thử nghiệm lấy mật dùng trong gia đình, nhưng sau đó thấy hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã mạnh dạn đầu tư đóng thùng, nhân giống, tăng đàn, mở rộng quy mô nuôi và coi đây là nghề thu nhập chính của gia đình. Hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu hoạch được khoảng 150 lít mật ong, cho thu nhập trên 60 triệu đồng. Ong nuôi dưới tán cây ăn quả, cây rừng tự nhiên, mật luôn có màu sắc đẹp, chất lượng thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.

Khi tham gia liên kết, các hội viên, nông dân, chị em phụ nữ được hợp tác xã cung cấp vật tư đầu vào như: phấn hoa, đường kính, chân tầng, thuốc thú y. Ngoài ra, hợp tác xã còn đầu tư tổ ong để các hội viên, nông dân, phụ nữ nuôi ong theo đúng quy trình kỹ thuật; đầu tư máy móc hiện đại để nâng tầm chất lượng. Sau một thời gian chăn nuôi, mật ong thu được tại các thùng nuôi có chất lượng tương tự như mật ong khai thác ngoài tự nhiên, mang hương vị đặc trưng riêng. Đây là sản phẩm được kết tinh bởi giống ong rừng và nguồn phấn hoa đa dạng, phong phú.

Để nâng cao hiệu quả của hợp tác xã trong thời gian tới, cần bồi dưỡng nâng cao trình độ cho bộ máy Hợp tác xã về các lĩnh vực theo dõi, giám sát, quy trình kỹ thuật, tiếp thị phát triển thị trường, tiếp cận công nghệ thông tin để quảng bá cho sản phẩm. Bố trí kinh phí để xây dựng nhà xưởng, nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm, trang bị thêm thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và bảo quản sản phẩm.

Bên cạnh đó, hợp tác xã cần mở rộng quy mô liên kết sản xuất và tiêu thụ đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để tìm các hợp đồng liên kết nhằm tiêu thụ ổn định cho sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ dân mở rộng phát triển tăng số lượng đàn ong, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào cho hợp tác xã.

Hoàng Châu