Biến đổi khí hậu

Hành động sớm vì sự an toàn

Đình Tiệp - Văn Dinh - Thanh Tùng - Tuyết Trang - Nguyên Sơn - Ngự Bình (lược ghi) 11/06/2024 - 17:05

(TN&MT) - Trước những thiệt hại, mất mát gây ra do thiên tai những năm trước đây trên địa bàn Bắc Trung Bộ, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng nơi đây xác định: Thực tiễn là bài học kinh nghiệm để địa phương sớm có phương án, giải pháp chủ động ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng người dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Quá khứ đau thương

Những mất mát, đau thương do hệ lụy của mưa bão liên tiếp xảy ra trong các năm qua. Điển hình là mưa lũ, sạt lở đất nghiêm trọng tại Rào Trăng (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) tháng 10/2020 khiến 17 công nhân thủy điện bị vùi lấp và 13 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn cứu hộ bị vùi lấp, hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

8m.jpg

Lực lượng chức năng sơ tán dân đến nơi an toàn

Cũng trong tháng 10/2020, sạt lở đất nghiêm trọng trong đêm tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) khiến 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 bị vùi lấp, hy sinh.

Năm 2022, tại tỉnh Nghệ An, đợt mưa lớn do hoàn lưu bão số 4, từ ngày 28/9 đến 2/10/2022 đã gây sạt lở đất, đường giao thông; lũ ống, lũ quét đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Theo rà soát lại của huyện Kỳ Sơn, lũ ống, lũ quét đã làm thiệt hại 233 ngôi nhà, trong đó có 56 nhà dân bị trôi hoàn toàn; trên 140 nhà bị hư hỏng nặng; 36 nhà phải di dời khẩn cấp. Nhiều công trình, trụ sở cơ quan nhà nước bị hư hỏng, ngập lụt; chưa kể số lượng phương tiện ô tô, xe máy bị trôi hoặc vùi lấp trong lớp đất cát dày từ 1,3 - 1,5m. Thiệt hại ước tính hơn 100 tỷ đồng.

Mới đây nhất, khoảng 14h30 ngày 6/5/2024, trên dãy Hoành Sơn (phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), trận mưa lớn đổ xuống cuốn theo nhiều đất đá vùi lấp lán tạm của nhóm công nhân thi công công trình Đường dây 500KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu. Sự cố thiên tai bất ngờ khiến 7 nạn nhân bị thương vong.

Đặt sự an toàn lên hàng đầu

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, trước tình hình những năm gần đây, thiên tai diễn ra hết sức khó lường, mưa, bão liên tục gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhất là tại khu vực miền núi như xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới) và một số địa phương tương tự, hàng năm, công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn được tỉnh Thừa Thiên - Huế và các địa phương, cơ quan chức năng đặt lên hàng đầu.

Trao đổi về nội dung bảo đảm an toàn cho dân trước mùa mưa bão, ông Hồ Trọng Chăn - Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm cho biết, vào khoảng tháng 7 và 8, xã tiến hành rà soát nhà ở có nguy cơ mất an toàn trước thiên tai (toàn xã có hơn 180 nhà trong diện rà soát) nhằm chủ động phương án di dời đến các điểm an toàn hoặc xen ghép trong các khu dân cư.

Theo ông Đặng Văn Hòa - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, để chủ động ứng phó mùa mưa bão năm 2024, tỉnh đã tiến hành rà soát nhà ở có nguy cơ mất an toàn trong mưa lũ nhằm thông báo cho các thôn, xã để biết về kế hoạch sơ tán, di dời dân. Các trường học đóng trên địa bàn xã sẽ mở cửa, bố trí cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương đón người dân vào ở trú tránh bão, mưa lũ một cách an toàn. Yêu cầu các địa phương kiên quyết tổ chức sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, đầm phá, khu dân cư... có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt. Bố trí lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra mưa lũ. Cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt và quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông, nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ, bão. Trong công tác phòng chống, ứng phó, chúng tôi đặt ra thứ tự ưu tiên: Bảo vệ người dân trước, bảo vệ tài sản sau.

Còn tại tỉnh Thanh Hóa, quan điểm của tỉnh lấy an toàn của người dân là mục tiêu cao nhất; phương châm phòng chống của tỉnh là sẽ huy động cả̉ hệ thống chính trị và mọi nguồn lực để triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừ̀a, ứng phó và khắc phục thiệt hại nhanh nhất; giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại về tài nguyên thiên nhiên, môi trường; bảo vệ sản xuất; góp phần bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó, quán triệt thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả.

Tại Nghệ An, ông Nguyễn Trường Thành - Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của tỉnh cho hay, nhằm chủ động ứng phó với mưa bão, thiên tai, chúng tôi chú trọng bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình trọng điểm; chủ động sơ tán, bảo vệ người, tài sản, bảo vệ sản xuất; bảo đảm an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc; phối hợp chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; ưu tiên nguồn lực ứng phó thiên tai; dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm; chủ động biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai; tăng cường công tác tìm kiếm cứu nạn.

"4 tại chỗ" trước, trong và sau thiên tai

Các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ đang "chạy đua với thời gian" chuẩn bị nhân lực, vật lực tại chỗ để chủ động đối phó với mùa mưa bão 2024, trong mọi tình huống, thời điểm, ở mọi khía cạnh, lĩnh vực, nhiệm vụ. Để hiểu rõ hơn công tác chuẩn bị và những phương án đối phó với mưa bão, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường lược ghi ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này.

Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình:

Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"

8etqt.jpg
Ông Trần Quốc Tuấn -
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình

Trước diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, quan điểm và mục tiêu của Quảng Bình là sẽ huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực để triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiệt hại nhanh nhất; nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường; bảo vệ sản xuất góp phần bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Cùng với đó, quán triệt và thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả.

Để thực hiện tốt được mục tiêu trên, Quảng Bình sẽ tổ chức rà soát Kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp giai đoạn 2021-2025. Đồng thời rà soát, xây dựng, củng cố, đào tạo, tập huấn, đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để đảm bảo chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai hiệu quả, chuyên nghiệp; Sẵn sàng các phương án ứng phó bão mạnh, lũ lụt trong mùa mưa, bão năm 2024; rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở để chủ động xử lý, di dời đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Đặc biệt, Quảng Bình sẽ tập trung nguồn lực khắc phục sửa chữa các sự cố công trình phòng chống thiên tai có nguy cơ mất an toàn. Nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời chính xác diễn biến thiên tai. Chủ động chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và các vùng dân cư khác, đề phòng bị chia cắt lâu dài; thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ.

Ông Phạm Văn Hoành - Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa:

Huy động mọi nguồn lực cho phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

8epvh.jpg
Ông Phạm Văn Hoành -
Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa

Để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai trong mùa mưa, bão năm 2024, với mục đích huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh năm 2024, ngày 15/5/2024, Sở TN&MT đã ban hành Kế hoạch số 35/KH-STNMT về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2024, trong đó có nội dung kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai; Ban hành Quyết định gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn xử lý ô nhiễm môi trường do thiên tai gây ra.

Sở TN&MT cũng đã chuẩn bị kinh phí để mua các trang thiết bị và hóa chất phục vụ ứng cứu, khắc phục hậu quả do thiên tai và sự cố môi trường gây ra trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu. Giao Chi cục Biển và hải đảo, KTTV&BĐKH chủ trì, tiến hành kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng hệ thống máy móc, thiết bị được lắp đặt tại 15 xã trên địa bàn 3 huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát đảm bảo việc vận hành hệ thống cảnh báo ổn định, thông suốt; đề nghị UBND cấp huyện, xã cập nhật danh sách cán bộ thuộc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và các xã lắp đặt trạm quan trắc, cảnh báo để thuận tiện trong việc thông tin, cảnh báo.

Chỉ đạo UBND các địa phương có lắp đặt các trạm quan trắc cảnh báo thực hiện tốt việc trông coi, bảo vệ, bảo đảm cho trạm quan trắc, cảnh báo được vận hành an toàn, đồng bộ và thông suốt. Đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại 7 huyện miền núi của tỉnh (Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành và Ngọc Lặc).

Ông Trương Đình Trọng - Trưởng Bộ môn Quản lý TN&MT và Địa thông tin, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế:

Cần nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo

8etdt.jpg
Ông Trương Đình Trọng -
Trưởng Bộ môn Quản lý TN&MT và Địa thông tin,
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

Thừa Thiên - Huế được xem là một trong những “tâm mưa” của cả nước, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại nặng nề trên địa bàn. Vì vậy, một trong những giải pháp áp dụng rộng là tăng cường công tác truyền thông, tập huấn về công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là mưa lũ cho toàn dân một cách hiệu quả và thiết thực.

Về chi tiết, để ứng phó với mưa lũ và bão, theo tôi, cần nâng cao hiệu quả công tác dự báo - cảnh báo mưa lũ; bởi hiện nay diễn biến của thời tiết rất thất thường, nhiều lúc không theo quy luật tự nhiên hay tính chu kỳ của các hiện tượng. Vì vậy, chất lượng của công tác dự báo thời tiết cần được quan tâm đúng mực để bảo đảm kịp thời, chuẩn xác, hiệu quả nhất. Trong đó, cần cập nhật các phương pháp, mô hình dự báo hiện đại của các tổ chức quốc tế và các nước tiên tiến, đào tạo chuyên sâu cho cán bộ làm công tác dự báo.

Bên cạnh đó, vận hành hợp lý các hồ chứa nước theo công tác dự báo, cảnh báo của cơ quan chức năng và diễn biến thực tế trong mùa mưa lũ; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “lũ chồng lũ” do xả nước hồ đập trong các đợt lũ lụt; đặc biệt cần chủ động xả nước trước các đợt mưa lớn. Tăng cường khơi thông, nạo vét hệ thống thu giữ nước, thoát nước mưa ở vùng đồng bằng, đặc biệt là các vùng đô thị để tăng khả năng lưu giữ và thấm nước mưa, tăng khả năng thoát nước trong thời kỳ mưa lũ.

Đồng thời, cần nghiên cứu, quy hoạch và xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước mưa một cách hiệu quả theo các kịch bản và tần suất lũ lụt, đặc biệt là giảm tình trạng ngập lụt đô thị và các vùng đồng bằng trũng thấp; triển khai nghiên cứu, phân tích tác động và có quy định giữ lại phần diện tích bề mặt thấm nước và thoát nước ở các khu đô thị, khu sản xuất...

Đình Tiệp - Văn Dinh - Thanh Tùng - Tuyết Trang - Nguyên Sơn - Ngự Bình (lược ghi)