Hậu Giang chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu: Đề cao vai trò của chính quyền, người dân
(TN&MT) - Các hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra thường xuyên và tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang. Trước thực tế này, tỉnh Hậu Giang đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó và bước đầu đạt được những kết quả khả quan.
Chủ động ứng phó
Mùa khô 2023 - 2024, thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, nguồn nước trên các sông, kênh, rạch khô cạn, nước mặn từ biển Tây và biển Đông xâm nhập một số khu vực trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, độ mặn đo được tại một số khu vực có thời điểm lên đến 13,5%, vùng chịu ảnh hưởng của hạn, mặn lên đến 110.000ha. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những các đợt hạn, mặn lịch sử vào mùa khô những năm trước đây, do đã có sự chủ động từ trước các cơ quan, đơn vị chức năng, địa phương và người dân đã chủ động lên phương án ứng phó nên thiệt hại từ hạn, mặn gây ra không đáng kể.
Ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Hậu Giang, trước khi bước vào thời điểm mùa khô 2023 - 2024, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát hệ thống đê bao, cống ngăn mặn; kịp thời dự báo, cảnh báo diễn biến tình hình xâm nhập mặn; thống kê diện tích các loại cây trồng có khả năng ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn để xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí lịch thời vụ xuống giống hợp lý và triển khai các phương án cấp nước cho người dân để ứng phó kịp thời với hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn.
Cũng theo ông Ngô Minh Long, thông qua việc chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó từ sớm, từ xa và cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, địa phương để vận hành hệ thống thủy lợi, quan trắc tự động trên địa bàn một cách hiệu quả, nên thời điểm mùa khô vừa qua, tỉnh Hậu Giang không có diện tích cây trồng, nuôi thủy sản nào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; đồng thời, nguồn nước sinh hoạt cho người dân luôn được đảm bảo ngay cả những thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt.
Những năm qua, để góp phần vào những thành công trong công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt là mùa khô 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của người dân các địa phương. Vào mùa khô hàng năm, địa bàn huyện Long Mỹ thường xuyên bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn nhưng với sự chủ động, linh hoạt của người dân trong việc triển khai các giải pháp ứng phó, nên hạn, mặn không gây ảnh hưởng cây trồng, vật nuôi cũng như nguồn nước sinh hoạt.
Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, nhiều hộ dân huyện Long Mỹ nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung hiện đang tập trung chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng cây màu, nuôi thủy sản cho giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, chính quyền các cấp cũng đang tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm ứng phó với các hiện tượng cực đoan của BĐKH như: giông lốc, sạt lở đất, ngập lụt đang ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh.
Sẵn sàng các phương án
Theo dự báo từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hậu Giang, do ảnh hưởng của LaNina, từ nay đến cuối năm 2024, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trước tình hình này, tỉnh Hậu Giang hiện đang tập trung triển khai các giải pháp, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của chính quyền các cấp và người dân địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là vào mùa mưa bão năm 2024, góp phần xây dựng cộng đồng bền vững, thích ứng với BĐKH.
Ông Trần Thanh Toàn - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết: Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đang tiến hành kiểm tra, rà soát và có phương án nâng cao độ an toàn cho hệ thống công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh theo phương châm 4 tại chỗ; đồng thời, tổ chức rà soát và cắm biển cảnh báo tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân địa phương.
Đồng thời, tăng cường thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến, nhất là bão, mưa lũ, sạt lở bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin kịp thời về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng; tổ chức chỉ đạo, chỉ huy triển khai các biện pháp ứng phó với các trận thiên tai lớn; huy động và triển khai nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai. Tỉnh Hậu Giang cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án xây dựng đê kè kiên cố để phòng, chống sạt lở; hồ chứa nước ngọt, góp phần bảo vệ đất đai, tài sản, nguồn nước sinh hoạt cho người dân và các công trình giao thông nông thôn.