Trong nước

Quốc hội thảo luận về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng

Thanh Tùng - Khương Trung 07/06/2024 - 15:56

Sáng 7/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng là cần thiết

Phát biểu thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cho rằng, TP Đà Nẵng có vị trí trọng yếu cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh với vai trò là trung tâm công nghiệp, tài chính, du lịch, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và cả nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế. TP Đà Nẵng cũng là đô thị biển và đầu mối giao thông rất quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không.

22.jpg
hó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng như vậy, việc cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để TP Đà Nẵng chủ động vận động bứt phá, tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội xứng đáng là đầu tàu của khu vực miền Trung là hết sức cần thiết.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng.

Theo đại biểu, TP Đà Nẵng là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương. Đây là thành phố trung tâm và lớn nhất của toàn bộ khu vực miền Trung, đóng vai trò là hạt nhân quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thành phố Đà Nẵng hiện là đô thị loại 1, là thành phố trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia. Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, việc cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để thành phố Đà Nẵng chủ động vận động bứt phá, tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội xứng đáng là đầu tàu của khu vực miền Trung là hết sức cần thiết.

Đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu qua nghiên cứu báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ trước đó, đại biểu cho rằng, đã là chính sách đặc thù thì cần xem xét đến yếu tố đặc trưng của địa phương mình, cái mình có mà địa phương khác không có, cái mình làm được địa phương khác khó có thể làm được. Vì cái riêng có của mình nên cần có cơ chế đặc thù để khai thác tiềm năng lợi thế.

Như TP Đà Nẵng, Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ những khâu tạo đột phá là đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics, cảng biển của cả nước; công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế; Quy hoạch cũng chỉ rõ tập trung phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành Khu phi thuế quan, khu thương mại tự do…

6(1).jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Để thực hiện mục tiêu đó, theo đại biểu, TP Đà Nẵng cần nghiên cứu để tập trung đề xuất các cơ chế đặc thù nhằm thực hiện các khâu đột phá mà thành phố đã đề ra như: thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không gian đổi mới sáng tạo v.v… để xứng danh là đô thị đáng sống. Do đó, đại biểu đồng tình cao với 21 nhóm chính sách đặc thù quy định tại dự thảo Nghị quyết.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, cơ chế đặc thù chắc chắn sẽ có những quy định vượt ra khỏi phạm vi quy định của pháp luật hiện hành, do đó để không tạo ra “vùng trời riêng” mà tính đặc thù đó phải nằm trong tổng thể chung của quốc gia và đảm bảo tính tương đồng với các chính sách đặc thù của tỉnh, thành đã được Quốc hội cho phép thí điểm và các địa phương có lợi thế như nhau.

Từ phân tích đó, đại biểu đề nghị cân nhắc một số quy định. Thứ nhất, việc quy định tổng dư nợ vay của Đà Nẵng không vượt quá 60% số thu ngân sách của thành phố được hưởng theo phân cấp tại khoản 5, Điều 10. Đại biểu cho rằng, quy định này chưa tương xứng và cũng chưa tương đồng với quy định đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh là 120% và theo Dự thảo Luật Thủ đô cũng đang đề nghị là 120%. Vì vậy, cần cân nhắc quy định này.

Thứ 2, tại điểm b, khoản 1, Điều 12 đề nghị bổ sung cụm từ “hệ thống siêu máy tính, trung tâm dữ liệu" vào sau cụm từ “chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới”. Lý do là bởi việc thu hút đầu tư vào hệ thống siêu máy tính và trung tâm dữ liệu giúp thành phố Đà Nẵng tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển, tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện khả năng cạnh tranh, hỗ trợ quản lý thông tin hiệu quả và tăng cường an ninh quốc gia; tạo môi trường hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Mặt khác, theo đại biểu, các doanh nghiệp công nghệ cao sẽ bị hấp dẫn bởi một môi trường có sẵn các cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.

Thứ 3, tại khoản 2, Điều 15 quy định “Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng của thành phố”. Theo đại biểu, việc phân cấp cho HĐND thành phố quy định mức thu nhập cho các đối tượng này là phù hợp, tuy nhiên để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và đặc biệt tránh tùy tiện trong áp dụng, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc nên quy định mức tối thiểu hoặc không vượt quá bao nhiêu %.

88.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, cho đến nay đã có 10 địa phương đã và đang đề nghị thí điểm cơ chế đặc thù; đã đến lúc nên tổng kết việc cho cơ chế thí điểm đặc thù để đánh giá một cách nghiêm túc, toàn diện các cơ chế đặc thù đã ban hành, từ đó xem xét ban hành một cơ chế chính sách chung cho cả nước nếu phù hợp hoặc dừng các cơ chế chính sách đặc thù không phù hợp.

“Tránh tình trạng các địa phương đều trình xin cơ chế đặc thù sẽ tạo ra sự không thống nhất trong công tác quản lý và phá vỡ định hướng chung trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước”, đại biểu nói.

Thí điểm thành lập khu thương mại tự do

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu dành sự quan tâm cho chủ trương thí điểm thành lập khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. Theo nhiều đại biểu, pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm khu thương mại tự do, về hướng dẫn việc thành lập, hoạt động khu thương mại tự do mà chỉ quy định khu phi thuế quan được xác định trong quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế. Tuy nhiên, đây là mô hình đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời cũng là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật.

1(1).jpeg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh bày tỏ sự ủng hộ cơ chế thí điểm thành lập khu thương mại tự do tại TP. Đà Nẵng. Phân tích vấn đề này, đại biểu cho biết, đây là cơ chế rất thành công trên thế giới, đặc biệt là những nước có ưu thế về cảng biển như Singapore có 9 khu thương mại tự do, Trung Quốc có 21 khu, Philippines, Malaysia, Indonesia… Hơn 30 năm qua, các khu thương mại tự do rất hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của các nước đó.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Việt Nam có bờ biển dài rất đẹp, đã quy hoạch có 34 cảng biển quốc tế. Đây là những điểm rất thuận lợi nên ủng hộ Đà Nẵng đi đầu thực hiện cơ chế thí điểm. Đại biểu cũng đề xuất có thêm một số cơ chế để TP Đà Nẵng triển khai thành công khu thương mại tự do, từ đó nhân rộng ngay ra các địa phương hiện có đặc điểm tương tự.

Song, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, để khu thương mại tự do có thể phát triển được, điều quan trọng nhất là hạ tầng, phải kết nối được bên trong và bên ngoài khu thương mại. “Dù hàng rào là hàng rào cứng nhưng con người qua lại rất nhiều, đòi hỏi sự giao thoa. Dĩ nhiên, khi hàng hóa từ trong khu thương mại tự do đi qua ngoài khu thì phải chịu thuế xuất nhập khẩu nhưng chúng ta phải đảm bảo sự kết nối này. Đồng thời, phải phân cấp trọn gói để TP Đà Nẵng có thể thực hiện được”, đại biểu nói.

Đại biểu Trần Nhật Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng bày tỏ tán thành với chính sách cho phép đầu tư xây dựng khu thương mại tự do. Nhấn mạnh đây là một nội dung mới, chưa có quy định hay chưa có tiền lệ ở Việt Nam, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần đi trước một bước, nghiên cứu để có các chính sách cụ thể, ưu tiên về thương mại, thuế nhằm hoạt động có hiệu quả, đúng với tính chất và mục đích của khu thương mại tự do.

99.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng đồng tình việc tạo cơ chế áp dụng thí điểm tại Đà Nẵng nhằm tạo bước đột phá mới cho Đà Nẵng nói riêng, đồng thời để ra khảo nghiệm việc phát triển mô hình kinh tế mới đối với nước ta nói chung trong thực tiễn, song đại biểu cũng lưu ý hai vấn đề. Đó là, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cần phải có cơ chế giám sát đặc biệt để chúng ta vừa làm, vừa kịp thời đánh giá rút kinh nghiệm. Đặc biệt, là định lượng được các tác động của chính sách này nhằm đảm bảo tính khách quan và bao quát từ thực tiễn đến khi triển khai thực hiện.

Trước đó, trong báo thẩm tra về nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tán thành với chủ trương thí điểm thành lập khu thương mại tự do tại TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật.

Để triển khai hiệu quả chủ trương này của Bộ Chính trị, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát để quy định rõ ràng, cụ thể trong Dự thảo Nghị quyết về: Khái niệm, mô hình tổ chức; Chức năng, nhiệm vụ; Chính sách phát triển và quản lý nhà nước; Phương án phát triển khu thương mại tự do; Nguồn lực thực hiện, đầu tư phát triển hạ tầng…

Thanh Tùng - Khương Trung