z5510356585180_58064ff12a53d845e55cadf364e6499c.jpg

Hà Nam: Doanh nghiệp “bỏ quên” hoàn nguyên, phục hồi môi trường?

Khai thác khoáng sản là hoạt động liên quan đến sử dụng đất tạm thời, do vậy sau khi kết thúc quá trình khai thác mỏ, cần tiến hành hoàn thổ, phục hồi môi trường, góp phần hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường của khu vực sau khai thác và cải tạo, trả lại diện tích đất cho địa phương quản lý để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Khoáng sản

Bài 1: Tiềm ẩn mối lo do các mỏ khai thác khoáng sản hết hạn nhưng không hoàn nguyên

Việt Linh 06/06/2024 - 14:13

Dù đã dừng khai thác khoáng sản, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam không thực hiện đúng cam kết hoàn thổ, phục hồi môi trường theo quy định, đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan, môi trường.

Thực trạng… buồn

Mục tiêu chung của công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường là đảm bảo sự an toàn về môi trường và sức khỏe của người dân địa phương tại khu vực khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, đối với mỗi khu vực và loại hình khai thác khoáng sản khác nhau, sẽ có những mục tiêu cụ thể về hoàn thổ, phục hồi môi trường khác nhau: Hoàn trả lại diện tích đất với điều kiện tự nhiên có đầy đủ các giá trị môi trường như ban đầu; Tái tạo lại các giá trị sinh thái và việc sử dụng đất gần giống với trước khi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản; Xây dựng các mục đích sử dụng hoàn toàn khác so với hiện trạng sử dụng đất ban đầu trước khi khai thác; Chuyển đổi các khu vực có giá trị năng suất cây trồng thấp thành các khu vực an toàn và ổn định hơn...

z5510356558209_d176429172f1f388dc053e5d0c9ede23.jpg
Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, trên địa bàn tỉnh có tổng số 20 mỏ của 17 doanh nghiệp đã hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản phải thực hiện lập đề án đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường.

Tuy nhiên, thời gian qua, từ nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã dừng hoạt động. Mỏ dừng, nhiều chủ mỏ cũng ngừng phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác quản lý, phòng chống thiên tai, phục hồi môi trường. Nhiều khu vực từng là khai trường nhộn nhịp giờ chỉ còn những bãi đất ngổn ngang, đồi cao, hồ nước sâu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, trên địa bàn tỉnh có tổng số 20 mỏ của 17 doanh nghiệp đã hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản phải thực hiện lập đề án đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường. Trong đó mới chỉ có 1 mỏ/ 1 doanh nghiệp đã thực hiện xong việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, đất đai; 2 mỏ/2 doanh nghiệp đã có quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, doanh nghiệp đang thực hiện công tác cải tạo phục hồi môi trường theo đề án đóng cửa mỏ được phê duyệt; 3 mỏ/3 doanh nghiệp đã lập hồ sơ đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường đang chờ Hội đồng thẩm định; 2 mỏ/ 2 doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để lập hồ sơ.

z5510356551611_59489bd1340da68b6dedaf356f1ebd22.jpg
Những mỏ không hoàn nguyên để lại những hồ nước sâu, nguy hiểm.
z5510356552250_876b54b7659651d203a778541b0b0dfe.jpg
Doanh nghiệp "bỏ quên" việc hoàn nguyên hay trây ì, không thực hiện quy định?

Đối với 12 mỏ còn lại, mặc dù đã quá thời hạn phải dừng hoạt động trước khi chấm dứt hiệu lực giấy phép để thực hiện công tác khôi phục, hoàn thổ, cải tạo môi trường sinh thái xung quanh khu vực rồi đóng cửa mỏ… Song, công tác này khá lơ là, chậm chạp, gây ô nhiễm môi trường, tại khu vực khai thác, nhiều vị trí tạo thành những vũng nước đọng sâu, vách đá cheo leo, cây cối chưa được phục hồi theo quy định, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Cụ thể, các doanh nghiệp mà giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực phải lập đề án đóng cửa mỏ, hoàn nguyên, phục hồi môi trường nhưng chưa thực hiện như Huyện Thanh Liêm gồm: Công ty CP đá vôi Hà Nam (Núi Đầu Bò, xã Thanh Thủy); Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường có 2 mỏ tại Đồi Ông Mùi (xã Thanh Hải) và thôn Lời (xã Thanh Thủy); huyện Kim Bảng gồm: Công ty TNHH Duy Nhất (xã Tân Sơn); Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường có 2 mỏ hết hạn năm 2016 tại Núi Khoằm, xã Thanh Sơn và Núi Cật Vượng xã Tân Sơn; huyện Lý Nhân gồm: Công ty CP Đồng Phát, Công ty TNHH đầu tư phát triển Thái Anh (bãi sông Hồng, xã Chân Lý); Công ty CP Đầu tư Tam Hà (bãi sông Hồng, xã Nhân Thịnh) và Thị xã Duy Tiên gồm: Công ty CP Đầu tư Phát triển Thành Đạt với 2 mỏ tại bãi sông Hồng, phường Mộc Bắc.

Tiềm ẩn “nhiều bẫy” chết người

Theo phản ánh của người dân địa phương, sau khi hết hạn khai thác khoáng sản nhiều năm, một số đơn vị trên địa bàn nhanh chóng rút đi, không hoặc chưa tiến hành hoạt động đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai theo cam kết.

Nhiều người dân cho hay: Chúng tôi cho rằng, không loại trừ khả năng các chủ mỏ có tư tưởng trốn tránh hoặc cố tình chậm trễ thực hiện các quy định của pháp luật sau khi dừng hoạt động. Mỏ không thể khai thác, không còn nguồn lợi nên chủ mỏ chây ì thực hiện các quy định của pháp luật về đóng cửa mỏ cũng như phục hồi môi trường, đất đai dẫn đến các tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn.

z5510356544664_bc03108f1a1252547facf063d7733978.jpg
Những khai trường nhộn nhịp giờ đây chỉ còn là những vách núi cheo leo.

Cũng theo người dân tại huyện Kim Bảng cho biết, việc không hoàn thổ sau khai thác khiến những khai trường trước đây chỉ còn là những vách núi cheo leo, hồ nước sâu dẫn đến những sự việc đau lòng, đơn cử như vào đầu tháng 5/2024, do thời tiết nóng nực, 5 học sinh (SN 2008, cùng trú tại huyện Kim Bảng) rủ nhau ra hồ nước hình thành từ quá trình khai thác đá để lại tại chân núi Mâm Xôi, thuộc thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn, không may 2 em bị trượt chân ngã xuống hố nước tử vong.

z5510356524015_2551e4ec147501a94a60e37b7878863a.jpg
Cảnh quan môi trường không được phục hồi.

Ghi nhận thực tế khu vực dừng khai thác tại một số huyện, nhiều vị trí tạo thành những vũng nước đọng sâu, vách đá cheo leo. Bên cạnh đó, cảnh quan môi trường, cây cối chưa được phục hồi theo quy định. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương cùng người dân đã nhiều lần kiến nghị, thậm chí qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri, với mong muốn chính quyền đưa ra phương án đảm bảo an toàn cho người dân và gia súc. Bởi khu vực này thời gian qua, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất đá, các vũng nước sâu có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, nhất là với trẻ em.

hai-nu-sinh-truot-chan-roi-xuong-ho-duoi-nuoc-tu-vong-08561202.jpg
Tai nạn đáng tiếc xảy ra hồi đầu tháng 5/2024 khiến 2 nữ sinh tử vong.

Trước thực trạng trên, liệu rằng chính quyền địa phương có bất lực? Doanh nghiệp cố tình phớt lơ các quy định, trách nhiệm lẽ ra họ phải làm ngay sau khi đóng cửa mỏ, dừng hoặc giấy phép khai thác hết thời hiệu. Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ làm rõ những thực trạng trên trong bài 2.

Điều 38 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính Phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8-2022. Vi phạm các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản
1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng tiến độ hoặc thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các hạng mục công việc phải thực hiện trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
2. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc từng giai đoạn hoạt động theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với các vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Việt Linh