Biến đổi khí hậu

Nghệ An: Thí điểm phát hành tín chỉ các-bon trên 6.000ha sản xuất lúa

Đình Tiệp 06/06/2024 - 08:58

(TN&MT) - Các cơ quan ban hành tỉnh Nghệ An cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang tiến hành các thủ tục để triển khai một dự án nhằm phát hành tín chỉ các-bon từ sản xuất lúa. Dự kiến ở mùa đầu tiên, dự án sẽ thực hiện trên diện tích gần 6.000ha lúa với khoảng 24.000 hộ dân tham gia.

Giảm khí mê-tan trong sản xuất lúa

Dự án mà Nghệ An đang tính toán triển khai tạo tín chỉ các-bon chủ yếu từ giảm phát thải khí mê-tan trong sản xuất lúa. Bởi mê-tan là loại KNK phát sinh lớn trong quá trình sản xuất lúa.

2-4-.jpg
Nghệ An sẽ tiến hành thí điểm thực hiện tín chỉ các-bon trong sản xuất lúa

Không giống như các loại cây trồng khác, với đặc thù sản xuất lúa nước, đất ruộng thường xuyên ngập nước, nên không có sự trao đổi không khí giữa đất và khí quyển. Điều kiện này sẽ tạo môi trường cho nhiều loại vi khuẩn khác nhau đang hoạt động trên lúa. Chúng ăn chất hữu cơ và tạo ra khí mê tan cao. Do đó, phát thải KNK trong sản xuất lúa nước đi ngược lại với phát thải chung trên thế giới khi CO2 chỉ chiếm 6%, còn mê tan chiếm tới 45%, lượng N2O lên tới 46% do bón phân mất cân đối và không đúng cách.

Việc giảm khí mê-tan có thể được thực hiện từ việc thay đổi tói quen sản xuất, hạn chế sử dụng nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không khoa học.

Theo các chuyên gia hoạt động giảm phát thải khí mê-tan liên quan chặt chẽ đến kỹ thuật điều tiết nước trên ruộng lúa, cụ thể là kỹ thuật “tưới ngập - khô” xen kẽ hay còn gọi là “nông lộ phơi”, không chỉ giúp giảm lượng nước sử dụng mà còn tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho nông dân. Khí mê-tan phát thải giảm thông qua kỹ thuật này là cơ sở để phát hành tín chỉ các-bon, từ đó làm lợi trực tiếp cho nông dân thông qua số tín chỉ mà họ đạt được.

Đây là phương pháp tưới đã được nghiên cứu và áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, giúp tiết kiệm 20 - 50% nước, công và chi phí tưới nước trong khi cây lúa vẫn phát triển tốt, đặc biệt giảm phát thải khí mê-tan 20 - 48%, giảm vấn đề gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Bằng việc tuân thủ đúng các biện pháp kỹ thuật, thực hiện tạo tín chỉ các-bon trong sản xuất lúa, nông dân vừa có cơ hội nâng cao thu nhập qua việc bán tín chỉ các-bon, vừa đặc biệt đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, đảm bảo tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.

Hướng đi của Nghệ An

Với diện tích sản xuất lúa 180.000ha/năm, Nghệ An có tiềm năng lớn trong giảm phát thải, tiềm năng giảm 1,44 triệu t-CO2e. Dự án hợp tác nhằm phát hành tín chỉ các-bon trong sản xuất lúa sẽ được bắt đầu triển khai thử nghiệm trong thời gian tới, dự kiến ở mùa đầu tiên, dự án sẽ thực hiện trên diện tích gần 6.000ha lúa ở các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu..., thuộc vùng tưới của Thủy lợi Bắc và Thủy lợi Nam, với khoảng 24.000 hộ dân tham gia.

1-5-.jpg

Đây là dự án lần đầu tiên triển khai tại Nghệ An cũng như Việt Nam để lấy tín chỉ các-bon trong trồng lúa, có sự hỗ trợ của JICA nên có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện. Các vấn đề liên quan về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng… sẽ được giải quyết theo từng giai đoạn của dự án. Dự án phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước; được thực hiện thông qua tư vấn từ một đơn vị do JICA Việt Nam giới thiệu.

Để sản xuất lúa theo hướng đáp ứng yêu cầu tạo tín chỉ các-bon, cần đáp ứng nhiều tiêu chí, yêu cầu từ khâu tổ chức và chấp hành tốt thời vụ sản xuất, các biện pháp canh tác. Đến nay, Nghệ An đã thực hiện nhiều biện pháp canh tác thông minh như áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), với diện tích từ 10.000 - 12.000ha mỗi vụ sản xuất. Đây được coi là tiền đề thuận lợi để áp dụng quy trình tạo tín chỉ các-bon trong sản xuất lúa. Dự kiến sau khi thành công trên cây lúa, sẽ mở rộng trên một số loại cây trồng khác vốn có diện tích, tiềm năng lớn như ngô, mía, chè… và trong chăn nuôi bò.

Về vấn đề này, bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, cho hay: Đây là hướng đi còn rất mới mẻ, ngay cả các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương còn chưa thực sự nắm rõ chứ chưa nói đến nông dân. Vì vậy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến là việc cần làm đầu tiên. Đồng thời, chính quyền và các cơ quan chuyên môn phải thực sự phối hợp, quy hoạch vùng, trên cơ sở đó đưa ra quy trình sản xuất chuẩn để chỉ đạo thực hiện, tạo thành áp lực để tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu.

Đình Tiệp