Xã hội

Chuyện giảm nghèo ở vùng biên Sốp Cộp

Nguyễn Nga 05/06/2024 - 16:00

(TN&MT) – Một huyện còn rất "non trẻ", cuối năm 2003 huyện Sốp Cộp (Sơn La) mới được thành lập bởi tách ra từ 8 xã của huyện Sông Mã. Thời điểm ấy, Sốp Cộp nghèo lắm, bởi cả 8 xã đều nằm trong diện đặc biệt khó khăn; 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu đất canh tác; toàn huyện chưa có điện lưới quốc gia, đường ô tô từ tỉnh đến trung tâm huyện chưa được nâng cấp, đường từ huyện đến xã không đi lại được 4 mùa… Khó chồng khó, cũng như cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng bà con nơi đây….

Làm giàu trên những vùng đất khó

Cơn mưa rào mùa hạ khiến tiết trời bớt oi ả, song cũng làm tuyến đường bình thường chỉ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ trở nên kéo dài hơn, bởi những cung đường quanh co, hiểm trở này đòi hỏi cánh lái xe phải thực sự quen đường. Qua cửa kính xe, lướt qua những hàng cây xanh mát dọc 2 bên đường, chúng tôi có cuộc hành trình tìm về huyện vùng biên Sốp Cộp, để lắng nghe sự chuyển mình bứt phá trên mảnh đất cuối trời này.

mot-goc-ban-muong-va.jpg
Một góc xã Mường Và, huyện Sốp Cộp.

Đến trung tâm Sốp Cộp, tiếp tục di chuyển thêm 10km nữa để về với xã vùng biên Mường Và. Mường Và, theo tiếng địa phương, có nghĩa là miền đất đông người tập trung sinh sống, đất đai màu mỡ phì nhiêu, có cánh đồng bằng phẳng và phong cảnh đẹp, cư dân bản Mường Và phần lớn là người Lào.

Đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến đi là anh Đào Văn Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện. Trên xe, anh Tưởng bảo: Mang tiếng Mường Và là nơi đất đai trù phú, thế nhưng chỉ vài năm trước, mảnh đất này còn khó khăn lắm, điện không có, đường núi gập nghềnh, đến cái ăn còn không đủ. Song, chỉ vài năm trở lại đây, Mường Và như "lột xác", từng ngày đổi thay, người dân đã ấm no hơn rất nhiều rồi.

C hờ sẵn ở cổng UBND xã, biết thời gian cũng không có nhiều, ông Lò Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng Mường Và. Ông Thơm giới thiệu: Mường Và là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, có 15km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, 21 bản, gần 2.700 hộ dân.

Để vươn lên, thoát cái nghèo đeo bám, đội ngũ lãnh đạo xã luôn trăn trở bài toán giảm nghèo cho bà con. Mọi người tích cực đi học tập, tham quan và tìm hiểu ở các địa phương có thổ nhưỡng, khí hậu tương tự để nghiên cứu trồng cây gì, nuôi con gì cho phát triển kinh tế vùng còn lạc hậu? Sau hơn 10 năm thử nghiệm, trải qua nhiều thất bại, chính quyền địa phương đã quyết chọn để đưa vào trồng thử nghiệm cây cam tại bản Nà Mòn.

Được “lộc” trời, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cây phát triển tốt. Bản Nà Mòn có 90 hộ dân thì nay, hầu hết hộ nào cũng tham gia trồng cam, hộ ít thì vài chục gốc, hộ nhiều thì có đến 4ha. Năng suất trung bình đạt trên 10 tấn quả/ha, có hộ dân thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây cam.

Dáng người cao, làn da hơi ngăm đặc trưng của nắng gió vùng biên, anh Lò Văn Thuần là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cam.

cam-na-mon.jpg
Người dân Nà Mòn thoát nghèo nhờ cây cam.

Bên chén nước chè còn tỏa hương, anh Thuần nhớ lại: Thời điểm ban đầu, gia đình tôi chuyển gần 1ha cây lương thực sang trồng cam; vừa trồng, vừa học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm. Cũng có lúc nản lòng, thoái chí, bỡ ngỡ, nhưng may mà trời không phụ lòng người, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu hoạch gần 10 tấn quả. Giờ đây, chúng tôi đã thành lập HTX với 11 thành viên, có 12ha cam. Quá trình chăm sóc vẫn luôn chú trọng việc ứng dụng sản xuất sạch, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc từ hữu cơ, sinh học để chăm sóc cây cam.

Nhờ đó mà cây luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Quả cam to, mẫu mã đẹp, ít hạt, mọng nước, hương vị thơm ngọt, nên giá bán duy trì ổn định từ 30.000-35.000 đồng/kg. Hàng năm, ngay từ đầu vụ, các thương lái đã đặt trước để thu mua cam; vụ cam vừa rồi, còn không có hàng mà bán. Bà con có thu nhập ổn định từ cây cam, ai cũng vui, phấn khởi.

Cùng với cây cam, trải khắp Mường Và là những cánh đồng lúa trải dài bất tận, khi gió khẽ thổi, những bông lúa đương thì con gái lại rì rào reo vui. Mường Và là xã có diện tích lúa nước lớn nhất huyện với các giống lúa nếp tan hin, tan nhe và tan đỏ, trồng chủ yếu ở các bản Mường Và, Nà Lừa, Huổi Ca, Huổi Niếng... chiếm gần 80% diện tích ruộng toàn xã, cho sản lượng trên 1.000 tấn thóc/năm.

Năm 2018, lúa nếp tan của xã được cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu “Nếp Mường Và - Sốp Cộp” và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, được chọn là một trong 20 sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La năm 2019. Đến nay, đã có gần 300 hộ gia đình, đơn vị đăng ký nộp hồ sơ xin sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và - Sốp Cộp”. Sản phẩm này được bày bán tại các siêu thị trong, ngoài tỉnh và một số sàn thương mại điện tử, được người tiêu dùng ưa thích.

img_1701215463567_1701215493157.jpg
Bộ mặt nông thôn Sốp Cộp đang từng ngày đổi thay.

Thay đổi từ tư duy đến hành động

Rời Mường Và, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình dọc các xã biên giới Sam Kha, Mường Lèo, Púng Bánh… Thời gian ngắn, nên khá tiếc khi không thể ghé thăm từng địa phương, song xuyên suốt chuyến đi, nhìn ngắm những mái ngói đỏ tươi, những con đường được bê tông hóa đến từng bản làng, những khuôn mặt người dân hiền lành, chất phác, vui vẻ trên những cánh đồng lúa trải dài mênh mang, cũng có thể cảm nhận được phần nào sự đổi thay và khởi sắc trên mảnh đất này.

Nhớ lại những ngày mới thành lập, Sốp Cộp nghèo lắm, và có tới 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con thiếu đất canh tác, cộng thêm tập tục của bà con người Mông du canh dư cư, nên điều trăn trở khôn nguôi với chính quyền địa phương nơi đây là làm sao để tạo sinh kế bền vững, làm sao để ngăn chặn tình trạng du canh du cư phá rừng làm nương rẫy, lấy đất sản xuất... Xóa đói rồi thì phải làm sao giảm nghèo bền vững, thực chất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là yếu tố then chốt, hạn chế tái nghèo trở lại.

Theo lời Phó Chủ tịch UBND huyện Tòng Thị Kiên, xác định rõ những tồn tại, hạn chế và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, Sốp Cộp đã quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nỗ lực thay đổi tư duy, khơi dậy ý chí vươn lên làm giàu, thoát nghèo của người dân.

Đồng thời, triển khai hàng loạt chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Quan tâm hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho người dân phát triển kinh tế gia đình, khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ phát triển.

Nhân rộng các mô hình giảm nghèo; rà soát, đầu tư thực hiện công trình thiết yếu tại các xã, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Hỗ trợ đầu tư công trình nước sinh hoạt, nhà văn hóa, trường lớp học, đường giao thông, thủy lợi...

img_1701215464053_1701215497277-1-.jpg
Người dân Sốp Cộp đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp.

Sau 20 năm nhìn lại, Sốp Cộp ngày nay đang có sự chuyển mình mạnh mẽ. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Sốp Cộp đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực vươn lên của nhân dân đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn.

Nếu như trước đây, người dân Sốp Cộp chỉ biết đến bắp ngô, củ sắn, củ khoai… để xóa đói, thì đến nay, đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như vùng sản xuất lúa nếp tan, vùng cây ăn quả tập trung tại các xã Mường Và, Nậm Lạnh, Mường Lạn; vùng cây cà phê tập trung tại xã Dồm Cang, đem lại thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. Người dân Sốp Cộp đã thực sự hiểu, chung sức đồng lòng cùng chính quyền địa phương để giảm nghèo.

Mỗi năm, Sốp Cộp đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4-5%, đến năm 2025 xuống dưới 20%. Rất mừng là, năm nào huyện cũng cơ bản đạt kế hoạch đã đề ra, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều còn 30%; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 4%.

Trên chặng đường xây dựng và phát triển đó, Sốp Cộp vẫn duy trì, giữ vững những nét văn hóa cổ, cũng như giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, thích hợp phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm…

Vẫn biết chặng đường 20 năm với sự phát triển của một địa phương không hề dài. Song, để tạo được sự chuyển mình mạnh mẽ của hôm nay, chắc chắn là cả sự nỗ lực, quyết tâm cao độ, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị đến từng cá nhân.

Cơn mưa rào đã tạnh, những tia nắng cuối chiều đang khuất dần sau rặng núi. Bầu trời sau cơn mưa thật đẹp, không khí mát mẻ, trong lành của chiều hoàng hôn Sốp Cộp cũng làm lòng người như dịu lại…

Chào tạm biệt Sốp Cộp, chúng tôi cũng khẽ để lại một lời hẹn gặp lại, để tiếp tục đến với những bản làng nơi vùng biên, viết lên sự đổi thay trong tư duy, trong hành động để thực sự xóa nghèo trên mảnh đất biên cương này.

Nguyễn Nga