Môi trường

Viện Hàn lâm KHXHVN hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới:Mỗi người thực hiện hành động cụ thể để bảo vệ môi trường

Hoài Thu 05/06/2024 - 15:56

(TN&MT) - Ngày 5/6, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Bảo vệ di sản thiên nhiên theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020” nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2024...

Phát biểu khai mạc, TS. Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay nhân loại đang phải đối mặt với khủng hoảng về khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên.

anh-chup-man-hinh-2024-06-05-luc-13.14.55.png
TS. Phan Chí Hiếu – Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam khai mạc hưởng ứng Lễ phát động

Với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, cùng với sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỷ người vào năm 2050, sẽ phải cần tới 3 Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của nhân loại. Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Do đó, năm 2024, Ngày Môi trường thế giới được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá" nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, bảo vệ hệ sinh thái, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, mục tiêu tại Đại hội XIII của Đảng đề ra: “Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH”. Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 được ban hành với nhiều điểm mới, giúp nâng cao hiệu quả quản lý trong công tác BVMT, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển kinh tế bền vững.

Đồng thời, Luật cũng đã hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên (DSTN) phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.

"Mỗi người chúng ta cần thực hiện những hành động cụ thể, thiết thực góp phần BVMT, bảo vệ hành tinh trái đất. Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên..." - Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXHVN Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.

anh-chup-man-hinh-2024-06-05-luc-13.15.51.png
TS. Nguyễn Song Tùng – Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo TS. Nguyễn Song Tùng – Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn nhấn mạnh, Việt Nam tự hào vì được Tổ chức UNESCO thế giới công nhận 22 Di sản thế giới, trong đó có nhiều DSTN, bao gồm: 5 di sản văn hóa, 3 di sản thiên nhiên và một di sản hỗn hợp. Ngoài ra, UNESCO đã vinh danh 3 công viên địa chất toàn cầu đều đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị suy giảm với tốc độ rất nhanh. Một phần lý do bởi các thói quen trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày đã dẫn đến các vấn đề về ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường di sản thiên nhiên nói riêng, một phần vì nhận thức trong mối quan hệ giữa di sản thiên nhiên, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững của người dân cũng như các cấp chính quyền vẫn còn hạn chế.

Trước bối cảnh này, Quốc hội đã thông qua Luật BVMT 2020, trong đó tại Điều 20, khái niệm, phân loại và các tiêu chí của DSTN được quy định.

Đồng thời, Luật cũng yêu cầu các chủ dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường đến DSTN, thực hiện các hoạt động truyền thông môi trường đồng bộ, phối hợp giữa các bên liên quan, cũng như các hình thức đa dạng nhằm chuyển đổi nhận thức thành hành động trong xã hội, góp phần vào công cuộc BVMT và nâng cao chất lượng cuộc sống.

anh-chup-man-hinh-2024-06-05-luc-13.19.04.png
TS. Trần Ngọc Cường - Nguyên Trưởng phòng Sinh thái – Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ TN&MT trình bày tham luận

Theo TS. Trần Ngọc Cường - nguyên Trưởng phòng Sinh thái – Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ TN&MT, các điều mới trong Luật BVMT năm 2020 đã quy định: Việc BVMT liên quan đến DSTN, đối với các Dự án đầu tư xây dựng thực hiện tại vùng lõi của DSTN, hoặc có sử dụng đất của vùng lõi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vùng đệm của DSTN,… cần phải được thực hiện đánh giá tác động môi trường, trong đó, cần đánh giá chuyên đề về tác động tới thiên nhiên, đa dạng sinh học của DSTN theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ TN&MT.

Ông cho rằng, các quy định này nhằm mục đích đồng quản lý, bảo vệ và đồng thời tạo cơ chế để phát huy giá trị của di sản thiên nhiên một cách bền vững và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định, chính sách mới của Luật BVMT đã bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong ý thức của người dân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.

anh-chup-man-hinh-2024-06-05-luc-13.18.30.png
TS. Phạm Thị Trầm - Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày tham luận

TS. Phạm Thị Trầm - Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, di sản thiên nhiên của Việt Nam rất đa dạng, phong phú và là nguồn vốn tự nhiên quý giá, cung cấp nhiều dịch vụ hệ sinh thái có giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như đời sống của cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, nguồn vốn tự nhiên này đang bị suy giảm do tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, bà đưa ra đề xuất cần có những hướng dẫn kỹ thuật đánh giá tác động môi trường chi tiết của dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên nhằm đáp ứng các yếu tố pháp lý, khoa học và thực tiễn.

Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững.

anh-chup-man-hinh-2024-06-05-luc-13.16.37.png
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Đồng thời, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cùng các nhà khoa học đã chia sẻ, thảo luận và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch, ổn định kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường của các địa phương sở hữu DSTN thế giới tại Việt Nam.

Hoài Thu