Trải nghiệm cùng “Chiến sĩ” Khí tượng Hải văn trên quần đảo Trường Sa
Các anh là cán bộ của 2 Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây và Trường Sa, thuộc biên chế của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ (Tổng cục Khí tượng Thủy văn – Bộ Tài nguyên và Môi trường). Bất kể ngày đêm, mưa giông, các anh vẫn cần mẫn thu thập số liệu về gió, mây, nhiệt, độ ẩm, áp suất khí quyển, mực nước biển... để kịp thời chuyển về đất liền phục vụ đời sống nhân dân, quân và dân trên đảo.
Ngược lên phía Bắc quần đảo Trường Sa, Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây hiện lên với vẻ đẹp xanh mát, hiền hòa. Trạm được thành lập từ năm 1988. Xung quanh được bao phủ bởi thảm xanh của cây phong ba, bàng vuông, phi lao… đặc biệt, trong khuôn viên của Trạm còn có cột mốc chủ quyền được xây dựng từ thời Việt Nam Cộng Hòa (năm 1956).
Anh Nguyễn Thành Duy, quê Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho biết: Mình ra đảo công tác được một thời gian, hiện tại vợ và 2 con ở trong đất liền, vợ làm ở Phòng Dự báo thời tiết, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, may có vợ làm cùng ngành nên rất chia sẻ và thông cảm cho công việc của mình. Đó là lý do mình cố gắng phấn đấu vượt qua mọi điều kiện vật chất khó khăn trên đảo và khoảng cách địa lý để yên tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ tại Trạm.
Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây có 4 người, bao gồm 1 trạm trưởng và 3 quan trắc viên. Họ đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước và đều là những thanh niên trẻ, nhiệt huyết, được đào tạo chuyên môn bài bản từ các trường chuyên ngành. Hằng ngày, các anh phân công đi lấy số liệu, đo đạc khoảng 8 lần. Tuy nhiên, nếu thời tiết xấu, tần suất lấy số liệu từ 24 - 48 lần/ngày, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi.
Anh Duy cho biết thêm: Nếu thời tiết bất thường, trạm đều tiếp nhận đầu tiên, đặc biệt là những đợt xuất hiện áp thấp nhiệt đới hay hình thành các cơn bão ngoài Biển Đông. Những ngày như thế, các quan trắc viên làm việc 24/24 giờ, liên tục cập nhật số liệu cảnh báo về cho đất liền để thông tin rộng rãi về thời tiết vùng biển cho nhân dân cả nước, song song với đó, trạm cũng chia sẻ thông tin đến quân và dân trên đảo, ngư dân đang đánh bắt tại các ngư trường để họ chủ động các phương án ứng phó.
Đến với Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa, có 5 cán bộ công tác, 1 trạm trưởng và 4 quan trắc viên. Cơ sở vật chất của Trạm được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp. Anh Trần Văn Linh, Trạm trưởng bộc bạch: Trạm rất vinh dự được đón tiếp Lãnh đạo Bộ và đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường ra thăm, anh em Trạm chỉ mong Bộ sớm bố trí kinh phí và có kế hoạch xây dựng lại nhà công vụ để anh em yên tâm sinh sống và công tác lâu dài trên đảo. Ngoài ra, anh Linh cũng đề xuất với lãnh đạo Bộ sớm triển khai xây dựng Trạm ra đa thời tiết.
Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa và Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây là 2 trong số 16 trạm đảo và trạm trên các nhà giàn (DK) nằm trên vùng biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây là các trạm tiền tiêu có tầm quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai và góp phần giữ gìn bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước. Đây cũng là hai trong gần 700 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường và không khí... do hơn 3000 cán bộ viên chức thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày đêm quản lý và khai thác, đảm bảo quan trắc số liệu phục vụ dự báo khí tượng thủy văn phòng chống thiên tai, giữ gìn chủ quyền trên đất liền biên giới và hải đảo.
Tôi được trải nghiệm làm “nhân viên Khí tương” cùng anh Trần Văn Tiến (Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây), anh Phan Nhật Thành (Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa). Trời nắng chang chang, mặc dù ngoài trùng khơi, bốn bề là đại dương nhưng không có một chút gió, cộng thêm nền cát san hô, bê tông… làm cho mồ hồi của chúng tôi chảy ướt đầm áo. Thế mới biết, hằng ngày cứ 30 phút đến 1 tiếng các anh tiến hành quan trắc tổng thể vất vả tới nhường nào, đấy là chưa kể những ngày mưa, ngày giông bão, mật độ quan trắc dày đặc.
Vừa ghi số liệu, anh Tiến vừa chia sẻ: Trong quá trình quan trắc không được phép thiếu sót, vì sẽ dẫn đến việc dự báo thời tiết bị sai lệch, lúc đó vô tình sẽ gây ra hậu quả khôn lường, do đó các anh em luôn tâm niệm khi làm nghề phải thật chỉn chu, tỉ mỉ, không để xảy ra sai sót nào, dù là nhỏ nhất.
Được biết, ở ngoài đảo, bốn bề là biển, hơi nước muối cộng với thời tiết khắc nghiệt đã làm cho các máy móc phục vụ quan trắc cũng bị bào mòn theo thời gian, thường xuyên xuống cấp. Đây cũng là điều mà các cán bộ, nhân viên lo lắng nhất, bởi khi máy móc bị hư hỏng sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ. Do đó, họ phải thường xuyên lau chùi, bảo dưỡng các thiết bị liên tục. Nếu số liệu đo đếm không đạt, dự báo thiếu chính xác sẽ gây ra hậu qua vô cùng lớn và rất khó lường.
Đấy là chưa kể tới nguồn điện thường xuyên chập chờn, khiến công tác quan trắc bị ảnh hưởng. Ông Dương Trung Thành, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên là cán bộ từng công tác ngoài Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa, chia sẻ: Rất đồng cảm với những khó khăn, thiếu thốn của anh em, tôi từng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi còn công tác tại đây, chỉ mong muốn các anh tiếp tục ra sức phấn đấu cống hiến và bám đảo, bám trạm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Để khích lệ tinh thần cán bộ ngành Khí tượng Thủy văn trên quần đảo Trường Sa, Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường có dịp ra thăm, động viên cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa, khi ghé qua thăm, kiểm tra và động viên cán bộ các Trạm Khí tượng Hải văn trên quần đảo Trường Sa, chia sẻ: "Các đồng chí yên tâm công tác, động viên gia đình - gia đình và toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động Ngành tài nguyên và môi trường luôn đồng hành, hướng về các đồng chí - là hậu phương vững chắc của các đồng chí. Mong các đồng chí hãy vững tâm vượt qua mọi thử thách, khó khăn, điều kiện vật chất hạn hẹp, tiếp tục gắn bó mật thiết, sát cánh cùng với quân và dân trên đảo giữ gìn bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc, đồng thời hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chuyên môn mà Bộ giao phó".
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết thêm: Đề xuất xây dựng nhà công vụ và Trạm ra đa thời tiết của các đồng chí rất chính đáng. Trong kế hoạch trung hạn đã bố trí đầy đủ kinh phí để chúng ta thực hiện xây dựng Trạm ra đa thời tiết ở đảo Trường Sa lớn. Nếu được triển khai xây dựng trong thời gian tới thì chúng ta sẽ có đầy đủ thông tin thường xuyên cung cấp để tăng độ chính xác của công tác dự báo, cảnh báo, việc đó còn khẳng định được chủ quyền rất thiêng liêng của Tổ quốc. Do đó, chúng ta sẽ xây dựng Trạm ra đa thời tiết phải đảm bảo đúng quy chuẩn, phát sóng và tiếp nhận của khu vực và thế giới. Còn nếu không kịp khởi công xây dựng được Trạm ra đa thời tiết trong năm nay là rất đáng tiếc, chúng ta có lỗi với Trường Sa.
Cùng với các cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo, những năm qua, các nhân viên Trạm Khí tượng Hải văn luôn làm tròn “hai vai”, đó là vừa làm hết trách nhiệm của nhân viên Ngành Khí tượng Thủy văn, vừa làm chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió, góp sức mình vào việc bảo vệ vùng biển, vùng đảo và vùng trời, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.