Thời sự

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 - Chủ tịch Hồ Chí Minh với môi trường sinh thái

TS. Đặng Duy Báu 04/06/2024 10:19

(TN&MT) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến môi trường. Theo Người, môi trường sinh thái lý tưởng là ở đó con người có quyền được sống, được bình đẳng, tự do, hạnh phúc trong một đất nước trong lành. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường sinh thái là một trong những yêu cầu quan trọng hiện thực hóa mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đất nước và con người Việt Nam là mạch nguồn nung nấu, là động lực thôi thúc Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu dân cứu nước với tâm niệm: “Giải phóng cho đồng bào tôi, cho đất nước tôi”.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, giặc Pháp tiếp tục quay trở lại xâm lược hòng cướp đi nền độc lập đất nước ta vừa giành được. Đứng trước nhiệm vụ bảo vệ nền độc lập non trẻ, chống thù ngoài giặc trong, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ ngắn gọn: “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” với mục tiêu chiến đấu cho một môi trường sinh thái mà ở đó con người có quyền được sống, được bình đẳng, tự do, hạnh phúc trong một đất nước trong lành.

1.-bac-ho-tham-dong-bao-xa-nam-chinh-huyen-nam-sach-tinh-hai-duong-va-noi-chuyen-ve-cong-tac-ve-sinh-phong-benh-15-2-1965.png
Bác Hồ thăm đồng bào xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương và nói chuyện về công tác vệ sinh phòng bệnh, ngày 15/2/1965. Ảnh tư liệu

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào thời điểm rất ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn để tâm đến môi trường sống của dân, lo cho dân, hướng dẫn dân sống cho có vệ sinh. Năm 1947, Người viết tác phẩm “Đời sống mới”, nêu rõ: “Đời sống mới là đời sống có vệ sinh. Nhà cửa, đường sá sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước phải phân biệt. Phải có cầu xia chung, hoặc cầu xia cho từng nhà để khỏi hôi thối, ruồi nhặng”. Nói chuyện với đồng bào ở Yên Châu (Sơn La) Người căn dặn: “Đồng bào muốn có sức khỏe để sản xuất không, có muốn con cháu mình không đau mắt hột, không bụng to, gầy còm không? Muốn thế thì ai cũng phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, đường sá vườn tược sạch sẽ…”.

Người rất quan tâm đến mối quan hệ con người với thiên nhiên. Về thăm đồng bào Hà Tĩnh (năm 1957), Người dặn dò: “Phải ra sức đắp đê chống lụt, đào mương chống hạn; chủ động phòng chống lũ, lụt, hạn hán nếu không thì mất mùa, đói khổ”. Ở Hội nghị tổng kết công tác lâm nghiệp (năm 1956), Người nói: “Phải quan tâm giữ gìn tài nguyên đặc biệt đó là rừng, muốn bảo vệ môi trường sinh thái chống được hạn hán, lũ lụt, phải bảo vệ rừng, rừng là vàng, phải biết khai thác hợp lý và bảo vệ”.

Hồ Chí Minh là nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới chủ trương trồng cây với tư duy trồng cây vừa gắn với phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường sống. Ngày 28/11/1959, khởi đầu Tết trồng cây, Người nói: “Mỗi Tết trồng cây có được 15 triệu cây. Chúng ta vừa có cây ăn quả, cây có gỗ, vừa xanh tươi, vừa làm được cột nhà. Phong cảnh ngày càng tốt tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Trong Thư gửi Đại hội hợp tác xã và đội sản xuất (ngày 11/4/1964), Người căn dặn: “Hợp tác xã nào cũng phải có kế hoạch trồng rừng và bảo vệ rừng. Nếu rừng cạn kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước, sinh ra hạn hán, lũ lụt, mất mùa”.

Hồ Chí Minh cho rằng: “Thiên tai cũng là một loại giặc”, nên phải vừa kháng chiến chống thực dân Pháp vừa phải chống thiên tai lũ lụt: “Chính phủ xem công việc chống lũ lụt như công cuộc kháng chiến”. Người thiết tha kêu gọi đồng bào coi việc canh đê phòng lũ lụt là việc thiết thực của mình. Nói chuyện với cán bộ tỉnh Nghệ An (năm 1961), Người nhấn mạnh: “Muốn chống thiên tai thì phải làm tốt thủy lợi để chống hạn, chống lũ lụt, đó cũng là làm kinh tế, để được mùa và làm cho đời sống nhân dân cùng tiến lên”.

Từ quan điểm chống thiên tai đi liền với bảo vệ môi trường sinh thái, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những vấn đề cụ thể về phương thức bảo vệ môi trường. Cần ngăn chặn kịp thời những hậu quả xấu do con người tác động vào thiên nhiên như tệ nạn chặt phá rừng, đốt rừng làm rẫy bừa bãi, khai thác đất, đá, mỏ lung tung, xây hồ đập ngăn dòng chảy không hợp lý; hay phát động làm thủy lợi thì “phải đắp đê, đào kênh mương, be bờ giữ nước”, phát động trồng cây “phải lo hạt giống, lo vườn ươm. Trồng rồi thì phải bảo vệ”. Nói chuyện với cán bộ ngành than (ngày 15/11/1958), Người nhắc nhở: “Than rất quý nên khai thác than cũng như khoáng sản khác phải hợp lý, tiết kiệm, nếu không sẽ hủy hoại môi trường”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về môi trường gắn thiên nhiên với con người, bao gồm những vấn đề rộng lớn của đất nước đến những việc cụ thể của người dân, quán xuyến mọi lĩnh vực, khắp mọi nơi, mọi lúc, đến mọi nhà, mọi người. Quán triệt tư tưởng đó, Đảng và Nhà nước ta đặt môi trường lên hàng đầu trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, luôn khẳng định muốn phát triển bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường.

Nội dung bảo vệ môi trường bao gồm nhiều lĩnh vực như phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, quản lý bảo vệ tài nguyên đất và nước, khắc phục ô nhiễm, phòng chống cháy và chặt phá rừng, khai thác hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên… Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 41-NQ/TW “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (15/11/2004); Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết số 24-NQ/TW (3/6/2013) “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, với tinh thần lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu.

Nhà nước rất quan tâm đến việc quản lý tài nguyên nước, đất đai, rừng, biển, đảo, ứng dụng phát huy tiến bộ khoa học công nghệ vào lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu trên lĩnh vực này với nhiều chương trình, dự án được đưa thành luật, được ứng dụng và triển khai trong thực tế. Nhiều công trình công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý ô nhiễm đất, nước và không khí, công nghệ xử lý rác thải đã và đang được ứng dụng có hiệu quả.

Đảng và Nhà nước đã xem việc bảo vệ môi trường là của toàn dân nên rất chú ý việc xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên, các cơ quan báo chí truyền thông thực hiện nhiều cách thức tuyên truyền linh hoạt, đa dạng và phong phú, tổ chức thường xuyên và sâu rộng việc nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân, xây dựng lối sống văn minh, thân thiện với môi trường, gìn giữ vệ sinh môi trường trong sạch. Tổ chức thường xuyên và sâu rộng phong trào “Tháng hành động vì môi trường”, chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tổ chức đa dạng và phong phú những hoạt động về môi trường như: Tết trồng cây, Giờ Trái đất, Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn…

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường sinh thái trước biến đổi khí hậu và hội nhập toàn cầu, tiếp cận các thành tựu khoa học và công nghệ 4.0 về bảo vệ môi trường, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, đảm bảo chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường”. Phấn đấu kinh tế xã hội phát triển thịnh vượng, phồn vinh. Mọi người được sống trong môi trường trong lành, với mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

TS. Đặng Duy Báu